Tù túng và cô đọng, triệt tiêu mọi sự đòi hỏi, triệt tiêu bản năng sống, nổi loạn sẽ bị tiêu diệt, đó là Lâm trong hành trình thoát khỏi nhà máy để trở về một thế giới tàn khốc không kém đang đợi gã.
Với 254 trang, chia làm 9 chương, “Nhà máy sản xuất linh hồn” (tác giả Nguyễn Nguyên Phước, NXB Trẻ 2021) kể về hành trình của một gã tên Lâm, thất nghiệp, và đang đi xin việc tại một nhà máy ở khá xa. Hành trình tới nhà máy với những câu chuyện kỳ lạ, ranh giới giữa hiện thực và phi lý đã diễn ra với Lâm, nhân vật chính của truyện.
Thế giới của những đồ vật, không gian, màu sắc, con người hiện ra trong cuốn tiểu thuyết này đầy ẩn ý. Đó là những con đường nhỏ để tới nhà máy với người dẫn đường kỳ dị, với vô số khúc quanh, vô số ngõ cụt, không ai có thể đi một mình mà không bị lạc, sẽ bị chết mất xác mà không ai thấy. Đó là một nhà máy – một đại vật thể hiện hữu trông tựa như xác một con gián khổng lồ nằm ép mình trên mặt đất, mắc kẹt giữa hai quả đồi, lớp tôn xám xịt cũ nát bao quanh nhưng lại vô hình vì không ai biết ở nơi này sản xuất gì, ông chủ hay bộ máy điều hành nhà máy là ai, chỉ vỏn vẹn tấm biển cũ nát: “Nhà máy sản xuất linh hồn”…
Tiểu thuyết "Nhà máy sản xuất linh hồn" của Nguyễn Nguyên Phước. |
Đó là những dãy nhà trọ tồi tàn nóng nực, thấp lè tè giống chuồng chó với cửa ra vào nhỏ xíu. Đó là những bóng người mang khuôn mặt lặng lẽ, vật vờ từ đâu túa ra ăn những bữa cơm câm lặng trong ánh đèn vàng vọt, không ai nói với ai một lời nào. Đó là giấc mơ xám ngoét của Lâm giống như màu của những tấm tôn rào chắn nhà máy cũ nát và hoen gỉ. Đó là những tiếng kèn biết điều khiển con người, chúng có thể gay gắt, chói tai hay êm ái tùy theo cách đánh giá của nhà máy. Đó là hành động của nhà máy khi kiểm tra hạ bộ người công nhân như một tiêu chí để phân công công việc. Công việc duy nhất làm trong nhà máy này là hàng ngày tất cả các công nhân chỉ việc ngồi im, bó gối. Tiếng loa vang lên hai chữ “Im lặng…” kéo dài như một tiếng kinh rền rĩ nhưng có sức mạnh ghê gớm. Những con người “nhợt nhạt, lơ đãng”, thờ ơ, người mới dường như không có sức sống, họ ngồi dựa vào người cũ, còn người cũ thì ngồi im như phỗng, họ có thể ngồi ngủ gật, chỉ còn tiếng vo ve ù ù mơ hồ…
Lâm như một kẻ lạc loài, gã chính là một kẻ còn nhiều “nhân tính” nhất nhờ những thắc mắc, hoài nghi, chất vấn, thậm chí điều tra, tìm hiểu: Tại sao lại là nhà máy sản xuất linh hồn, sản xuất như nào, máy móc ra sao, linh hồn gì, ở đâu, có phải họ xà xẻo linh hồn mình đem đi bán không? Mình sẽ làm gì, ra sao ở nhà máy?
Tác giả đã xây dựng một nhân vật không chịu chấp nhận công việc phi lý ở trong nhà máy, căm ghét nhà máy như căm ghét chính mình. Gã là người duy nhất sống trong một thế giới không có sự thật vẫn còn vật vã với những câu hỏi thức tỉnh mình, phẫn nộ đến đau đớn.
Những cuộc tình diễn ra trên nắp mộ bãi tha ma của Lâm với Phương, Thúy, Ngọc như một sự giễu nhại xót xa. Cuối cùng, Lâm trở thành một kẻ có tư tưởng nghịch đạo, trái khoáy và dị dạng. Bởi những người tình của Lâm đã bị tẩy não. Tại sao lại phải rời bỏ nhà máy khi ở đây cơm no, sống hạnh phúc không cần suy nghĩ, được nhà máy nuôi tới già, tới chết, không phải lao động gì, chỉ việc ngồi im. Họ không tin có một thế giới nào tử tế hơn, tốt hơn thế giới trong nhà máy. Họ chấp nhận trở thành “sống mòn từng phút giây tàn tạ, đến từng cảm giác mong manh như ngọn đèn leo lét trong gió, thà như thế, còn hơn là chết. Chỉ có sự tồn tại là đáng kể, còn mọi thứ đều là ảo ảnh”.
Một số tác phẩm của Nguyễn Nguyên Phước. |
Nhân vật của Phước thấy cô đơn, và gã đã chấp nhận bị sự mơ hồ, mờ nhạt tha hóa tâm hồn, chấp nhận số phận, không phàn nàn, oán trách. Đời gã sẽ tưởng như kết thúc cuộc đời chết già ở đây với công việc ngồi bó gối, tối tối vẫn đến hành lạc với Phương ở bãi tha ma như hai xác chết đội mồ sống dậy. Những người tình bị tẩy não của Lâm giờ đây đã trở thành những bà già đờ đẫn và họ nhìn Lâm cũng giống như một kẻ nhão nhoét bệ rạc.
Tưởng như chết mòn hẳn, thì bỗng một ngày, tiềm thức quay lại với Lâm, gã khoác ba lô lặng lẽ rời khỏi khu nhà trọ, tìm đường trở lại thế giới nơi Lâm xuất phát, nào ngờ, Lâm đã bị nhận một gậy vào đầu khiến gã gục xuống. Thế giới mà Lâm muốn trở về đã trói chặt cả chân lẫn tay trong tư thế quỳ hai đầu gối, loài người ở đó đã coi gã như một tên tội phạm. Số phận Lâm – một kẻ nổi loạn đã giống người đàn ông tên Dân cách đây một trăm năm, chết bởi những cú mổ xé toạc nội tạng của một loài chim ác điểu, kết thúc số phận của một kẻ nổi loạn dám đi khỏi thế giới đã mặc định sẵn cho gã!
Người đọc dường như gặp lại các “ông lớn” của văn học phi lý trong văn chương lần này của Nguyễn Nguyên Phước, một tách café rất đậm, “thức tỉnh” độc giả trong thời Covid, khi người ta lần lượt chứng kiến những sự tưởng như phi lý nhưng chúng lại đang hiện hữu rất nhiều.
Gây sốc trên văn đàn với truyện ngắn “Tâm trạng khi điên” từ năm 2007, Nguyễn Nguyên Phước thi thoảng lại “ném” ra vài tác phẩm cho thiên hạ đọc, còn tác giả như một “kẻ” ẩn sau những trang viết, và hình như rất ít khi trả lời phỏng vấn trên văn đàn. Có lẽ, tìm đọc các tác phẩm của Phước viết và dịch, đều là những việc thú vị!
“Nguyễn Nguyên phước là nhà văn Việt Nam thách thức đọc nhất hiện nay. Thách thức ở văn của anh. Chính vì vậy anh là nhà văn đáng đọc nhất hiện nay. Một nhà văn lẻ loi độc hành trên độc đạo văn chương của mình”
-Phạm Xuân Nguyên-
"Buồng tắm" - suy tưởng của một người không còn thiết tha sống vội
Trung tuần tháng Sáu năm 2021, Nhã Nam trân trọng giới thiệu đến bạn đọc cuốn tiểu thuyết Buồng tắm của Jean-Philippe Toussaint.