Nếu như trước đây, điện ảnh với những mong muốn sơ khai là góp một tiếng nói chia sẻ và thông cảm với người phụ nữ trong xã hội cũ phải chịu nhiều áp bức, với những tác phẩm khắc sâu bi kịch để phản ánh thực tế, đóng góp một tiếng nói lên án những bất công, khổ cực của phụ nữ.
Ngày nay, qua hàng trăm năm đấu tranh vì nữ quyền, khi người phụ nữ đã có những sự bình đẳng nhất định, thì những đề tài bi kịch hay nỗi khổ của phụ nữ vẫn được khai thác ồ ạt chưa có dấu hiệu ngừng lại. Thậm chí, trong cả năm 2022, hầu hết các phim về phụ nữ là thấy khổ đau, nước mắt, bị bắt nạt…
Cảnh trong phim "Tro tàn". |
Thực tế, những bi kịch của người phụ nữ luôn là đề tài ăn khách với khán giả Việt vốn giàu cảm xúc, luôn dễ mủi lòng với những số phận đau khổ, những hoàn cảnh nghiệt ngã. Tuy nhiên, sự khai thác quá đà nhưng thiếu đầu tư chất lượng nội dung, sự lạm dụng yếu tố “mua nước mắt”, với những câu chuyện bị khai thác quá đà. Một số bộ phim đang cố tình biến những người phụ nữ trong câu chuyện trở nên ngốc nghếch, phụ thuộc hoặc mong chờ đàn ông cứu rỗi, cuộc đời họ toàn những bi kịch, không có đường thoát ra và cũng không có ý muốn thoát ra.
Sự thiếu hợp lý dẫn tới những sự phản cảm, với những cái nhìn sai lệch về hình ảnh người phụ nữ, thậm chí là “độc hại” với nhiều người.
Trước đây, chúng ta đã có nhiều tác phẩm nổi bật với hình tượng người phụ nữ làm trung tâm như: Chuyện của Pao, Cánh đồng bất tận, Người vợ ba… Và ngay trong năm 2022 cũng có những tác phẩm nổi bật về thân phận người phụ nữ như: Bẫy ngọt ngào, Đêm tối rực rỡ, Tro tàn rực rỡ, Hạnh phúc máu, 1990…
Bộ phim đứng top 2 doanh thu phim Việt năm nay “Bẫy ngọt ngào” kể câu chuyện về nàng Camy (vai diễn của ca sĩ Bảo Anh). Nhân vật Camy là một người phụ nữ cảm tính và vô cùng bất ổn, thiếu logic. Khi nàng hoàn toàn sống phụ thuộc vào người chồng đại gia, không có khả năng tự chủ, cam chịu mọi sự dày vò cả về thể xác lẫn tinh thần. Trên người cô chồng chéo các vết thương mới lên vết thương cũ vì bị chồng đánh đập. Cô chấp nhận bị bạo hành cả về thể chất lẫn tinh thần.
Đứng trước nỗi đau của Camy, mẹ ruột của cô vẫn thản nhiên nói với cô rằng “thôi con ráng chịu đựng đi con” vì khoản nợ kếch xù mà nhà không ai có khả năng thanh toán ngoài con rể. Đó hoàn toàn là những số phận luẩn quẩn, phụ thuộc, nhu nhược, hoàn toàn thiếu đi tự trọng và cố gắng vươn lên.
Hay như phim “1990”, một bộ phim được coi như “Nữ quyền thời hiện đại” của đạo diễn Nhất Trung. Ba cô gái ở lứa tuổi 9x trong xã hội hiện đại nhưng lại mang đầy những mâu thuẫn. Đó là Nhã Ca, một cô gái yếu đuối và dựa dẫm, bị chồng phản bội. hai người bạn của cô là Linh Lan (Ninh Dương Lan Ngọc) và Jessica Diễm (Diễm My 9x thủ vai) thì trở nên sợ kết hôn, căm ghét đàn ông một cách thái quá. Đó là những cô gái cứ mãi luẩn quẩn trong chính những “bi kịch” mà chính mình tự tưởng tượng ra, họ không tự chủ và không có tư duy độc lập tự xây dựng cuộc sống cho mình, mà chỉ chờ đợi những “hạnh phúc từ trên trời rơi xuống” khiến khán giả ngán ngẩm và mệt mỏi.
Nhân vật đáng chú ý trong phim là Jessica Diễm. Cô vẫn mong muốn và khao khát có một tình yêu đích thực, nhưng lại không ngừng nghi ngờ và tỏ ra căm ghét đàn ông. Cô lập ra một talkshow chuyên nói xấu đàn ông, để tuyên truyền lối sống không cần đàn ông. Cô cố gắng trở thành một hình mẫu phụ nữ độc thân. Thậm chí khi đi hẹn hò, cô chọn nhà hàng sang trọng và tuyên bố cô có thể tự trả tiền cho bữa ăn mà không cần đàn ông phải trả tiền.
Thoạt nghe qua ta sẽ thấy những gì cô thể hiện là độc lập, là mạnh mẽ, một hình mẫu mà phụ nữ hiện đại tự chủ. Nhưng thực ra nó là một sự “khiên cưỡng” và lệ thuộc đến đáng thương. Và dù tác giả bộ phim có cố gắng thể hiện những “giải phóng” cho phụ nữ, thì người xem vẫn cảm thấy chẳng có chút nào chạm vào cảm xúc của họ cả.
Trong năm 2022 này, “Tro tàn rực rỡ” được coi như “nốt son” cứu cánh của điện ảnh Việt. Với phần kịch bản giàu cảm xúc của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư và cách kể chuyện sáng tạo của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. Đó là liên tiếp những nghiệt ngã mà số phận dành cho những mảnh đời ở miền Tây sông nước. Những người phụ nữ cảm tưởng như tê liệt cảm xúc, họ bị khoác lên mình đủ thứ trách nhiệm, tình thương, tình người, và cứ mãi gồng gắng để gánh cả số phận mình lẫn người khác.
Trong khi những người đàn ông hoàn toàn mờ nhạt và yếu hèn. Những bi kịch quá đẹp, quá rực rỡ, quá đẹp đến mức cảm tưởng như trở thành hợp lý, không còn muốn thoát ra. Mà khi xem, cảm tưởng vừa xót xa, vừa thương vừa giận những con người mong manh nhỏ bé đó.
Hay như một vài năm trước, bộ phim “Hạnh phúc của mẹ” kể câu chuyện về Tuệ, một người phụ nữ ở một làng chài nhỏ. Chồng đi biển gặp nạn không về. Bỏ lại cho cô cậu con trai tự kỷ.
Và tiền học phí chương trình giáo dục đặc biệt cho trẻ tự kỷ vô cùng đắt đỏ. Điều đó khiến cô làm nhiều công việc cùng một lúc, từ sáng tới đêm chỉ để dành đủ tiền cho con được đi học, và theo đuổi giấc mơ trở thành vũ công, được lên truyền hình. Đến mức cô mắc bệnh nan y vì lao lực từ lúc nào không biết.
Tuệ là đại diện cho hình ảnh người phụ nữ hy sinh quên mình, bỏ hết cuộc đời mình để sống cuộc đời người khác. Nhưng rồi, khi cô không còn đủ khả năng giữ mạng sống, lìa bỏ thế gian, thì con trai cô cũng không còn ai nương dựa, cô cũng không thể chăm lo gì thêm cho con. Một giấc mơ vụt tắt.
Điện ảnh, trong quá khứ, đã góp nhiều những tiếng nói chia sẻ và thấu hiểu với những câu chuyện và nhiều góc khuất của phụ nữ. Nhưng nếu sự chia sẻ không xuất phát từ trái tim yêu thương và tôn trọng, mà chỉ mang tâm thế thương mại thì sẽ chỉ là những sản phẩm chắp vá và khiên cưỡng.
Những tác phẩm như vậy phần nào mang đến cái nhìn thiếu khách quan về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, ngay cả trong nước và quốc tế. Mong rằng, trong những năm tới, điện ảnh Việt sẽ có những tác phẩm được đầu tư chỉn chu và nhiều màu sắc, với cái nhìn cập nhật hơn về hình tượng người phụ nữ.
Những nàng công chúa truyền cảm hứng trong thế giới hoạt hình
Cùng điểm qua những nàng công chúa dũng cảm của thế giới hoạt hình - những nhân vật đã truyền cảm hứng cho hàng triệu khán giả toàn cầu nhé!