Sự nhầm lẫn 10 năm của bức tranh 9 tỷ đồng

Nhà nghiên cứu Kevin Vương chia sẻ về thị trường tranh Đông Dương: Ai mới là tác giả của bức tranh “Cô gái chải đầu” được nhà Aguttes đấu giá vào 14/3/2022?

Gần đây thị trường tranh Đông Dương trên các sàn đấu giá quốc tế ngày càng nóng, hấp dẫn nhiều nhà đầu tư, sưu tập tham gia. Nhiều tác phẩm được bán với giá hàng triệu đô la, điều đó làm cho người Việt Nam không khỏi tự hào. Tuy nhiên, bên cạnh đó, có một số sai sót, nhầm lẫn, hoặc thậm chí tranh giả xuất hiện tại một số sàn đấu giá. Đây là những biểu hiện không minh bạch, cũng là điều khiến dư luận quan tâm.

Cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu Kevin Vương về vấn đề này và vụ việc mới nhất thị trường tranh Đông Dương: Ai mới là tác giả của bức tranh “Cô gái chải đầu” được nhà Aguttes đấu giá vào 14/3/2022?

Nhà nghiên cứu Kevin Vương.
Nhà nghiên cứu Kevin Vương.

SỰ “NHẦM LẪN” HƠN 10 NĂM

Liên tục phát hiện ra các dấu hiệu sai sót của một số nhà đấu giá tranh Đông Dương, tôi nghĩ điều này không phải mới mẻ cho lắm, nhưng ngày càng... nghiêm trọng hơn?

Đúng là nó xảy ra lâu dài, không chỉ ở mảng hội họa, mà cả ở thị trường đồ cổ. Có thể do các nhà đấu giá không có các chuyên gia về văn hóa, mỹ thuật Việt Nam, mà họ chỉ có những chuyên gia về Trung Quốc hoặc Nhật Bản. Chính vì vậy, nhiều sai lầm có thể xảy ra, trong một thời gian khá lâu.

Vụ việc gần nhất về sự “nhầm lẫn” hoặc nói chính xác hơn là sự “lập lờ” giữa hai tác giả Trần Bình Lộc và Trần Tấn Lộc, theo anh, bản chất sự việc là như thế nào? 

  Họa sĩ Trần Tấn Lộc, tác giả bức tranh

Họa sĩ Trần Tấn Lộc, tác giả bức tranh "Cô gái chải đầu".

Sau khi tìm hiểu, tôi hiểu rằng, đây là lỗi hệ thống. Họ đã nhầm lẫn mười năm nay, qua nhà đấu giá thứ tư, thì lỗi này được phát hiện. Tác phẩm “Cô gái chải đầu” do nhà Aguttes đấu giá trong tháng 03/2022 này có 2 chữ ký trên tranh. Một chữ ký ghi rõ “Tr Tấn Lộc”, một ghi tên bằng chữ Nôm, triện chữ Hán. Vậy thì tại sao nhà đấu giá lại đưa bức tranh này lên sàn và lấy tên tác giả là Trần Bình Lộc, vốn là một họa sĩ thời Đông Dương và cũng có khá nhiều tranh đã được đấu giá trên các sàn quốc tế.

Chúng tôi đã tìm hiểu thông tin về họa sĩ Trần Tấn Lộc, điều này tôi đã phân tích chi tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng, với thiện ý thông báo cho nhà Aguttes biết về việc sai lầm tác giả của họ.

Anh đã tìm hiểu xác minh hai tác giả bằng phương thức nào để có thể khẳng định đây chính xác là một sự không minh bạch?

Tháng 3/2022, khi nhà Aguttes quảng bá thông tin sẽ đưa tác phẩm “Thiếu nữ chải đầu” của họa sĩ Trần Bình Lộc lên sàn, họ lấy bức tranh làm bìa cuốn catalogue cho thấy nhà đấu giá coi bức tranh quan trọng cỡ nào. Tôi nhận ra rằng, trời ơi, không thể tin nổi, chữ ký trên tranh đâu phải là của họa sĩ Trần Bình Lộc! Chữ ký kia rõ ràng là “Tr Tấn Lộc”. Hành trình tìm hiểu thông tin về “Tr Tấn Lộc” là ai bắt đầu. Thật may mắn khi tôi đọc được thông tin nhắc tới họa sĩ Trần Tấn Lộc trong sách về họa sĩ Lê Năng Hiển bởi hai ông đã từng làm việc chung với nhau từ những năm 1960.

Năm anh em họa sĩ Trần Tấn Lộc. Từ trái sang: Trần Tấn Dần (Ông Năm), Trần Tấn Hợi (Ông Tư), Trần Tấn Thọ (Ông Cả), Trần Tấn Lộc (Ông Hai) và Trần Tấn Dậu (Ông Ba) (Ảnh: gia đình cung cấp cho NNC Kevin Vương).
Năm anh em họa sĩ Trần Tấn Lộc. Từ trái sang: Trần Tấn Dần (Ông Năm), Trần Tấn Hợi (Ông Tư), Trần Tấn Thọ (Ông Cả), Trần Tấn Lộc (Ông Hai) và Trần Tấn Dậu (Ông Ba) (Ảnh: gia đình cung cấp cho NNC Kevin Vương).

Sau đó, lần mò từng thông tin nhỏ nhoi đó, tôi tìm được chú họa sĩ Nguyễn Đình Huống, chú từng làm việc trong studio đó với hai ông. Lúc đó chú 25 tuổi, nên chú còn nhớ nhiều chi tiết thời còn làm việc với hai ông, chú kể lại. Dần dần, qua các mối quan hệ, tôi tìm được gia đình họa sĩ Trần Tấn Lộc, họ vẫn ở Hà Nội. Tôi biết thêm nhiều thông tin, và bắt đầu ráp nối các tư liệu với nhau từ thông tin của gia đình đến thông tin của các nhà đấu giá mô tả về bức tranh kia thì đều trùng khớp. Tôi khẳng định tác phẩm “Thiếu nữ chải đầu” là của tác giả Trần Tấn Lộc chứ không phải là Trần Bình Lộc.

Như vậy, nhà Aguttes đã thông qua các chuyên gia tiếng Trung trong đội ngũ của mình đọc chữ ký và lạc khoản rồi đưa kết luận tác phẩm này là của họa sĩ Trần Bình Lộc mà bỏ qua chữ ký tiếng Việt trên tranh rất rõ ràng là “Tr Tan Loc”. Họ có thể đã dựa trên thẩm định của các nhà đấu giá từ năm 2010 cho tới nay bao gồm: Nhà Thierry de Maigret, nhà Asium, nhà Lynda Trouvé, và hiện tại là nhà Aguttes.

Các chi tiết và dòng chữ Nôm của bức tranh khiến các nhà nghiên cứu nước ngoài không đọc được chính xác.
Các chi tiết và dòng chữ Nôm của bức tranh khiến các nhà nghiên cứu nước ngoài không đọc được chính xác.

Theo dịch giả Châu Hải Đường, lạc khoản trên tranh sử dụng tiếng Nôm, chứ không phải tiếng Hán nguyên bản, cho nên điều này dẫn đến việc có thể các chuyên gia tiếng Trung không thể đọc được, hoặc đọc sai. Nghĩa của lạc khoản là: “Trần Tấn Lộc họa”, tên tranh “Người con gái chải đầu”, dòng chữ thảo bên cạnh: “Hà Nội Văn Thái”, và thêm dòng chữ trên triện: “Văn Thái Hà Nội”.

Họa sĩ Trần Tấn Lộc không phải họa sĩ tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương như Trần Bình Lộc, nhưng ông cũng là người rất tài năng với nhiều tác phẩm lớn và có đóng góp lớn trong ngành vẽ trang trí, quảng cáo tại Đông Dương lúc bấy giờ.

TỈNH TÁO TRƯỚC THÔNG TIN CỦA NHÀ ĐẤU GIÁ

Tới thời điểm này, thái độ và phản ứng của từng nhà đấu giá như thế nào rồi?

Chúng tôi đã báo cho các nhà đấu giá, nhưng mới chỉ có nhà Asium phản hồi lại với thái độ rất cầu thị. Họ trân trọng thông tin trên và đã xin lỗi, đồng thời sửa lại tên tác giả cho đúng. Còn nhà Aguttes, họ không phản hồi lại, mà chỉ lẳng lặng sửa tên tác giả nhưng ngày tháng năm sinh vẫn bị sai, nói chung là thông tin còn nhiều sai lệch.

Một số tác phẩm trước khi đấu giá tại văn phòng Aguttes ngày 4/3/2022 (Ảnh: S.C)
Một số tác phẩm trước khi đấu giá tại văn phòng Aguttes ngày 4/3/2022 (Ảnh: S.C)

Việc nhầm lẫn này, ngoài khả năng chưa thể giám định được của họ ra, có một nguyên nhân nữa là họ chưa chịu đầu tư nghiên cứu về nghệ thuật tranh Đông Dương của Việt Nam một cách nghiêm túc, kỹ lưỡng. Có lẽ mục đích chính của họ là mục tiêu kinh doanh, họ đặt mục tiêu đó lên trước, nên nhiều khi vấn đề nghiên cứu học thuật chưa được đánh giá đúng mức. Ngày 14/3 bức tranh đã được bán đấu giá thành công trên sàn với giá 330 nghìn EUR cả thuế phí, ước tính hơn 9 tỷ tiền Việt Nam.

Một số nhà sưu tập người Việt dù rất muốn đưa tranh trở về với đất nước, nhưng họ khá vất vả bởi việc thẩm định khó khăn và giá cả thì “trên trời”, anh nghĩ sao về điều này?

Về phần giá cả, vì các bức tranh này đều ở trên sàn, nên chỉ có thể ước tính thôi chứ rất khó nói. Các nhà sưu tập sau khi được tư vấn có thể ước lượng cân đối tài chính để đấu giá. Có khá nhiều yếu tố bất ngờ trong cuộc đấu giá nên khó lường trước được. Họ nên tìm hiểu kỹ, đầu tư vào bức tranh, ngoài thông tin của người bán, cần có kiến thức nhất định về tranh của các họa sĩ Đông Dương.

Nếu họ chưa đủ khả năng, họ phải đầu tư nhờ mời các chuyên gia, các nhà nghiên cứu về mỹ thuật Đông Dương thẩm định bức tranh. Điều này sẽ giúp thông tin được minh bạch, sáng tỏ nhiều thông tin ẩn giấu đằng sau. Về mặt các nhà sưu tập, nên chú ý lắng nghe và tham khảo nhiều nguồn khác nhau để thẩm định bức tranh rõ ràng, chính xác hơn.

Cần những chuyên gia bản địa am hiểu văn hóa, ngôn ngữ, và lòng tự tôn dân tộc...
Cần những chuyên gia bản địa am hiểu văn hóa, ngôn ngữ, và lòng tự tôn dân tộc...

Thời gian vừa qua, có khá nhiều thông tin lên tiếng phản ứng, phân tích về các bức tranh thuộc diện “nghi vấn”, đây phải chăng là những tín hiệu tích cực?

Đúng vậy, người sưu tập Việt Nam không thể mãi dựa vào nguồn thông tin hay những phân tích đưa ra từ nhà đấu giá hay chuyên gia nước ngoài. Thị trường rất cần những chuyên gia bản địa am hiểu văn hóa, ngôn ngữ, cũng như có lòng tự tôn dân tộc để đưa tranh Việt sánh vai với các nước bạn.

Việc được tiếp cận trực tiếp, xem tận mắt tác phẩm là rất ít. Việc tìm kiếm thông tin thường không có nhiều trên mạng, mà thường là do các mối quan hệ rộng. Thị trường mỹ thuật thời Đông Dương cần sự minh bạch nhiều hơn nữa, không thể để cho những người kinh doanh trục lợi, lừa cả những nhà sưu tập. Như vậy là vấy bẩn thị trường.

Sau vụ việc nhầm lẫn, nhiều nhà đấu giá bên này và chuyên gia trong giới học thuật nghiên cứu cũng biết vấn đề này. Rất mong đây là dấu mốc đầu tiên để các nhà đấu giá nước ngoài ý thức hơn về việc đánh giá, thẩm định về đồ cổ, hội họa Việt Nam, phải có người am hiểu sâu về văn hóa Việt giúp họ thẩm định, giúp các nhà sưu tập có thông tin chính xác hơn về tranh và đồ cổ. Nghệ thuật, cũng càng cần minh bạch!

Xin chân thành cảm ơn.

Tuệ Lam

Họa sĩ Trần Thanh Thục: Yêu thì sao phải cố!

Họa sĩ Trần Thanh Thục: Yêu thì sao phải cố!

Không có bản phác thảo, không một nét màu, chỉ sử dụng vải, mọi tác phẩm tranh vải của họa sĩ Trần Thanh Thục đều là độc bản.