Rosa Luxemburg là nhà hoạt động xã hội chủ nghĩa nổi tiếng, nổi bật hơn tất cả với hình ảnh của một nhà cách mạng bảo vệ quan điểm của mình với niềm tin không thể lay chuyển và tiếng nói dõng dạc. Tên tuổi và hình ảnh của Rosa vẫn mang tính biểu tượng trong thời đại ngày nay. Bà được ví như một “Bông hồng bất tử”.
Tư chất xuất sắc và tính cách mạnh mẽ
Rosa Luxemburg sinh ngày 5-3-1871 tại thị trấn Zamosc (Ba Lan, thời đó đang bị Nga chiếm đóng) trong gia đình của một thương gia buôn gỗ. Từ năm 1880 đến 1887, dù chân bị tật nguyền từ khi mới 5 tuổi, cô theo học trường chuyên ở Thủ đô Warsaw (Ba Lan) và đạt điểm số xuất sắc, dù đó là ngôi trường chỉ dành cho con gái của các quan chức Nga. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Rosa theo học khoa học tự nhiên và kinh tế học tại Đại học Zurich (Thụy Sĩ), một trong số hiếm đại học cho phép phụ nữ theo học thời bấy giờ. Rosa học thông thạo bốn ngôn ngữ, đồng thời rèn luyện kỹ năng viết và diễn thuyết rồi bắt đầu tham gia các phong trào xã hội chủ nghĩa. Tháng 8-1893, Rosa Luxemburg xuất hiện lần đầu tiên với tư cách là một đại diện của phong trào lao động quốc tế bằng một bài diễn văn hùng hồn tại Đại hội Công nhân xã hội chủ nghĩa quốc tế lần thứ ba ở Zurich.
Cuốn sách "Hoa hồng bất tử". |
Năm 1897, Rosa nhận bằng tiến sĩ. Cô là người phụ nữ duy nhất khi đó đạt được học vị này. Năm 1898, Rosa sắp xếp một cuộc hôn nhân giả để giúp cô có quốc tịch Đức và có thể hoạt động chính trị ở Đức. Kể từ đó, cô đấu tranh cho nền dân chủ xã hội thông qua các bài phát biểu và ấn phẩm của mình.
Chiến sĩ xả thân vì lý tưởng
Rosa Luxemburg xem hòa bình là yếu tố tất yếu của một xã hội xã hội chủ nghĩa trong tương lai. Xã hội chủ nghĩa là nơi mà mọi nguyên nhân của chiến tranh và sự man rợ bị loại bỏ, và do đó, cho phép mọi người được sống hòa bình. Chính khao khát hòa bình mãnh liệt đã khiến cô nhiệt thành dấn thân vào chủ nghĩa xã hội. Rosa Luxemburg coi cuộc đấu tranh cho công bằng xã hội là một nỗ lực giành lấy sự chấp thuận và ủng hộ của đa số và cô cho rằng điều này có thể đánh bại chủ nghĩa tư bản. Theo cô, tự do và dân chủ không phải là những thứ xa xỉ mà các chính trị gia có thể tùy ý phủ nhận, chúng là những khía cạnh cần thiết của chủ nghĩa xã hội.
Cuộc đời hoạt động xã hội - chính trị của Rosa Luxemburg ngắn ngủi nhưng đầy ắp sự kiện trong bối cảnh thế giới có những biến động lớn. Năm 1900, tại Đại hội Xã hội chủ nghĩa quốc tế, Rosa kêu gọi hành động quốc tế chống lại chủ nghĩa đế quốc, quân phiệt và chủ nghĩa thực dân. Tháng 3-1906, cô bị bắt vì tham gia cách mạng ở Ba Lan nhưng sau đó được tại ngoại. Trở lại Berlin, Rosa nghiên cứu tác động của cuộc Cách mạng Nga (1905 -1907) với tầng lớp lao động Đức, cổ súy bãi công để đấu tranh cách mạng và được biết đến như nhà lãnh đạo của nền dân chủ xã hội Đức. Năm 1907, tại Đại hội lần thứ bảy của Quốc tế II ở Stuttgart, cùng với Lenin và Martov, Rosa Luxemburg đã phát triển một nghị trình chống chiến tranh cho phong trào lao động quốc tế. Tháng 2-1914, Rosa Luxemburg ngồi tù vì tổ chức các buổi diễn thuyết phản chiến, trước khi Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra ngày 1-8-1914. Năm 1915, không dùng tên thật, Rosa đã xuất bản “Cuốn sách nhỏ của Junius” với nội dung chống chiến tranh. Cuối năm đó, cô cùng với Các Lip-nec (Karl Liebknecht) và những người xã hội dân chủ phản chiến khác lập ra nhóm “Quốc tế”. Từ tháng 7-1916 đến tháng 11-1918, Rosa Luxemburg lại bị giam, trong tù, cô viết bài ủng hộ Cách mạng tháng Hai và tháng Mười Nga đồng thời cảnh báo những nguy cơ chuyên quyền độc đoán.
Ngày 9-11-1918, Rosa Luxemburg ra tù và ngay lập tức làm tất cả những gì có thể để ủng hộ Cách mạng tháng Mười một đang diễn ra ở Đức. Cùng với Karl Liebknecht, bà xuất bản báo Cờ đỏ (Die Rote Fahne) và trở thành một trong những thành viên sáng lập của Đảng Cộng sản Đức (KPD). Ngày 15-1-1919, Rosa Luxemburg và Karl Liebknecht bị bọn phản cách mạng ở Berlin sát hại. Cũng chính những thế lực này hơn mười năm sau đó đã đưa A. Hitle lên nắm quyền.
Tên tuổi và hình ảnh vẫn mang tính biểu tượng
Rosa Luxemburg được tưởng nhớ như một liệt sĩ cho cuộc cách mạng. Tên tuổi và hình ảnh của bà vẫn mang tính biểu tượng trong thời đại ngày nay. Người đồng đội và người bạn thân yêu của bà, Clara Zetkin, đã miêu tả Rosa là “thanh kiếm sắc bén, ngọn lửa sống của cách mạng”. V.I. Lenin, ví bà như một “đại bàng” của phong trào Cộng sản. Thậm chí nhà báo và sử gia xã hội chủ nghĩa nổi tiếng Franz Mehring còn đánh giá bà là “bộ não tuyệt vời nhất sau Marx”.
Nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày sinh của Rosa Luxemburg (5-3-1871 - 5-3-2021), Quỹ Rosa Luxemburg - Đông Nam Á đã biên soạn và giới thiệu cuốn sách “Hoa hồng bất tử”. Dựa trên những tư liệu lịch sử nhóm biên soạn đã tiểu thuyết hóa nội dung để kể câu chuyện đời thật của Rosa Luxemburg một cách sinh động.
Ông Philip Degenhardt – trưởng Văn phòng đại diện Quỹ Rosa Luxemburg – Đông Nam Á tại Hà Nội nhận xét về nhân vật trong cuốn sách mà ông đã tham gia cố vấn nội dung: “Tính cách ấm áp và sôi nổi giúp Rosa có thể thuyết phục bất kỳ ai, miễn là họ chịu tranh luận với cô trong một tâm thế cởi mở. Và cho dù họ có cố chấp với định kiến của mình, thì họ cũng không thể nào không suy tư trước các quan điểm của Rosa Luxemburg”. Ông cũng hy vọng “câu chuyện được minh họa sống động về cuộc đời phi thường của cô sẽ truyền cảm hứng cho tất cả chúng ta và nhiều thế hệ kế tiếp”.
Olga Tokarczuk - nữ chủ nhân Nobel Văn học 2018: Nhà nữ quyền ăn chay trong nền văn học Ba Lan
Bà Tokarczuk là một nhà hoạt động, trí thức cộng đồng, nhà phê bình chính trị Ba Lan, đã giành giải thưởng Nobel Văn học năm 2018 được công bố ngày 10/10/2019.