Hôm nay 26/8, là ngày kỷ niệm tròn 100 năm Tu chính án số 19 (hay còn gọi là Tu chính Susan Anthony) có hiệu lực. Kể từ đó, phụ nữ Mỹ được trao quyền đi bầu cử. Sự kiện ấy đã tạo ra một bước ngoặt lớn giúp phụ nữ Mỹ dần xóa bỏ rào cản vô hình, để mở ra con đường bình đẳng cho các thế hệ phụ nữ sau này và góp phần truyền cảm hứng đến phong trào nữ quyền thế giới.
Trước và trong những năm 1800, phụ nữ Mỹ chưa thực sự được công nhận là những công dân thực sự, theo nghĩa có đầy đủ các quyền. Khi đó, phụ nữ Mỹ chưa được thừa nhận quyền độc lập về kinh tế. Mọi tài sản riêng của người phụ nữ đang có đều trở thành tài sản của người chồng khi họ lập gia đình. Tất cả mọi tiền bạc của người phụ nữ có được do làm việc cũng đều thuộc về người chồng. Phụ nữ lúc đó cũng không có quyền chính trị. Họ không có quyền đi bầu cử.
Cuộc vận động lịch sử kéo dài hơn 70 năm (1848-1920) của Susan B. Anthony và Elizabeth Cady Stanton cho quyền chính trị và dân sự căn bản này của phụ nữ Mỹ thường được biết đến với tên gọi là “Phong trào đòi quyền bầu cử cho phụ nữ" đã mở ra một kỷ nguyên mới cho nữ quyền tại đây.
Susan B. Anthony
Susan Brownell Anthony (1820-1906) là một trong những nhà lãnh đạo hàng đầu của phong trào vận động nữ quyền ở Mỹ và phong trào chống nô lệ.
Susan Brownell Anthony là một trong những nhà lãnh đạo hàng đầu của phong trào vận động nữ quyền ở Mỹ và phong trào chống nô lệ. Nguồn: nationalgeographic.com |
Bà Susan B. Anthony là một giáo viên và có những quan điểm rất tiến bộ. Bà cho rằng, sẽ không có hy vọng cho tiến bộ xã hội tại Mỹ chừng nào phụ nữ chưa được trao đầy đủ các quyền như nam giới. Phụ nữ cần phải có sự tự lập về cá nhân và độc lập về kinh tế. Bà cũng nhận ra rằng, phụ nữ sẽ không bao giờ trở thành công dân đầy đủ nếu không có quyền chính trị. Và họ sẽ không thể có quyền chính trị chừng nào họ chưa có được quyền đi bầu cử.
Vì vậy, bà đã tự đi đến các thị trấn, thành phố trong bang New York để thuyết phục phụ nữ về tầm quan trọng của quyền bầu cử. Tới đâu bà cũng phân phát các tờ rơi cổ động cho quyền của phụ nữ. Bà cũng tổ chức các cuộc vận động các đại biểu quốc hội của New York sửa luật để trao cho phụ nữ quyền sở hữu tài sản.
Năm 1860 tiểu bang New York thông qua bộ luật sở hữu cho phụ nữ đã có gia đình. Đó là lần đầu tiên tại New York, phụ nữ lập gia đình có quyền sở hữu tiền do mình làm ra. Sau bao năm vất vả, việc vận động của bà Anthony và người bạn Elizabeth Stanton đã bắt đầu "đơm trái". Cuộc vận động tiếp tục được tiến hành sang các tiểu bang khác của Mỹ.
Susan B. Anthony đang thảo luận cùng người cộng sự - bà Elizabeth Stanton. Nguồn: time.com |
Năm 1872, bà cùng với mười lăm phụ nữ khác, đã bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống, và bị bắt với lý do đã tham gia bỏ phiếu khi chưa được luật cho phép. Bà Anthony bị đưa ra xét xử và bị kết án vi phạm pháp luật với án phạt là 100 USD. Bà đã phản đối bản án vì cho rằng luật pháp là sai lầm, không công bằng và từ chối nộp tiền phạt.
Sau đó, bà Anthony tiếp tục lãnh đạo cuộc vận động đòi quyền bầu cử cho phụ nữ thông qua con đường sửa đổi Hiến pháp. Bà đã đi vận động khắp đất nước Mỹ và chỉ dừng lại khi ở tuổi 75. Năm 1904, bà Anthony đã phát biểu lần cuối cùng trước một Ủy ban của Thượng viện Mỹ nhân dịp Thượng viện đang xem xét dự luật thay đổi Hiến pháp để trao quyền bầu cử cho phụ nữ.
Bà Anthony mất vào năm 1906. Phải thêm 13 năm nữa, vào năm 1919, Quốc hội Mỹ mới thông qua Tu chính Hiến pháp số 19. Tu chính này công bố quyền bầu cử không được từ chối với bất kỳ ai chỉ vì giới tính. Tu chính này cần phải đạt được sự đồng ý của 3/4 tổng số tiểu bang của Mỹ lúc đó. Tu chính hiến pháp số 19 đã có hiệu lực vào ngày 26/8/1920 với tên gọi Tu chính Susan Anthony để tưởng nhớ bà Susan B. Anthony, người đã cống hiến cả đời vì quyền bầu cử của phụ nữ tại Mỹ.
Susan B. Anthony là người phụ nữ đầu tiên được xuất hiện trên đồng xu của Mỹ. Nguồn: britannica.com |
Bà là người có công trong việc thành lập Liên đoàn Quốc gia Trung thành Phụ nữ, ủng hộ các chính sách của Tổng thống Abraham Lincoln. Bà cũng là đồng tác giả của 3 quyển Lịch sử về phụ nữ. Bà là người phụ nữ đầu tiên được xuất hiện trên đồng xu của Mỹ.
Elizabeth Stanton
Elizabeth Cady Stanton là một người bạn và là người đồng sáng tác Lịch sử của Nữ quyền với Susan B. Anthony. Nguồn: wmht.org |
Elizabeth Cady Stanton (1815-1902) là một trong những nhân vật nổi bật trong phong trào nữ quyền ở Mỹ. Bà là một người bạn và là người đồng sáng tác Lịch sử của Nữ quyền với Susan B. Anthony. Tại hội nghị về quyền của phụ nữ đầu tiên tại Seneca Falls năm 1848, bà Stanton đã đưa ra Tuyên bố về Tình cảm, vốn đã trở thành một trong những văn bản đầu tiên của phong trào đòi quyền phụ nữ. Bà là chủ tịch Hiệp hội Phụ nữ Quốc gia về quyền tự do trong 8 năm và là tác giả của cuốn “Kinh thánh Người phụ nữ” (1895) và cuốn tự truyện “Tám mươi năm và nhiều hơn nữa” (1898).
Victoria Woodhull
Victoria Woodhull - Người phụ nữ Mỹ đầu tiên tự ứng cử chức Tổng thống Mỹ. Nguồn: daily.jstor.org |
Người phụ nữ Mỹ đầu tiên tự ứng cử chức Tổng thống đã xuất hiện từ gần 50 năm trước đó. Năm 1872, Victoria Woodhull đến từ Ohio đã làm nên lịch sử khi bà ra tranh cử với tư cách ứng cử viên của Đảng Bình Quyền (Equal Rights Party) chống lại Tổng thống đương nhiệm Ulysses S. Grant. Cương lĩnh tranh cử của bà gồm những cải cách cấp tiến như ngày làm việc 8 giờ, quyền bầu cử cho phụ nữ, bỏ án tử hình…
Đệ nhất phu nhân Mỹ Eleanor Roosevelt
Trước khi trở thành Đệ nhất phu nhân, bà Eleanor Roosevelt (1884-1962) đã tích cực tham gia các phong trào vì quyền lợi phụ nữ như hợp tác cùng Liên minh Công đoàn Phụ nữ Mỹ.
Khi bước chân vào Nhà Trắng và chính thức trở thành Đệ nhất phu nhân Mỹ, Eleanor Roosevelt hoạt động chính trị rất tích cực. Bà phục vụ trong Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và khuyến khích chồng bà, Tổng thống Franklin Roosevelt, bổ nhiệm nhiều phụ nữ hơn vào các vị trí ở liên bang. Bà đã viết trong chuyên mục ‘My day’: "Cuộc chiến vì quyền của phụ nữ là một cuộc chiến lâu dài và không ai trong chúng ta không thể cho phép bất cứ điều gì làm cản trở nó".
Cựu Đệ nhất phu nhân Eleanor Roosevelt đến thăm triển lãm Vote for Women tại Bảo tàng Lịch sử New York vào năm 1952. Nguồn: Getty Images |
Sau này, bà còn giữ trọng trách Chủ tịch Ủy ban Vị thế phụ nữ, dưới thời Tổng thống John F. Kennedy. Bằng những nỗ lực và đấu tranh giành bình quyền cho phụ nữ, bà được ca ngợi là "Đệ nhất phu nhân của thế giới".
Betty Friedan và Gloria Steinem
BettyFriedan là một nhà văn, và là một trong những nhân vật nổi bật trong phong trào nữ quyền ở Mỹ. Nguồn: wisewomen.com.au |
Một nhà hoạt động và nhà văn, Betty Friedan (1921-2006) là một trong những nhân vật nổi bật trong phong trào nữ quyền ở Mỹ. Cuốn sách bán chạy nhất của bà, The Feminine Mystique, xuất bản năm 1963 được cho là đã mang lại sự hồi sinh trong phong trào đòi quyền của phụ nữ. Năm 1966, Friedan đồng sáng lập Tổ chức Phụ nữ Quốc gia (NOW) và từng là chủ tịch của tổ chức này trong 4 năm. Vào dịp kỷ niệm 50 năm sửa đổi hiến pháp cấp quyền bầu cử cho phụ nữ, bà đã tổ chức Cuộc đình công Phụ nữ dưới sự tham gia của hàng ngàn người.
Nhà văn và nhà hoạt động chính trị xã hội Gloria Steinem đã trở thành một trong những cây bút tiêu biểu ở Mỹ trong những năm 1960 -1970. Steinem cùng với Betty Friedan và Hạ nghị sĩ Hoa Kỳ Bella Abzug đã đấu tranh để thông qua Tu chính án Quyền bình đẳng, một đề nghị sửa đổi Hiến pháp đảm bảo bình đẳng giới hợp pháp cho tất cả công dân Hoa Kỳ không phân biệt giới tính. Viết trên mặt sau trang xã luận Thời báo Los Angeles, bà cho hay "Nữ quyền chưa bao giờ là việc của một người phụ nữ. Đó là việc làm cho phụ nữ ở mọi nơi có một cuộc sống công bằng hơn".
Nhà văn và nhà hoạt động chính trị xã hội Gloria Steinem đã trở thành một trong những cây bút tiêu biểu ở Mỹ trong những năm 1960 -1970. Nguồn: britannica.com |
Kể từ 5/2018, Steinem đã đi tới nhiều nơi trên thế giới với tư cách là nhà tổ chức và giảng viên, đồng thời là người phát ngôn truyền thông về các vấn đề bình đẳng
Hillary Clinton
Bà Hillary Clinton (sinh năm 1947) là người cố gắng hiện thực giấc mơ có nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử của người Mỹ. Hillary Clinton học tại trường Cao đẳng Wellesley, tốt nghiệp năm 1969, và giành được bằng Tiến sĩ Luật của trường đại học Yale năm 1973. Sau khi làm tư vấn pháp luật của Quốc hội, bà chuyển đến Arkansas, kết hôn với Bill Clinton năm 1975.
Năm 1977, trong thời kỳ là Đệ Nhất Phu nhân bang Arkansas, bà là người đồng sáng lập ra Tổ chức Những người ủng hộ Trẻ em và Gia đình bang Arkansas. Bà cũng lãnh đạo Uỷ ban Tư vấn Sức khoẻ Nông thôn và giới thiệu chương trình thí điểm gọi là Chương trình hướng dẫn gia đình cho trẻ trước khi đến trường, huấn luyện cha mẹ phương pháp chuẩn bị trẻ đến trường. Năm 1988 và 1991, Tạp chí Luật Quốc gia chọn Clinton vào trong danh sách 100 luật sư có ảnh hưởng lớn nhất nước Mỹ. Bà đồng sáng lập Tổ chức Bảo vệ Gia đình và Trẻ em Arkansas và phục vụ trong ban giám đốc của Dịch vụ Pháp lý của Bệnh viện Nhi đồng Arkansas và Quỹ Bảo vệ Trẻ em.
Ngoại trưởng Hillary Clinton giành được sự ngưỡng mộ của nhiều người vì tính kiên định trong lập trường ủng hộ quyền phụ nữ trên khắp thế giới cũng như những cống hiến của bà cho các vấn đề trẻ em. Nguồn: politico.com |
Sau khi Bill Clinton thắng cử năm 1992 để chuẩn bị bước vào Nhà Trắng, năm 1993 Hillary Clinton đã trở thành Đệ Nhất Phu nhân Mỹ. Hillary giành được sự ngưỡng mộ của nhiều người vì tính kiên định trong lập trường ủng hộ quyền phụ nữ trên khắp thế giới cũng như những cống hiến của bà cho các vấn đề trẻ em. Năm 1997, bà khởi xướng Chương trình Bảo hiểm Y tế Trẻ em - một nỗ lực cấp liên bang nhằm hỗ trợ trẻ em có cha mẹ không đủ khả năng tài chính chi trả chi phí y tế cho con mình. Sau đó bà cùng với Bộ trưởng Tư pháp Janet Reno thành lập Văn phòng chống Bạo hành Phụ nữ thuộc Bộ Tư pháp.
Bà Hilllary là một trong số ít nhân vật quốc tế vào lúc ấy lên tiếng chỉ trích chính sách đối xử với phụ nữ tại Afghanistan của chính phủ Hồi giáo bảo thủ Taliban. Một trong những chương trình bà góp phần kiến tạo là Vital Voices, cổ vũ sự tham gia tích cực của phụ nữ vào tiến trình chính trị tại đất nước của họ.
Năm 2009 - 2013, bà đã từng phục vụ trong nội các của Tổng thống Barack Obama với chức vụ Ngoại trưởng Hoa Kỳ. Bà cũng đã 2 lần tranh cử năm 2008 và 2016 nhưng thất bại. Có thông tin bà sẽ tái tranh cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020.
Opra Winfrey
Opra Winfrey (sinh năm 1954), là một nữ giám đốc truyền thông, diễn viên, người dẫn chương trình trò chuyện, nhà sản xuất truyền hình và nhà từ thiện người Mỹ. Bà được biết đến với chương trình trò chuyện The Oprah Winfrey Show, đây là chương trình truyền hình được đánh giá cao nhất trong lịch sử và được tổ chức trên toàn quốc từ năm 1986 đến 2011 tại Chicago. Bà Opra Winfrey cũng là một nhà hoạt động quyền phụ nữ nổi tiếng, người đã tạo động lực cho hàng triệu phụ nữ khác trên thế giới.
"Tôi chưa bao giờ coi hay gọi mình là người theo nữ quyền, nhưng tôi không nghĩ là bạn có thể vừa là phụ nữ, nhưng lại không theo nữ quyền" - Opra Winfrey. Nguồn: rollingstone.com |
Đến từ gia đình da màu nghèo khổ ngoài lề xã hội, Opra Winfrey đã gây dựng cho mình một đế chế trong công nghiệp giải trí và hỗ trợ, khuyến khích phụ nữ vượt qua các khó khăn, rào cản trong cuộc sống. Bà từng nói: "Tôi chưa bao giờ coi hay gọi mình là người theo nữ quyền, nhưng tôi không nghĩ là bạn có thể vừa là phụ nữ, nhưng lại không theo nữ quyền". Câu nói của bà truyền cảm hứng cho rất nhiều người. Mỗi phụ nữ nên là một người theo nữ quyền.
Màu son đỏ và hành trình của biểu tượng nữ quyền
Qua hàng thế kỷ, màu son đỏ dường như đã trở thành một thứ vũ khí văn hóa hùng mạnh và được đón nhận như một biểu tượng của nữ quyền.