Trong dòng chảy điện ảnh của bất kỳ quốc gia nào, vai trò của những dòng phim lịch sử, cổ trang là vô cùng quan trọng. Vì phim cổ trang không chỉ giúp truyền tải lịch sử, mà còn giúp quảng bá văn hóa truyền thống của đất nước đó đến các thế hệ trẻ và bạn bè quốc tế. Mặc dù có vai trò quan trọng như vậy, nhưng với điện ảnh Việt, đây vẫn là một cuộc chơi quá nhiều thử thách và rủi ro cao về giá trị thương mại, thậm chí dễ gây nên những tranh cãi, lùm xùm cho ekip và các nhà làm phim.
Giữa thập niên 2000 khi điện ảnh Việt bắt đầu xã hội hóa, với sự tham gia của các hãng phim tư nhân cũng như các thương hiệu cá nhân cũng bắt đầu rục rịch những ý tưởng về phim có yếu tố lịch sử. Hãng phim Chánh Tín với phim “Dòng máu anh hùng”, hãng phim Phước Sang với phim “Áo lụa Hà Đông”. Cả hai đều là những tác phẩm được đánh giá cao trong thời kỳ đầu của một nền điện ảnh non trẻ, với những tâm huyết kỳ công phục dựng bối cảnh, câu chuyện chỉn chu cùng với dàn diễn viên thực lực.
Cảnh trong phim "Thiên mệnh anh hùng". |
Nhưng rất tiếc, cả hai không mang lại lợi nhuận cho nhà sản xuất. Thậm chí “Dòng máu anh hùng” còn là một trong những lý do khiến Chánh Tín phá sản nhiều năm sau đó. Một trong những lý do đưa ra là do CGV (với hệ thống rạp chiếu lớn) còn chưa xuất hiện nên phim Việt chưa thể có doanh số ấn tượng.
Nhưng sau 2010, kể cả khi CGV đã xuất hiện, điện ảnh Việt đã có những khởi sắc nhất định về doanh số thì dòng phim cổ trang của Việt Nam vẫn còn gặp nhiều thử thách. Phim “Thiên mệnh anh hùng” (Victor Vũ năm 2012) dù được đánh giá bộ phim hay nhất năm, doanh thu 16 tỷ (một con số không tồi vào năm 2012) thì bộ phim vẫn lỗ vốn. Bởi làm một bộ phim cổ trang tốn kém hơn nhiều so với phim thông thường.
Như bộ phim truyền hình “Thái sư Trần Thủ Độ”, kinh phí mỗi tập phim là một tỷ. Trong khi một tập phim truyền hình thông thường chỉ vào khoảng 500 đến 700 triệu. Dù đã được VTV ưu ái hết mức, chiếu vào khung giờ vàng, tiền quảng cáo nhiều hơn cũng không làm cho bộ phim có lãi.
Vì dòng phim cổ trang là một cuộc chơi tốn kém, khó thu hồi vốn và có lãi như vậy, bên sản xuất phim bắt đầu dùng đến nhiều chiêu trò PR để kích cầu doanh số. Nổi tiếng nhất có lẽ là “Tấm cám chuyện chưa kể” hay “Thần đồng Đất Việt” của Ngô Thanh Vân với những màn “rơi nước mắt” ồn ào. Tuy nhiên do chiến lược phân phối vé và nội dung phim chưa thực sự thuyết phục, phim vẫn không đạt được doanh thu kỳ vọng.
Poster phim "Thần đồng đất Việt". |
Câu hỏi đặt ra vì sao phim cổ trang Việt Nam lại trở nên xa xỉ đắt đỏ và khó khăn như vậy. Lý do có lẽ nằm ở tầm nhìn và chiến lược chung. Đạo diễn Trương Nghệ Mưu khi làm phim “Anh hùng” thay vì dựng những bối cảnh riêng lẻ trong một trường quay cỡ nhỏ như phim truyền hình “Bao Thanh Thiên” thập niên 90 của TVB thì ông đã xây cả một trường quay ngoài trời mang tên Hoành Điếm. Ở đó có cung thành nhà Thanh, nhà Hán, bối cảnh phố Thượng Hải thời kháng Nhật...
Tầm nhìn vĩ đại của ông đã giúp cho dòng phim cổ trang của Trung Quốc sau đó đã trở thành cường quốc phim cổ trang của châu Á, kể cả Nhật Bản hay Hàn Quốc cũng không thể vượt qua. Trường quay Hoành Điếm không chỉ cung cấp bối cảnh, mà còn cho thuê cả trang phục, ngựa, kiệu, vũ khí, diễn viên quần chúng sẵn có ngay tại địa phương. Điều này giúp cho việc sản xuất phim cổ trang ở Trung Quốc trở thành một bộ máy vận hành chuyên nghiệp, giúp giảm bớt đi đáng kể chi phí làm phim. Chưa kể Hoành Điếm còn trở thành một địa điểm du lịch thu hút khách tham quan.
Còn phim cổ trang ở Việt Nam trở thành cuộc chơi tốn kém vì phải di chuyển khắp mọi miền đất nước để tìm bối cảnh phù hợp, mỗi nơi quay một vài cảnh nhỏ. Ngựa phải đi thuê ở nơi xa chuyển đến, trang phục, áo giáp phải đi may, kiệu hay xe ngựa… phải đi đặt hàng sản xuất. Chúng ta chưa có sự đầu tư đồng bộ và dài hơi.
Và khi nhà sản xuất phim đã tốn quá nhiều kinh phí cho việc dựng bối cảnh thì phải cắt giảm bớt các khâu khác. Ở đó có thể là cắt bớt ngân sách cho biên kịch. Kết quả là ta không có kịch bản phim đủ hấp dẫn.
Đó là còn chưa kể đến nhiều bộ phim cổ trang còn chưa thực sự chỉn chu và chính xác trong việc “điện ảnh hóa” lịch sử dân tộc, giúp cho người Việt thêm yêu sử Việt như mục đích tốt đẹp của nó. Hay một số phim như “Trạng Quỳnh”, “Kiều”, “Mỹ nhân kế”… với nhiều yếu tố tưởng tượng hư cấu, thiếu sự đầu tư nghiêm túc bối cảnh, trang phục, thậm chí sai lệch nội dung, trở nên phản cảm và lố lăng. Thậm chí nhiều phim thiếu chỉn chu đến mức khán giả phải thốt lên trông như một vở kịch sân khấu ngoài trời mang lên chiếu rạp hơn là một tác phẩm điện ảnh thực sự.
Phim cổ trang Việt Nam vài năm gần đây cũng đã bắt theo xu hướng sử dụng phông xanh CGI của thế giới. Xu thế mới này sẽ không cần một trường quay thật lớn như Hoành Điếm nữa, cũng không cần đội ngũ diễn viên quần chúng, phục trang, đạo cụ… quá tốn kém như trước nữa. Nhưng hai bộ phim cổ trang của Ngô Thanh Vân đã cho thấy công nghệ kỹ xảo của Việt Nam vẫn còn quá xa để tạo ra những kỹ xảo chân thật nhằm thu hút được khán giả. Một phần có lẽ vẫn là do vấn đề ban đầu: kinh phí.
Như những năm trước đây, chúng ta hay có câu bông đùa, là người Việt “thuộc sử Tàu hơn sử Ta”, rất đơn giản, vì dòng phim lịch sử của Trung Quốc đạt đến độ khiến cả thế giới say sưa, và họ thành công trong việc quảng bá lịch sử nhờ xuất khẩu điện ảnh. Với điện ảnh của chúng ta, điều này có lẽ còn quá xa vời.
Những năm gần đây, nhà nước đã có một vài sự hỗ trợ về kinh phí, kịch bản nội dung, công nghệ và cả tư vấn từ các chuyên gia sử học đầu ngành để các hãng phim tư nhân và các cá nhân sản xuất những bộ phim cổ trang, nhưng không nhiều. Sự chung tay để các dự án sản xuất phim cổ trang tập trung về một mối sẽ tiết kiệm chi phí hơn, thay vì các đơn vị tư nhân “oằn mình” gánh chịu cuộc chơi thương mại đắt đỏ này. Hoặc đáng tiếc hơn, là làm ra các bộ phim kém chất lượng “nửa vời” khiến khán giả thay vì yêu thích điện ảnh và lịch sử, lại trở nên chán ghét lịch sử ta hơn.
Hy vọng, trong tương lai, nhà nước ta có sự nhìn nhận đánh giá chính xác và thiết thực hơn trong việc đầu tư vào dòng phim lịch sử. Thực tế, phim cổ trang có một vai trò rất quan trọng trong việc đem lịch sử đến gần với giới trẻ. Để thế hệ sau không còn sợ hãi môn lịch sử vì những số liệu khô cứng nằm trong các trang sách giáo khoa.
Người phụ nữ góp công làm nên lịch sử Mỹ
Elizabeth Schuyler Hamilton sinh ngày 9/8/1757, hay còn được gọi tắt là Eliza, là một nhà xã hội và nhà từ thiện người Mỹ.