Mối tình xuyên Đại Tây Dương của nữ văn sĩ Pháp

Trong thời gian lưu lại ở Chicago (Mỹ), bà Simone de Beauvoir đã gặp nhà văn Nelson Algren, để rồi khi rời đi, bà biết trái tim mình đã ở lại.

Mọi chuyện bắt đầu vào tháng Giêng 1947, khi Simone de Beauvoir (1908 - 1986), nữ văn sĩ Pháp nổi tiếng, vợ nhà triết học lớn Jean-Paul Sartre, đến Mỹ theo lời mời của một số trường đại học. Trong thời gian lưu lại ở Chicago, theo lời khuyên của một cô bạn người New York, bà đã có cuộc gặp nhà văn Nelson Algren (1909 - 1981). Ông đã dẫn bà đi thăm khắp thành phố, chỉ cho bà thấy khu “dưới đáy” của Chicago, đến thăm khu phố Ba Lan, nơi ông lớn lên. Chiều ngày hôm sau bà rời đi Los Angeles, nhưng trái tim đã để lại Chicago.

Nữ văn sĩ Pháp, bà Simone de Beauvoir (Ảnh: internet).
Nữ văn sĩ Pháp, bà Simone de Beauvoir (Ảnh: internet).

Họ yêu nhau nồng nàn, say đắm, nhưng không được sống bên nhau, bởi rời Chicago cuộc đời Algren mất hết ý nghĩa, cũng như Simone không thể từ bỏ Paris. Suốt mười bảy năm (1947 -1964), ngoài những lần gặp gỡ hiếm hoi, mối tình xuyên Đại Tây Dương của họ chở nặng trên những cánh thư. Cuộc tình chấm dứt khi cuốn hồi ký “Sức mạnh đồ vật” của Simone de Beauvoir ra đời (1963). “Em hy vọng anh sẽ hài lòng với những trang viết về anh, em đã đặt vào đấy tất cả trái tim mình” - bà viết cho Algren. Nhưng phản ứng của nhà văn Mỹ thật bất ngờ, gay gắt. Ông đã xỉ vả thậm tệ cuốn sách trên báo chí và cho đến tận lúc chết cũng không có ý định nối lại mối quan hệ bị gián đoạn với nữ văn sĩ Pháp. Ông mất trong cảnh cô độc tại nhà riêng của mình ở Chicago, không có ai bên cạnh lo việc tang ma.

Sau khi Algren mất, Simone sửng sốt khi được biết rằng mặc dù nguyền rủa bà công khai như vậy, nhưng ông vẫn cất giữ các bức thư của bà. Chúng đã được đem bán đấu giá và một trường đại học ở bang Ohio đã được quyền sở hữu. Ít lâu sau họ xin phép bà cho công bố các bức thư đó. Vị tất khi được viết ra chúng đã nhằm để công bố, bởi chúng mang đầy những lời bộc bạch rất riêng tư.

Nhưng đối với Simone de Beauvoir sự tự khám phá bản thân, thậm chí có gây sốc chăng nữa, vẫn là một trong những phương châm có tính nguyên tắc: nhà văn khi kể về mình cũng là giúp cho sự tự nhận thức của nhân loại, nhà văn không thể có điều gì bí mật che giấu người đương thời và hậu thế. Bà cho phép công bố với điều kiện là tự bà chuẩn bị các bức thư đem in và dịch chúng sang tiếng Pháp.

Nhà văn Nelson Algren (Ảnh: internet).
Nhà văn Nelson Algren (Ảnh: internet).

Năm 1986 Simone de Beauvoir mất, chưa kịp hoàn thành công việc này. Con gái bà là Sylvie Le Bone de Beauvoir đã làm tiếp phần việc dở dang của mẹ và cho ra mắt cuốn sách “Lettres à Nelson Algren. Un amour transatlantique” (“Thư gửi Nelson Algren. Mối tình xuyên Đại Tây Dương”) tại Pháp năm 1997. Trong mười bảy năm, Simone de Beauvoir đã gửi cho Nelson Algren tất cả 304 bức thư. Dưới đây tôi trích dịch một số.

 ***

Thứ bảy, buổi chiều [23/2/1947]

trên tàu hỏa, dọc đường đến California

Nelson Algren quý mến!

Tôi thử viết bằng tiếng Anh. Xin hãy thứ lỗi về mặt văn phạm. Nếu có từ nào đó bị dùng sai thì xin anh hãy cố gắng đọc hiểu. Thêm nữa chữ của tôi xấu khủng khiếp vì tàu lắc rất mạnh.

Hôm qua, sau khi chia tay anh, tôi trở về khách sạn viết nốt bài báo - tôi sợ là nó chẳng ra gì, nhưng thôi kệ - và ăn tối với những người đồng hương của tôi mà óc thầm nguyền rủa họ. Họ quả thật đáng ghét, hơn nữa chỉ vì họ mà tôi không thể ăn tối được với anh. Sau đó tôi gọi điện cho anh và họ tiễn tôi ra tàu. Tôi nằm trên giường, mở tập truyện của anh ra đọc cho đến lúc thiếp đi. Hôm nay tôi tiếp tục đọc, đồng thời nhìn phong cảnh qua cửa sổ tàu: ngày yên tĩnh hiếm có, và trước khi đi ngủ tôi muốn nói là tôi rất thích tập truyện của anh và cả anh nữa. Có lẽ anh cũng cảm thấy điều đó, dù thời gian thật ít ỏi và chúng ta thậm chí không kịp nói chuyện nghiêm túc với nhau. Tôi sẽ không nhắc lại lời cám ơn anh nữa, nhưng ở bên anh tôi thấy thật dễ chịu, và tôi muốn để anh biết điều đó. Thật buồn khi phải nói với anh câu chào “tạm biệt”, mà cũng có thể là “vĩnh biệt”. Tôi muốn lại được đến Chicago vào tháng tư để kể cho anh về tôi và nghe anh kể cho tôi về anh. Chẳng biết tôi có tranh thủ được thời gian không? Ngoài ra, tôi hơi phân vân: nếu như hôm qua phải khó khăn lắm chúng ta mới chia tay nhau được, thì liệu sau khi chúng ta có mấy ngày bên nhau và gần như chắc chắn là thành bạn của nhau sẽ còn khó khăn đến đâu? Tôi không biết.

Nói chung lại, tạm biệt hay là vĩnh biệt, nhưng tôi sẽ không quên hai ngày qua ở Chicago, nói cách khác, tôi sẽ không quên anh.

S.de Beauvoir

Nữ văn sĩ và nhà văn Nelson Algren (Ảnh: internet).
Nữ văn sĩ và nhà văn Nelson Algren (Ảnh: internet).

[24/2/1947]

đại học Pennsylvania, cao đẳng Philadelphia

Nelson quý mến!

Tôi lại ở New York sau một chuyến đi giảng dài ngày khắp các trường cao đẳng và đại học trong vùng. Tôi sẽ ở lại đây khoảng hai tuần. Tôi đã có vé trở về Paris vào ngày 10 tháng Năm, nhưng thật là tiếc nếu bay đi mà chưa được gặp lại anh. Đến Chicago thì rất phức tạp cho tôi: tôi còn một đống bài phải viết, còn mấy bài nói chuyện và hai bài giảng ở ngay tại New York này. Có thể, anh đến đây sau ngày hai bảy được không? Như thế chúng ta sẽ được gặp nhau thường xuyên và trò chuyện được nhiều. Nếu anh đồng ý, tôi sẵn sàng gọi điện vào bất cứ lúc nào để thỏa thuận ngày giờ anh đến. Nếu không, tôi sẽ cố tìm cách đến chỗ anh khoảng hai ngày. Xin anh hãy trả lời cho tôi biết. Nếu có thể được, anh nhớ mang theo một bản cuốn tiểu thuyết của anh (cuốn “Buổi sáng không đến” (1942), có lời đề tựa của nhà văn Richard Rite). Hôm qua tôi nhìn thấy nó tại một nhà với cái hình chụp anh rất tồi, trông không giống anh chút nào. Tôi đã định đánh thó nó nhưng mà không được.

Tạm biệt anh. Hy vọng chúng ta sẽ sớm gặp nhau.

S. de Beauvoir

Ngân Xuyên (dịch)

Cuốn sách về “Bông hồng” bất khuất và bất tử

Cuốn sách về “Bông hồng” bất khuất và bất tử

Cuốn "Hoa hồng bất tử" tiểu thuyết hóa cuộc đời Rosa Luxemburg nhân kỉ niệm 150 ngày sinh của nhà hoạt động xã hội chủ nghĩa nổi tiếng này.