Đi tìm K - Tình yêu đè sông, nổi bão của nhà thơ Trần Dần

Bài thơ "Tình yêu" nổi tiếng của nhà thơ Trần Dần khiến nhiều người tò mò về người con gái mà ông gửi gắm những vần thơ như đốt cháy tâm can.

Nhà thơ Trần Dần có bài thơ “Tình yêu” nổi tiếng, khiến nhiều người tò mò, đặt nhiều dấu hỏi về hình ảnh người con gái mà ông gửi gắm những vần thơ gan ruột như đốt cháy tâm can.

Xin mạn phép diễn giải những lời thơ như: “Em ạ/ tình yêu không phẳng lặng bao giờ/ nó đè sông/ đè mưa/ nổi bão/ Tình yêu không phải chuyện đưa cho nhau ngày một bó hoa/ Nó là chuyện những đêm ròng/ không ngủ/... Tình yêu không phải là kề vai mơ/sầu mộng dưới trăng mòn/ mà phải sống/ phải cởi trần mưa nắng/ phải mồ hôi/ chảy đẫm/ tận buồng gan/ Tình yêu không phải chuyện ngàn năm kề sát má/ mà bỗng dưng/ một quả tim chung/ phải bổ nó/ làm đôi/ mỗi người một nửa…” (Tình yêu)

Tôi nghiền ngẫm từng từ trong bài thơ ông viết cho vợ mình - bà Bùi Thị Ngọc Khuê. Tới câu: “Em ơi, em lại khóc, em à?” thì thực sự như một cái gì đó không thể chịu đựng nổi, tôi muốn biết, muốn gặp người đàn bà đang khóc trong thơ kia là ai…

Vợ chồng nhà thơ Trần Dần thời trẻ (Ảnh tư liệu gia đình).
Vợ chồng nhà thơ Trần Dần thời trẻ (Ảnh tư liệu gia đình).

Người con gái ông yêu vốn có dòng dõi trâm anh đất Hà thành, nhưng mồ côi cha mẹ từ năm 6 tuổi. Ông Phán Hậu cha của Trần Dần có điền sản lớn nhất nhì thành Nam với khoảng 30 dãy nhà cho thuê, ông vốn là bạn của cha bà Khuê. Khi ấy, cha của Trần Dần đã muốn nhắm cô gái Khuê làm con dâu nên muốn đưa cô về Nam Định. Song một người bạn khác là ông đốc tờ Chu khuyên nên để Khuê cho vợ ông chăm sóc, nuôi ăn học và dạy nghề. Ông Đốc Chu khi ấy nổi tiếng vì có bằng bác sĩ ở Pháp về, nên bà Đốc Chu mở nhà hộ sinh lớn nhất Hà thành. Gửi cô bé Khuê vào nhà đó, ông Phán Hậu cũng thấy ấm lòng. Hồi nhỏ, Trần Dần và Ngọc Khuê đã từng gặp nhau lúc là những đứa trẻ. Cô Khuê trẻ đẹp, nhiều người theo đuổi. Còn Trần Dần lúc ấy là cậu ấm công tử con nhà giàu có tiếng ở Nam Định.

Tình yêu của ông bà gặp nhiều sóng gió cản trở. Nhiều nhà văn đã viết về mối tình của ông bà như Hoàng Cầm, Dương Tường, Nguyễn Khải...

Bà Ngọc Khuê và các con (Ảnh tư liệu gia đình).
Bà Ngọc Khuê và các con (Ảnh tư liệu gia đình).

Thời khốc liệt ấy, nhà thơ Hoàng Cầm đã viết về tâm trạng của bà Khuê khi mong ngóng chồng: “Người yêu anh bỗng thấy anh không về nhà nữa. Nhưng trận ốm nghén đầu tiên đã quật chị xuống như một con bệnh nặng. Mặt choắt lại, người chỉ còn da với xương. Một mình ở một căn nhà bừa bộn với một con chó gầy còm, không cha mẹ, không anh em, không bạn bè, chỉ có bà hàng xóm bán guốc thỉnh thoảng chạy đi chạy lại nấu cho bát cháo. Tôi đến gặp chị mếu máo, trông già đi hàng chục tuổi. Chị hỏi: “Sao anh Dần không về với tôi nữa hở anh?”. Tôi giải thích: “Anh ấy bận công tác ít lâu thôi. Chị đang ốm, có cần gì, chúng tôi sẽ giúp chị”. Chị òa lên khóc: “Bộ đội có cho tôi lấy anh ấy không?”.

Từ 2/11 đến giữa tháng 2/1956, Trần Dần được “phân công” đi tham quan cải cách ruộng đất đợt 5 tại Bắc Ninh, trong thời gian này, Hoàng Cầm cho đăng bài thơ “Nhất định thắng” trong Giai phẩm Mùa xuân, tạp chí bị tịch thu, nội dung có bài trăn trở của những người di cư vào Nam năm 1954, vì vậy mà Trần Dần bị kết tội chống phá cách mạng. Năm ấy cũng là năm ông rời bỏ quân ngũ, ra khỏi Đảng, để lấy người ông yêu, chẳng có gì có thể ngăn cách tình yêu của hai người.

Đi tìm K - Tình yêu đè sông, nổi bão của nhà thơ Trần Dần

Những năm tháng lấy nhau, khó khăn gian lao thế nào, phía sau Trần Dần luôn là người đàn bà ấy. Bà tên Khuê, Ngọc Khuê, ngôi sao sáng trên bầu trời, vì vậy, ông đã ví bà là ngôi sao hay khóc, còn ông, là ngôi sao rock-ket luôn ở bên để bảo vệ bà.

Gia đình cũng biến động, từ ngôi nhà biệt thự ở Trần Phú, xuống căn nhà phố Sinh Từ, căn nhà này nổi tiếng trong bài thơ “Nhất định thắng” với những vần thơ: “Tôi ở phố Sinh Từ, hai người, một gian nhà chật. Rất yêu nhau, sao cuộc sống không vui?”. Hình tượng người con gái “gặp em trong mưa, em đi tìm việc, mỗi ngày đi lại cúi đầu: Anh ạ, họ bảo vẫn chờ…”. Đó chính là hình ảnh bà Khuê trong những ngày sống ở Sinh Từ, không có công ăn việc làm, “ba tháng rồi, em đợi, sống bằng tương lai. Ngày và đêm như lũ trẻ mồ côi, em đi trong mưa, cúi đầu nghiêng vai”. Ông đã trầm ngâm, đã viết về bà, về chính gia đình mình trong không gian ẩm mốc đủ thứ mùi ở phố Sinh Từ, ở nơi “không thấy phố không thấy nhà”… Nhưng tôi nghĩ, vẫn thật may mắn, còn có bà Khuê, có những người con ngoan ngoãn sáng dạ của ông bà.

Ông Lâm (cafe Lâm), nhà thơ Trần Dần, họa sĩ Trần Trọng Vũ, nhà thơ Hoàng Cầm.
Ông Lâm (cafe Lâm), nhà thơ Trần Dần, họa sĩ Trần Trọng Vũ, nhà thơ Hoàng Cầm.

Khi gia đình chuyển xuống ở căn hộ số 7 phố Vũ Hữu Lợi, một góc phố rất đặc trưng của Hà Nội xưa, nơi có những cây bàng trơ trụi trên vỉa hè, nơi gia đình gồm 5 người gồm ông bà và ba người con sống chung với nhau trong căn hộ 30 mét vuông chật chội và ẩm thấp.

Bà Khuê đảm đang, tháo vát nuôi ba con thơ không bị thiếu ăn, đói mặc, để chồng “không như mấy bạn văn bị treo bút khác, phải đi kéo xe bò than quả bàng, đi làm thợ mộc hay đi đóng gạch xỉ than kiếm ăn”. Có lẽ đối với bà Khuê, khổ mấy bà cũng chịu được, cũng thay anh gánh chịu tất cả, nhưng người viết như chồng mà phải nhịn viết, thì nỗi khổ ấy bà đành bất lực.

Ngôi nhà trên phố Vũ Hữu Lợi (Ảnh tư liệu gia đình).
Ngôi nhà trên phố Vũ Hữu Lợi (Ảnh tư liệu gia đình).

Trong ký ức của những người cùng thời, nhà thơ Trần Dần lúc ấy khá quen thuộc với chỗ ngồi bên bàn, ông viết và cất đi, những vần thơ “sổ bụi”. Không gian đó bà dành riêng cho ông, để ông có thể làm thơ, viết văn, dịch thuật. Nhiều tác phẩm đã ra đời từ nơi này, kể cả những chuyến viễn du trong tâm trí diễn ra, nơi ông “có vệ tinh/ rồi có nhà ga xanh/ nhà ga tím/ trong một vũ trụ/ chẳng hiền lành” (Cột đèn câm).

Nhà thơ Dương Tường, viết trong tập “Mùa sạch”, khi Trần Dần “khao khát sạch” cả cấp vi mô lẫn vĩ mô, cả ở cái cụ thể lẫn cái trừu tượng, thì bà Khuê - lúc đó gần giáp Tết, khi đó trở dạ người con thứ hai, vét cả nhà còn chưa đầy chục bạc, bạn bè góp lại được 30 đồng, đưa chị vào nhà hộ sinh. Trong những điều kiện như vậy, nhà cửa vợ con nheo nhếch, sự nghiệp dang dở, hàng chồng bản thảo nằm chất chồng, không biết bao giờ mới được ra đời”.

Cuộc sống như vậy trôi qua, cho đến khi nhà thơ ốm nặng do bệnh tai biến mạch máu não, thì bà Khuê xin thôi dạy học. Bà về nhà thuốc thang cho chồng suốt ngày đêm, và mở một quầy hàng nho nhỏ trên vỉa hè trước cửa, để bán sách và bán cả giày dép mưu sinh mà không một lời than thân trách phận hay phàn nàn. Trần Dần đã từng mong ông là người chết sau vợ, để có thể lo cho bà được chu đáo, để đền đáp ân tình, nhưng phù vân, bà lại là người vợ tiễn đưa chồng trước.

"Vì sao Khuê" của nhà thơ Trần Dần giờ đây đã 92 tuổi (Ảnh: TTV).

Giờ đây, 92 tuổi, bà có khuôn mặt phúc hậu, luôn tay chăm lo cho mọi người dù rằng sức khỏe cũng không còn tốt. Tôi lặng ngắm bà, người đàn bà mà Trần Dần đưa vào văn và thơ rất nhiều, như Cốm trong tiểu thuyết “Những ngã tư và những cột đèn”, Sứa trong “Đêm núm sen”, những cô gái rất đẹp trong thế giới văn chương, thi ca của ông.

Còn giờ, bà Khuê khi thì tha thẩn ra sân tưới nước cho chậu hoa cúc, hình như bà đã tưới đến lần thứ mấy trong ngày. Lúc thơ thẩn lau dọn ban thờ, ở nơi có di ảnh người chồng, vì sao mạnh mẽ của đời bà. Lúc ấy, khuôn mặt bà thật bình thản, như ông vẫn còn đang ở đâu đây chờ bà, và thì thầm trò chuyện với người con gái đi trong mưa trên phố Sinh Từ...

(Ảnh: Gia đình cung cấp và NAG Nguyễn Đình Toán)

Codet Hanoi

Sự nhầm lẫn 10 năm của bức tranh 9 tỷ đồng

Sự nhầm lẫn 10 năm của bức tranh 9 tỷ đồng

Nhà nghiên cứu Kevin Vương chia sẻ về thị trường tranh Đông Dương: Ai mới là tác giả của bức tranh “Cô gái chải đầu” được nhà Aguttes đấu giá vào 14/3/2022?