Phụ nữ nội trợ Nhật Bản, tinh hoa đi liền thách thức (Kỳ 1): Đời nội trợ bận rộn

Câu chuyện về những bà nội trợ ở Nhật với những hy sinh có thể đến mức phi lý và những cố gắng để gây dựng sự nghiệp riêng của mình

Điển hình là một quốc gia với đầy nghịch lý và những điều thú vị, Nhật Bản tới nay tuy là một trong những đất nước phát triển bậc nhất thế giới nhưng vẫn là một xã hội có tính “nam trị”, và mẫu hình gia đình truyền thống: chồng đi làm, vợ ở nhà làm nội trợ đã thống trị xã hội từ khi thế chiến thứ II kết thúc cho tới nay. 

Cuộc sống chỉ thực sự bắt đầu khi 60 tuổi

Hình ảnh minh họa có chút hài hước nhưng rất chân thật và súc tích về cuộc sống cá nhân của một bà nội trợ Nhật điển hình đó là: “một giấc ngủ trưa ngắn ngủi”. Một người nội trợ Nhật hầu như không có thời gian cho bản thân mình và thời gian tất bật với việc nhà của các cô được cho là không thua kém bất kỳ đức lang quân nào ở chốn công sở.

Phụ nữ nội trợ Nhật Bản, tinh hoa đi liền thách thức (Kỳ 1): Đời nội trợ bận rộn

Hãy tưởng tượng một thời khóa biểu đơn giản của cô sẽ lặp đi lặp lại trong nhiều năm hôn nhân như sau:

- 6:00 sáng: thức dậy, chuẩn bị bento (hộp cơm) cho chồng con

- 7:00 sáng: đánh thức chồng và con, chuẩn bị túi xách cho chồng con đi học (vốn rất lỉnh kỉnh)

- 8:30 sáng: tiễn chồng con ra cửa và vẫy chào tạm biệt.

- 9:00 sáng: chơi với đứa nhỏ hơn (thường chưa gửi trẻ), nấu ăn, giặt giũ

- 12:00: Ăn trưa và cho con ăn trưa

- 14:00: tiếp tục việc nhà như lau dọn và thanh toán các hóa đơn

- 4:00 chiều: Đưa em bé đi mua sắm ở siêu thị, cho em bé ra công viên chơi

- 6:00 chiều: nấu bữa tối cho cả gia đình

- 7:30 chiều: tắm giặt, chuẩn bị cho con nhỏ đi ngủ

- 8:30 tối: chuẩn bị nước tắm cho chồng, đôn đốc con lớn học hành

- Tối muộn: Thời gian cho bản thân ngắn ngủi trước khi đi ngủ

Với khối lượng công việc như vậy, ý tưởng duy trì công việc đi đôi với cuộc sống gia đình dường như là “bất khả” đối với các bà nội trợ Nhật. Vì thế cũng không lạ khi nhiều phụ nữ Nhật thường có câu “cuộc sống chỉ thực sự bắt đầu khi 60 tuổi”- đó là lứa tuổi các cô “tốt nghiệp” việc làm vợ, làm mẹ và có thể mới thực sự bắt đầu có thời gian theo đuổi những đam mê của mình trong cuộc sống.

Trách nhiệm nặng nề

Ngoài những công việc cơ học có thể kể tên, tại Nhật, các bà nội trợ thực sự đóng vai trò “nội tướng” vì cô phải đảm nhiệm những nhiệm vụ đặc biệt mà những bà nội trợ tại quốc gia khác có lẽ sẽ không “nặng gánh” bằng. 

Phụ nữ Nhật Bản vừa trông con, lo việc nhà lại vừa phải có nhiệm vụ quản lý tài chính của cả hộ gia đình.
Phụ nữ Nhật Bản vừa trông con, lo việc nhà lại vừa phải có nhiệm vụ quản lý tài chính của cả hộ gia đình.

Một trong những nhiệm vụ đó là quản lý tài chính của hộ gia đình, khi thu nhập của người chồng được chuyển thẳng vào tài khoản ngân hàng mà cô quản lý. Bài toán của cô là phải chia số tiền đó thành các phần khác nhau như: thuế, bảo hiểm, mua sắm hộ gia đình, giải trí, chi phí giáo dục và tiết kiệm. Không lạ khi người ta thường ca ngợi các bà nội trợ như những người xuất sắc và ưu tú trong kỹ năng quản trị gia kế.

Với khả năng tiết kiệm và vun vén của mình, các bà nội trợ có thể đem lại những khoản phòng xa cho gia đình rất lớn- được coi như một món hời mà những người đàn ông không thể quản lý thu nhập của mình tốt đến vậy. Theo thống kê, các hộ gia đình Nhật có số tiền tiết kiệm trung bình là 150.000 -180.000USD, cao hơn nhiều nước phương Tây khác, nhờ tài năng tay hòm chìa khóa của người vợ.

Bên cạnh việc cần có những kỹ năng giống như kế toán viên, một bà nội trợ Nhật Bản cũng là người “thiết kế và quản trị” đời sống gia đình một cách chuyên nghiệp. Điều này có vẻ khó hiểu, nhưng có lẽ do tính chất cầu kỳ của đời sống mà công việc này đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và trách nhiệm.

Với nhiều dịp lễ tết đặc biệt, cùng các sự kiện gia đình và xã hội thường xuyên diễn ra, người nội trợ chính là đạo diễn quyết định sẽ tham gia điều gì, ai sẽ làm gì và quán xuyến tất cả: từ lo lắng trang trí nhà cửa cho lễ hội tới tham gia các sự kiện học hành tại trường con cái, từ đảm bảo mọi người sẽ có quần áo đúng điệu trong bữa tiệc tới mua quà cáp đáp lễ các mối quan hệ bên ngoài…

Giữ thể diện, làm đẹp mặt cho gia đình cũng là trách nhiệm quan trọng của các bà nội trợ, và nó trở thành một thứ “nghệ thuật” bởi nó sẽ nhận được nhiều đánh giá và kỳ vọng từ xã hội.

Một bà nội trợ Nhật sẽ rất giỏi trong việc làm nên những hộp cơm hộp đẹp và chi tiết đến choáng ngợp để chồng con vui lòng và hãnh diện tại trường học, công sở, hay đảm bảo cho con cái luôn xuất hiện với những trang phục sạch đẹp chỉn chu nhất.

Cô sẽ được đánh giá vai trò của mình qua cách khu vườn cô chăm sóc hay thành tích học tập ở trường của con cái, qua ứng xử lịch duyệt của những đứa con, qua khả năng nấu nướng và nội trợ của mình…

Phụ nữ Nhật vừa phải lo nội trợ, vừa phải là bộ mặt của gia đình
Phụ nữ Nhật vừa phải lo nội trợ, vừa phải là bộ mặt của gia đình

Bởi vậy trở thành nội trợ tại Nhật dường như là một gánh nặng khó khăn khó thích nghi với người nước ngoài, nhưng lại là sự lựa chọn gần như duy nhất nếu họ muốn duy trì cuộc sống gia đình tại đấy.

Một blogger Mỹ lấy chồng Nhật cho hay, việc trở thành nội trợ tại Nhật là một trong những “hy sinh phi lý” mà cô phải chịu đựng cho cuộc hôn nhân quốc tế của mình. Theo cô, các bà mẹ Nhật phải lao động vất vả gấp đôi người bình thường, không chỉ bởi đòi hỏi cầu kỳ của các mô thức sống cũ, mà còn bởi các đặc trưng sinh hoạt khiến cho họ phải dậy sớm, mua sắm và làm việc nhà nhiều hơn gấp bội.

Ngay cả với nhiều người bản xứ, những áp lực khi làm nội trợ cũng trở nên quá nặng nhọc dẫn đến nhiều cô gái từ chối lập gia đình để theo đuổi sự nghiệp hơn là lâm vào “kết cuộc” không lựa chọn như vậy.

Điều tuyệt vời là mặc dù vất vả nhưng phụ nữ Nhật đã biến nội trợ thực sự trở thành một nghề với nhiều tinh hoa: nghệ thuật nấu nướng, chăm sóc nhà cửa và giáo dục con cái của người Nhật đã trở thành tuyệt đỉnh, tạo ra một xã hội chuẩn mực khiến cả thế giới ngưỡng mộ.

Quỳnh Châu

Những người nội trợ chuyên nghiệp ở Nhật Bản

Những người nội trợ chuyên nghiệp ở Nhật Bản

Với giá trị quan ngày càng thay đổi và đa dạng, phụ nữ Nhật có rất nhiều lựa chọn trong cách sống của mình.