"Phụ huynh có lý do để lo lắng về sách giáo khoa Tiếng Việt 1"

"Không phải tự nhiên phụ huynh lo lắng về sách Tiếng Việt 1, bộ Cánh diều", phụ huynh Thu Huyền viết.

Đầu năm học, trường của con tôi đưa ra hai lựa chọn. Phụ huynh có thể đăng ký nhờ trường mua sách. Phương án này khá tiện vì con để luôn sách ở trường, không mất công mang đi từ nhà.

Cha mẹ cũng có thể tự mua sách. Vì là con đầu đi học, tôi muốn biết con sẽ học gì nên tự mua bộ Cánh diều, trong đó có sách Tiếng Việt lớp 1.

Lúc đó, tôi mở sách ra đọc thử đã thấy khó hiểu vì không nghĩ những thứ như vậy lại được mang ra dạy cho trẻ.

  Sống gần 40 năm, lần đầu tiên, phụ huynh Thu Huyền biết đến từ

Sống gần 40 năm, lần đầu tiên, phụ huynh Thu Huyền biết đến từ "thở hí hóp". Ảnh: Sachcanhdieu.

Câu từ trúc trắc, khó hiểu

Tôi không đánh giá chương trình nặng hay nhẹ vì đôi khi sức ép lên việc học của trẻ đến từ cả bố mẹ. Tôi chỉ thấy sự bất ổn trước hết nằm ở cách dùng từ trúc trắc, khó đọc. Các câu chủ yếu là văn nói.

Như từ “hí hóp” được dùng trong nhiều bài, thật ra, đến lúc gần 40 tuổi, tôi mới thấy từ này. Chưa kể đến sách còn có những từ khó hiểu như “gà nhí”, “gà nhép”.

Dù không hài lòng, tôi không thắc mắc vì sao trường lại chọn dạy theo cuốn này. Trường đã chọn, học sinh bắt buộc học theo. Tuy nhiên, với vai trò là phụ huynh, tôi chọn cách khác để dạy chữ cho con.

Tôi dạy bé đọc bằng cuốn thơ yêu thích. Hai mẹ con thích thú đọc nó. Hơn nữa, nhờ học trường tư, áp lực không lớn, con được học theo cách phù hợp. Tôi cũng chỉ đặt mục tiêu hết năm lớp 1, con đọc trôi chảy, viết thành thạo.

Lựa chọn sách khác để dạy con, tôi vẫn lấn cấn với cách dùng từ trong sách Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh diều. Vì thế, tôi theo dõi thông tin được phản ánh qua báo chí.

Gần đây, GS Nguyễn Minh Thuyết giải thích về việc lựa chọn từ ngữ trong sách. Ông nói rằng để dạy chữ, vần cho trẻ, người viết sách phải tạo ra bài đọc để các chữ, vần mới học được lặp lại nhiều lần.

Ông cũng đưa ra lý do thời gian đầu, học sinh biết nhiều chữ, tác giả phải vận dụng số chữ ít ỏi mà các em biết để tạo thành câu văn, bài tập đọc, nhằm giải thích tại sao sách lại có những từ khó hiểu, ít thông dụng.

Đọc câu trả lời đó, tôi cho rằng chưa thỏa đáng. Nếu thực sự viết sách có tâm, người biên soạn sách giáo khoa sẽ tìm cách để thể hiện vần đang học một cách tốt hơn.

Tiếng Việt rất phong phú. Họ không nên coi việc học sinh mới biết ít chữ là hạn chế để viết ra bài học chưa tốt.

Là phụ huynh có con đang ngày ngày tập đánh vần, tập đọc qua những từ trúc trắc, khó hiểu đó, tôi nghĩ nếu không tìm được những câu thích hợp để dạy trẻ, thầy, cô cứ cho trẻ học từ trước đã. Khi vốn từ đủ, giáo viên cho trẻ ghép câu cũng chưa muộn.

Câu chuyện được chia làm hai phần cũng có thể khiến trẻ hiểu sai lệch.
Câu chuyện được chia làm hai phần cũng có thể khiến trẻ hiểu sai lệch.

Truyện khiến trẻ dễ hiểu sai lệch

Không chỉ từ khó hiểu, đọc nhiều câu chuyện trong sách Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh diều, tôi thực sự không hiểu tác giả muốn nói điều gì. Chó xù (bài 30), Vẽ ngựa (bài ôn tập cuối năm) là những truyện như vậy. Tôi không rõ họ định dạy trẻ điều gì qua mẩu truyện đó.

Trong khi đó, những truyện ngụ ngôn, tôi cho rằng không phù hợp. Đương nhiên, các bài học đạo đức lồng ghép trong đó không phải không phù hợp. Nhưng để hiểu đúng, cô, trò lẫn phụ huynh cần bỏ ra quá nhiều công sức. Các bài học cũng cũ và giáo điều.

Tôi không hiểu sao tác giả lại chọn phỏng theo truyện ngụ ngôn, truyện nước ngoài khi chúng yêu cầu người đọc có tư duy trưởng thành, còn trẻ em lại cần truyện đơn giản, trực quan. Việc không hiểu đúng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển suy nghĩ của trẻ.

Nói chung, những câu chuyện, truyện ngụ ngôn trong sách Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh diều giống rất nhiều cuốn sách bán ngoài thị trường mà tôi không bao giờ chọn mua cho con.

GS Thuyết cũng có lời giải thích cho các bài tập đọc trong sách. Ông nói nghĩa giáo dục toát lên từ toàn bộ câu chuyện, không thể cắt một nửa rồi nói sách dạy trẻ thói lừa lọc, khôn lỏi. Nhưng rõ ràng, không phải tự nhiên, phụ huynh lo sợ điều đó. Bởi vì, trước khi có bài học kết ở phần 2, trẻ luôn được thấy sự khôn lỏi ở phần 1 của truyện. Mô típ này lặp lại khá nhiều trong sách Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh điều. Đôi khi, cái gì được nhắc nhiều sẽ in dấu trong đầu trẻ, chứ không hẳn là bài học mà những người biên soạn muốn truyền tải.

Bên cạnh đó, nói bài học có sự hướng dẫn của giáo viên, trẻ không thể hiểu sai, cũng chỉ là ngụy biện. Tôi đồng ý giáo viên có vai trò trong việc dạy trẻ nhưng bản thân sách giáo khoa phải chuẩn mực đã. Giáo viên dạy trên lớp, chưa chắc tất cả học trò nắm được ý cô. Nhiều khi, trẻ chỉ nhớ những gì đọc trong sách giáo khoa, không nhớ cô nói gì. Vậy trẻ sẽ dựa vào đâu để hiểu bài nếu không phải là từ sách giáo khoa???

  Những trang sách Tiếng Việt lớp 1 gần gũi, dễ nhớ của 30 năm trước. Ảnh: Thuongmaitruongxua.

Những trang sách Tiếng Việt lớp 1 gần gũi, dễ nhớ của 30 năm trước. Ảnh: Thuongmaitruongxua.

 Sách không thú vị, gần gũi

Khi không thể thay đổi được thực tế con đang học chữ qua bộ sách với những từ khó hiểu và câu chuyện có thể khiến con nghĩ sai lệch, tôi sẽ phải tự làm giáo viên, nói chuyện với cháu về những gì được viết trong sách, hướng theo suy nghĩ đúng.

Với tôi, về ngôn ngữ đơn thuần, Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh diều không phải cuốn sách đẹp. Câu từ trúc trắc, không khơi gợi sự gần gũi hay thú vị. Về cơ bản, tôi thấy nó không thành công trong việc gieo vào trẻ niềm yêu thích, hứng thú với tiếng Việt.

Đọc cả cuốn sách, trẻ không thấy được sự ấm áp, yêu thương hay thú vị, gần gũi ở mấy con chữ.

Ở phần tập đọc, bên cạnh các truyện dễ gây hiểu sai là những câu chuyện tạm ổn, song không có gì ấn tượng. Chúng thường là những bài mô tả, không lồng ghép bài học đạo đức như Đêm ở quê.

Những bài tả cảnh sinh hoạt thường ngày không đến nỗi nào về mặt nội dung nhưng vì hạn chế về từ, đối thoại trở nên ngô nghê.

Tôi tò mò không biết sách Tiếng Việt lớp 1 ở các bộ khác ra sao nhưng chưa có thời gian xem xét, so sánh. Tuy nhiên, khi đọc bài về sách Tiếng Việt 30 năm trước trên Zing, đọc đến đâu, tôi nhớ đến đó. Tại sao sách cũ làm được như vậy với thế hệ cách đây đến 30 năm? Bởi vì, nó đơn giản, đọc một lần có thể thuộc luôn. Nó có vần, gần gũi và thân thương.

Các bài tập của sách mới, tôi nghĩ, không có được điều đó với các từ trúc trắc như vậy. Nếu được lựa chọn, tôi mong ban biên soạn sách giáo khoa làm sách cẩn thận hơn. Họ phải là những người có triết lý giáo dục vững chắc, hiểu sự phát triển của trẻ, thực sự phải biết cần dạy cho trẻ điều gì và dạy như thế nào.

Tôi cũng mong có sự thay đổi cho bộ sách này càng sớm càng tốt. Nếu không, tôi sẽ phải tự tìm cách cho mình và con thôi.

Phụ huynh Thu Huyền

theo Zing News

Cổ phiếu khuyến nghị phiên 25/3: PHR, BMP, BAF

Cổ phiếu khuyến nghị phiên 25/3: PHR, BMP, BAF

PHR, BMP, BAF là những cổ phiếu cần quan tâm trong phiên giao dịch 25/3, theo khuyến nghị của các công ty chứng khoán.