Đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ: Còn sống, tôi còn làm phim về Memento Mori!

Bộ phim được coi như một dự án cộng đồng, đưa những thông điệp tích cực tới người bệnh, người thân, bác sĩ, như một sự động viên tinh thần.

Bộ phim ‘Memento Mori: Đất’ của đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ là những lát cắt của hiện thực khắc nghiệt về hành trình cận tử của những người mắc bệnh ung thư, qua đó nhằm truyền tải một thông điệp sống với thái độ tích cực.

Memento Mori: Hãy nhớ ta đang sống!

Tôi cũng như nhiều người, đã từng “không đủ can đảm” để đọc cuốn “Điểm đến của cuộc đời” của tác giả Đặng Hoàng Giang. Phần nhiều, tôi sợ mình không chịu được nỗi buồn, sự đau đớn mà những nhân vật trong cuốn sách đang gặp phải. Cái chết, ai rồi cũng phải chết, nhưng cuộc giằng xé giữa sự sống và cái chết thật nghiệt ngã. Đôi khi, chỉ muốn nhắm mắt lại, không nghĩ tới nữa.

Cuốn sách
Cuốn sách "Điểm đến của cuộc đời" của tác giả Đặng Hoàng Giang.

Marcus Mạnh Cường Vũ cũng vậy, phải mất một thời gian, anh mới “qua” được chương đầu. Đọc về hành trình cận tử của cặp mẹ con Hà-Nam, đủ làm cho Cường thấy nặng. Cường nói: “Tôi đã ra hồ Tây, ngồi ngắm mặt nước, không gian rộng, rồi để những ký ức về người cha của mình dội về…”.

Mẹ của Cường trong một lần đang lên lớp dạy học, bà bị đột quỵ một cách bất ngờ, để từ đó là những năm tháng ngồi trên xe lăn tới tận giờ. Bố Cường sau một thời gian chăm sóc vợ, ông đã ra đi bởi căn bệnh ung thư… Chính những ký ức buồn đó mà Cường hoàn toàn đồng cảm với những gì cuốn sách “Điểm đến cuộc đời” đề cập tới và anh quyết định đưa những gì mình cảm nhận được tới mọi người bằng nghệ thuật.

Anh bắt tay thực hiện dự án MEMENTO MORI, trong đó sẽ có bộ ba: MEMENTO MORI ĐẤT-LỬA-NƯỚC tương ứng với ba câu chuyện trong sách.

Trước hết, Memento Mori (MM) tiếng Latin có nghĩa: “Ngươi/mày/bạn/ai/ta… rồi cũng phải chết!”. Có rất nhiều người trên thế giới và Việt Nam theo trường phái này. Một trong những dấu hiệu của Memento Mori đó chính là biểu tượng chiếc đầu lâu. Bạn có cảm giác gì khi có một biểu tượng đầu lâu được đặt trên bàn làm việc?

Với những người hiểu thông điệp của MM, chiếc đầu lâu như một hình ảnh trực diện, chính mình chứ không ai khác, nhìn thẳng vào cái chết để hiểu một sự thật là cái chết luôn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Và, thời gian là có hạn, chẳng chờ ai bao giờ. Hãy tranh thủ sống trong từng phút giây sao cho hữu ích và không phải hối tiếc.

Poster bộ phim Memento Mori: Đất.
Poster bộ phim Memento Mori: Đất.

Câu chuyện thứ ba trong “Điểm đến của cuộc đời” của tác giả Đặng Hoàng Giang được Cường đưa vào Memento Mori: Đất bởi hai vợ chồng Vân – Hoàng vốn là những người gắn bó cuộc sống với nương rẫy, vườn café và những luống hoa ở miền đất Lâm Đồng. Cuộc sống của họ gắn với đất và cây café với những bông hoa trắng trở thành một biểu tượng vòng tròn của sự sống và cái chết.

Căn bệnh ung thư đã biến Vân từ một người vợ đang có cuộc sống bình thường đã trở thành một người gần như hoàn toàn khác, cô chống chọi với đau đớn nhưng vẫn chịu khó ghi chép di chúc dặn dò con cái từng chút một bởi cái ý nghĩ, nay mai mẹ mất rồi, con sống thế nào đây…

Vân thèm được nấu cơm, tắm giặt chăm sóc con, thèm được đi trên đôi chân của mình... Ốm đau, nhưng vợ chồng còn rau cháo chăm nhau được, đó cũng là hạnh phúc ít người có được! Hoàng đã hết sức khi chầu chực xếp hàng, vừa đi vay tiền, vừa tìm cách mua thuốc giảm đau cho vợ. Một nỗi lo đến nghẹt thở nhưng rồi cũng bị xếp phía dưới bởi những cơn đau cần thuốc và morphine để giảm đau.

Hình ảnh nhân vật Vân trong phim.
Hình ảnh nhân vật Vân trong phim.
Đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ: Còn sống, tôi còn làm phim về Memento Mori!

Không có gì kinh khủng hơn sự quan sát mình chết dần. Vân tìm hiểu và quyết định hiến giác mạc trong sự phản đối của gia đình nhà chồng. Cuối cùng, cô dặn Hoàng hãy trồng thật nhiều hoa quanh mộ… Vân đã trở về với Đất.

Trong phim, Cường không quá nhấn nhá vào nỗi đau, mà có thể nói, có những cảnh quay sử dụng cái đẹp của thiên nhiên, của sự sống quanh đây để phản chiếu lại điều đó… Trái ngược với sự lo lắng của khán giả không muốn đi xem phim vì sợ ám ảnh, thì ở đây xin bạn đừng lo bởi nỗi đau đớn, dằn vặt, như vừa mới bắt đầu thì đạo diễn đã “bù đắp lại” bằng những chi tiết, khoảnh khắc khác một cách nhẹ nhàng.

Tiết tấu phim chậm với những mảng hiện thực và quá khứ đan xen nhau, Hoàng phải đồng ý đi vay tiền bằng cách gá quả thận trong khi Vân đã bị nằm liệt nên luôn khát khao được bước đi trên đôi chân trần chạm đất. Hai cô bé con ngây thơ hồn nhiên lúc đi học, lúc đi chơi trên cánh đồng hoa, lúc được bố đón về, lúc tự hỏi sao mẹ Vân không có tóc…

Đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ: Còn sống, tôi còn làm phim về Memento Mori!

Rất nhiều chữ nếu, muốn, ở đây, nhưng có lẽ cho làm lại, thì Cường vẫn vậy, anh vẫn chọn những bối cảnh rất đẹp, nên thơ để nhân vật của mình diễn. Có lẽ như thế mới là Cường! Cường sẽ để nhân vật của mình có thể thả những ngón tay múa chơi với ánh sáng một đôi lần, rồi căn nhà lại chìm trong không gian mờ tối. Không còn đi được, phải nằm liệt, Vân nhìn các con chơi qua chiếc gương.

Để diễn tả sự kết thúc, trong chiếc gương có hình ảnh nấm mộ của Vân, xung quanh có nhiều cây xếp vòng tròn…  Ca khúc “Go home” vang lên, như đưa Vân về một miền đất không còn sự đau đớn, không còn từng mong mỏi “được chết” cho bớt đau…

Quyền được hiến tạng và trợ tử

Anh đã từng chia sẻ: Người đầu tiên tôi chứng kiến nỗi đau người thân mất, đó là bà ngoại, sau đó là bố tôi. Tôi cảm nhận được sự hụt hẫng, mất mát, chỉ hiện diện rất rõ nét kể từ khi tôi đọc cuốn sách này và hành trình 5 năm làm MM, khi chính một số người tham gia là bệnh nhân và có người đã ra đi trong hành trình đó.

Còn về hiến tạng, tôi đã đăng ký hiến tạng cách đây khá lâu bên Đức. Ở Đức, lúc nào tôi cũng mang theo thẻ hiến tạng trong ví, nếu tôi có làm sao, các bác sĩ có thể lập tức tiến hành việc phẫu thuật để lấy bộ phận hiến tạng ra mà không cần phải xin phép. Tôi tin đó là điều nên làm.

Đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ.
Đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ.

Sau khi bộ phim chiếu rạp một thời gian, chúng tôi sẽ kêu gọi về việc đăng ký hiến tạng. Khán giả xem phim, thấy một bệnh nhân ung thư như Vân còn làm như vậy, tại sao chúng ta lại không? Tôi được biết trong sáu tháng đầu năm vừa rồi, Trung tâm Hiến tạng quốc gia chỉ nhận được một con số ít người đăng ký hiến tạng mới. Chúng tôi rất muốn kêu gọi mọi người biết tới ý nghĩa của việc hiến tạng này như thế nào.

Về quyền được trợ tử, tôi rất đồng ý và mong quyền này sớm được luật hóa, có quy định rõ ràng, hợp lý. Ngay bản thân tôi, nếu trong trường hợp nào đó, tôi cũng mong mình được quyền chọn trợ tử, ra đi một cách êm ái, nhẹ nhàng, ít đau đớn.

Bộ phim đầu tay của anh như một sự thách thức khó khăn tới, không chỉ vì tiền, nhưng thực may, bộ phim được coi như một dự án cộng đồng và mọi người đã cùng chung tay đóng góp tích cực với mục đích đưa những thông điệp tích cực của bộ phim tới người bệnh, người thân, bác sĩ, như một sự động viên tinh thần.

Trước sự e ngại về bộ phim liệu có là một “món quà” hơi nặng ký với tâm lý người bệnh hay không, đạo diễn đã chia sẻ rất chân thành: “Tôi đã xác định tinh thần phải đưa MM về với chính những bệnh nhân, giúp họ thêm một tinh thần sống. Tôi đã nhận được rất nhiều sự chia sẻ từ các bệnh nhân khi MM còn là những vở kịch được chiếu ở bệnh viện ung bướu Đà Nẵng. Điều tôi mong ước chính những khán giả đi xem sẽ nối tiếp cánh tay góp sức đưa bộ phim tới các bệnh viện”.

"Một điều thật mong muốn từ tôi, đó là phim sẽ thật sự đi vào chiều sâu cuộc sống'.

Tuy nhiên, một điều thật mong muốn từ tôi, đó là phim sẽ thật sự đi vào chiều sâu cuộc sống, cả hỉ - nộ - ái - ố, tâm trạng của người bệnh, lẫn người thân và cả bác sĩ. Nếu trong đời thật, có một Vân - người bị bệnh ung thư - muốn có morphine để giảm đau, từng muốn có một con dao để tự tử, muốn được quyền chết vì không còn chịu đau đớn nữa, muốn hiến tạng trong muôn ngàn điều tiếng cô ấy bán nội tạng, thì trên phim, tuy rằng không phải tái diễn đời thực nhưng nghệ thuật vẫn luôn là những tiếng nói của những đời sống điển hình thì có lẽ, bộ phim sẽ ngày càng sâu sắc, thấm thía và trọn vẹn yêu thương hơn!

Đặng Hoàng Giang (tác giả cuốn sách Điểm đến của cuộc đời): “2018, khi Marcus nói sẽ làm phim thì tôi hưởng ứng nhưng nghĩ đây là sự điên rồ. Hai năm sau, Marus nói vẫn làm phim thì tôi nghĩ anh đã mất trí hoàn toàn. Ba năm sau, Macus nói vẫn đang làm, thì tôi nghĩ anh ấy sẽ thân tàn ma dại…

Nhưng cuối cùng khi phim hoàn thành và ra rạp, tôi thấy hóa ra không, Marcus vẫn nhiều năng lượng và hết sức tỉnh táo. Có lẽ anh ấy điên theo cách riêng và có phương pháp của mình. Tôi rất xúc động vì câu chuyện được kể lại với những sự sáng tạo mới”.

*****

Bộ phim Memento Mori: Đất đã ra mắt và trình chiếu tại Busan từ ngày 5 đến 14/10. Ban tổ chức đã công bố 10 bộ phim được chọn mục tranh giải quan trọng nhất New Currents (Dòng chảy mới), đây là một trong những hạng mục quan trọng nhất của phim.

Trước Memento Mori: Đất, Việt Nam đã có một số bộ phim từng tham gia các đề cử tại Liên hoan phim quốc tế Busan, đó là “Người truyền giống” (Đạo diễn Bùi Kim Quy, 2014), “Ròm” (2019, Đạo diễn Trần Thanh Huy), “Miền ký ức” (Bùi Kim Quy, 2021) và 2022 là “Memento Mori: Đất” của Marcus Mạnh Cường Vũ.

Codet Hanoi

Tom Hanks và những tác phẩm điện ảnh làm nên huyền thoại

Tom Hanks và những tác phẩm điện ảnh làm nên huyền thoại

Tom Hanks là một trong những diễn viên, đạo diễn, nhà sản xuất phim nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng bậc nhất xứ cờ Hoa và trên khắp thế giới.