Phương Tây sai lầm nhưng tai họa trút xuống đầu Ukraine

Tổng thống Vladimir Putin đã dành nhiều năm chống lại trật tự thế giới thời hậu Chiến tranh Lạnh và gửi tín hiệu về ý định mở rộng ảnh hưởng của Nga.

 Các cường quốc phương Tây và đồng minh phản đối cuộc tấn công Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Họ không thể nói rằng cuộc tấn công này không có cảnh báo trước, theo Wall Street Journal.

Mười lăm năm trước, nhà lãnh đạo từng là điệp viên KGB đã cho thấy sự chống đối với vai trò thống lĩnh của Mỹ trong các vấn đề toàn cầu, và coi trật tự an ninh thời hậu Chiến tranh Lạnh là mối đe dọa đối với đất nước của ông.

Trong những năm sau đó, ông đã thể hiện rõ hơn quan điểm của mình qua những diễn biến ở Gruzia, Crimea và vùng Donbas.

Tính toán sai

Tổng thống Putin không ngừng gửi đi tín hiệu cho thấy ý định tăng cường phạm vi ảnh hưởng của Nga và coi việc mở rộng về phía đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là một mối đe dọa hiện hữu đối với an ninh của Moscow. Nhà lãnh đạo Nga thậm chí tỏ rõ rằng ông coi Ukraine là một phần của Nga.

Tòa nhà bị trúng pháo kích tại Kyiv hôm 26/2. Ảnh: AFP.
Tòa nhà bị trúng pháo kích tại Kyiv hôm 26/2. Ảnh: AFP.

 Tuy nhiên, cho đến gần đây, rất ít nhà lãnh đạo phương Tây có thể tưởng tượng rằng ông Putin sẽ thực hiện một cuộc tấn công toàn diện, vì đã tính toán sai quyết tâm sử dụng vũ lực để khôi phục quyền kiểm soát của Nga đối với các quốc gia trong tầm ảnh hưởng.

Các lực lượng Nga đã tiến công bằng đường không và đường bộ để tấn công Kyiv hôm 26 và 25/2, sau khi chiến dịch bắt đầu hôm 24/2. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cho biết nước này sẵn sàng đàm phán, nhưng các mục tiêu của chiến dịch nhằm "phi quân sự hóa" Ukraine vẫn còn.

“Đó là lòng ái kỷ chiến lược và sự thất bại kết hợp đối với việc nắm bắt cảm xúc, hệ tư tưởng và khát vọng thúc đẩy ông Putin và đội Siloviki”, ông HR McMaster, tướng quân đội ba sao đã nghỉ hưu, từng là cố vấn an ninh quốc gia của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận định, trong đó ông đề cập tới Siloviki - nhóm cố vấn thân tín với quan điểm cứng rắn của ông Putin.

Cuộc tấn công Ukraine của Tổng thống Putin đã đẩy phương Tây vào tình thế ngặt nghèo. Họ phải vật lộn tìm cách ngăn chặn bước tiến của Điện Kremlin, đồng thời đối phó với ảnh hưởng của một nhà lãnh đạo Nga không giấu giếm thái độ coi nhẹ phương Tây và sẵn sàng hành động quyết liệt.

Những cái giá phải trả cho việc phương Tây không ngăn chặn được Nga đang trút lên đầu Ukraine, quốc gia đã tồn tại 14 năm trong tình trạng thử thách chiến lược: Được coi là thành viên tiềm năng cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng chưa bao giờ được gia nhập liên minh và có những đảm bảo an ninh của tổ chức này.

Mối quan hệ phức tạp

Về lâu dài, cuộc tấn công Ukraine sẽ phá vỡ mối quan hệ vốn đã nguội lạnh giữa liên minh phương Tây và Moscow.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump coi việc thúc đẩy các nước châu Âu thực hiện cam kết ngân sách cho NATO là ưu tiên lớn hơn đối phó với Kremlin. Ảnh: AFP.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump coi việc thúc đẩy các nước châu Âu thực hiện cam kết ngân sách cho NATO là ưu tiên lớn hơn đối phó với Kremlin. Ảnh: AFP.

 Khi Nga mở chiến dịch can thiệp quân sự vào Gruzia năm 2008, sau khi nước này được hứa hẹn làm thành viên NATO, và công nhận hai vùng ly khai, phương Tây đã phản ứng bằng cách tạm ngừng đối thoại. Rồi quan hệ cũng trở lại như bình thường. Các biện pháp trừng phạt được áp đặt sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 cũng không có tác dụng.

Trong những tháng gần đây, các quan chức cấp cao của Mỹ đã cảnh báo về kế hoạch tấn công của ông Putin. Tuy nhiên, nhiều chính quyền Mỹ đã không nắm bắt đúng suy nghĩ của ông Putin.

Cựu Tổng thống George W. Bush từng nói rằng khi nhìn vào mắt ông Putin, ông thấy sự đáng tin cậy. Cựu Tổng thống Barack Obama đánh giá chưa thỏa đáng về ông Putin trong vụ Nga sáp nhập Crimea năm 2014.

Cựu Tổng thống Donald Trump đã coi các đồng minh châu Âu của Mỹ và sự miễn cưỡng của họ khi chịu thêm gánh nặng chi phí quốc phòng, là vấn đề lớn hơn đối phó với Điện Kremlin. Tổng thống Biden đã tìm cách xây dựng mối quan hệ “ổn định, có thể đoán trước được” với ông Putin, bằng cuộc gặp thượng đỉnh vào tháng 6/2021.

Cuộc tấn công Ukraine đã phơi bày sự tự mãn ở châu Âu, điều khiến quân đội của họ thu hẹp và không giảm bớt được sự phụ thuộc năng lượng vào Nga, bất chấp hành vi ngày càng căng thẳng của Moscow, bao gồm các cuộc tấn công mạng nhằm vào các mục tiêu của phương Tây.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ban đầu đã nghĩ rằng có thể xây dựng “mối quan hệ ổn định và có thể đoán định” với ông Putin. Ảnh: AFP.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ban đầu đã nghĩ rằng có thể xây dựng “mối quan hệ ổn định và có thể đoán định” với ông Putin. Ảnh: AFP.

 Ngay cả khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga, họ vẫn phải chi hàng trăm triệu USD hàng ngày để trả cho khí đốt của Nga.

Đánh giá không đúng

Mỹ và đồng minh đã không dùng đòn bẩy kinh tế và quân sự để ngăn chặn cuộc tấn công Ukraine. Họ cũng không đưa ra nhượng bộ ngoại giao đáng kể, chẳng hạn ngưng mở rộng NATO.

“Phương Tây không đánh giá thấp năng lực quân sự của Nga. Họ đã theo dõi chương trình hiện đại hóa quân sự của Nga kể từ cuộc chiến tranh Gruzia năm 2008, và chứng kiến những kết quả đáng kể trong cuộc can thiệp quân sự vào Syria vào năm 2015”, William Courtney, cựu Đại sứ Mỹ tại Gruzia và Kazakhstan thời chính quyền Bill Clinton cho biết.

"Thế nhưng, phương Tây có thể đã đánh giá không đúng khả năng sẵn sàng sử dụng vũ lực của Điện Kremlin".

Sự hợp tác ban đầu của ông Putin với phương Tây đã thay đổi sau hai thập kỷ cầm quyền. Ông tiếp quản một nước Nga đầy rẫy khó khăn với nền kinh tế chỉ cỡ nước Bỉ. Nay, ông dẫn dắt một chính phủ và nền quân sự được nuôi dưỡng bằng nhiều năm giá năng lượng dâng cao.

Khi ông Putin trở thành tổng thống vào năm 1999, ông đã tạo nên một hình tượng khác với người tiền nhiệm trong mắt phương Tây. Ông giống như một cuốn sách gấp kín.

Cựu Tổng thống George W. Bush từng nói rằng ông nhìn thấu tâm hồn ông Putin. Ảnh: AP.
Cựu Tổng thống George W. Bush từng nói rằng ông nhìn thấu tâm hồn ông Putin. Ảnh: AP.

 Vào thời điểm đó, Nga thuộc nhóm G8 và được NATO tham vấn, dù không thuộc khối này.

Trong những trao đổi đầu tiên với các lãnh đạo phương Tây, ông Putin đã thể hiện sự tôn trọng.

Ông Bush đã tìm cách xây dựng mối quan hệ cá nhân với Putin. Trong cuộc họp đầu tiên của hai nhà lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh ở Slovenia vào tháng 6/2001, ông Bush đã nói: “Tôi nhìn vào mắt người đàn ông ấy và nhận thấy đó là một con người thẳng thắn, đáng tin cậy… Tôi có thể hiểu được tâm hồn của ông ấy. Đó là con người gắn bó sâu sắc với đất nước của mình và theo đuổi những lợi ích tốt nhất cho quốc gia”.

Sau vụ khủng bố chấn động ở Mỹ ngày 11/9/2001, ông Putin là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gọi điện cho ông Bush, để bày tỏ lời chia buồn và hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố.

Ông Putin đã cung cấp thông tin tình báo và hỗ trợ hậu cần cho Mỹ khi nước này đưa quân tới Afghanistan. Michael McFaul, người sau này trở thành cố vấn cho chính quyền Obama, vào thời điểm đó, ca ngợi mối quan hệ này là “một cơ hội nữa để thực sự kết thúc Chiến tranh Lạnh”.

Cựu Tổng thống Barack Obama và ông Putin tại cuộc gặp thượng đỉnh năm 2013. Ảnh: Reuters.
Cựu Tổng thống Barack Obama và ông Putin tại cuộc gặp thượng đỉnh năm 2013. Ảnh: Reuters.

 Thomas Graham, quan chức cấp cao của Hội đồng An ninh Quốc gia phụ trách các vấn đề về Nga trong chính quyền Bush, nói rằng cuộc tấn công Iraq do Mỹ dẫn đầu là sự kiện đầu tiên trong số những vấn đề mà ông Putin lẽ ra đã phản đối, nếu Nga nắm giữ ảnh hưởng lớn hơn.

“Ông Putin không tin vào những điều này nhưng cũng không thấy nhiều lý do để phản đối, bởi dù sao phương Tây cũng sẽ thực hiện”, ông Graham. “Ông ấy nói với mọi người rằng ông sẽ không phản đối công khai, vì điều đó không mang lại điều gì”.

Sự nghi ngờ của ông Putin với phương Tây bắt đầu rõ rệt hơn với những cuộc cách mạng màu năm 2004, và sau đó là Mùa xuân Arab.

NATO trong khi đó tiếp tục mở rộng sang các nước Đông Âu, nằm trong Hiệp ước Warsaw vào năm 1999. Và lần kế tiếp là vào năm 2004, khi liên minh này được mở rộng để bao trùm ba quốc gia Baltic từng là một phần của Liên Xô cũ. Mỹ và các đồng minh coi việc mở rộng là một cách để khuyến khích cải cách ở các nền dân chủ mới nổi. Các thành viên mới của NATO tìm cách vào chiếc ô an ninh của Mỹ.

Sự giận dữ của ông Putin đối với việc NATO tìm cách mở rộng quy mô thể hiện rõ ràng trong bài phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich thường niên năm 2007, nơi ông khiến mọi người ngạc nhiên khi chống lại thế giới đơn cực do Mỹ thống lĩnh. Tại đây, ông bày tỏ sự bất bình trước sự mở rộng của NATO, cáo buộc phương Tây thất hứa về việc NATO sẽ không dịch chuyển về phía đông. Ông chỉ rõ việc NATO mở rộng là một mối đe dọa đối với Nga.

Sự mở rộng đó “là hành động khiêu khích nghiêm trọng, làm sụt giảm mức độ tin cậy lẫn nhau. Và chúng tôi có quyền hỏi: Việc mở rộng này nhằm chống lại ai?”, ông Putin nói trong bài phát biểu.

Căng thẳng gia tăng thêm một năm sau đó. Ông Putin đã được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO ở Bucharest, nơi các nhà lãnh đạo thảo luận về lộ trình gia nhập liên minh cho Gruzia và Ukraine. Trong khi ông Bush muốn các nước được kết nạp trong thời gian ngắn, Pháp và Đức phản đối động thái này.

Cuối cùng, các nhà lãnh đạo thỏa hiệp, cho phép Gruzia và Ukraine được gia nhập NATO nhưng không xác định thời điểm.

Kết quả đều tai hại với cả hai. Những người theo đường lối cứng rắn ở Moscow xác định họ là đối thủ tiềm tàng trong tương lai, nhưng thực tế cả hai nước đều chưa có sự đảm bảo an ninh từ NATO.

“Kề cổ họ là ‘hơi nóng’ của Nga, nhưng họ chưa phải là thành viên NATO”, Jamie Shea, một quan chức cấp cao của NATO, cho biết vào thời điểm đó.

Trong khi đó - theo tường thuật của các quan chức phương Tây - ở Bucharest, tại cuộc họp với ông Bush, ông Putin đã nói rằng Ukraine không phải một quốc gia thực sự.

Vào tháng 8 năm đó, Nga đã đưa quân vào Gruzia. Các chuyên gia phương Tây nói rằng Nga đã rút ra những bài học quân sự từ sự kiện này và nâng cấp thiết bị, chuyển hướng sang quân đội chuyên nghiệp, thay vì lính nghĩa vụ.

Khi đến thăm Nga vào năm 2009, ông Obama đã gặp ông Putin tại căn nhà gỗ của nhà lãnh đạo Nga. Theo hồi ký của cựu tổng thống Mỹ, ở đó, ông Putin đã nói rất dài và sôi nổi về cảm nhận của bản thân về những hành động của Mỹ, trong đó có việc mở rộng NATO và đưa quân vào Iraq.

Sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014, ông Obama gọi diễn biến này là hành động của một "cường quốc khu vực”. Năm sau đó, khi Nga đưa lực lượng vào Syria, các quan chức Mỹ cũng hạ thấp tầm quan trọng của diễn biến này.

Các tổng thống kế nhiệm của Mỹ đã tìm cách giữ khả năng hợp tác giữa những khác biệt. Nhìn nhận lại quá trình đó, ông Shea cho rằng phương Tây lẽ ra phải hành động sớm hơn và kiên quyết hơn.

“Theo quan điểm của tôi, chúng ta lẽ ra nên áp đặt các lệnh trừng phạt hôm nay với Nga từ năm 2008 hoặc 2014, vì khi đó Putin có thể nhận được thông điệp rằng phương Tây sẽ phản ứng mạnh mẽ”, ông Shea nói.

Vài ngày trước khi Nga mở chiến dịch đặc biệt vào Ukraine, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nói rằng thái độ của phương Tây đối với Nga giống như những sai lầm trong thế kỷ XX. Ông chỉ trích các quốc gia phương Tây vì đã không áp đặt các biện pháp trừng phạt sớm hơn.

"Quý vị còn chờ gì nữa?", ông nói. "Chúng tôi không cần các biện pháp trừng phạt sau khi cuộc tấn công đã diễn ra”.

Phương Linh

theo Zing News

Giá dầu có thể chạm mốc 170 USD?

Giá dầu có thể chạm mốc 170 USD?

Giá năng lượng đã tăng vọt trong những tháng gần đây vì nhiều yếu tố, bao gồm đại dịch Covid-19, nguồn cung hạn chế và căng thẳng Nga - Ukraine leo thang.