Quay cuồng vì không khí độc hại, thủ đô Ấn Độ đóng cửa trường học kéo dài

Thủ đô New Delhi của Ấn Độ đã đóng cửa tất cả các trường học trong thời gian dài vào thứ Tư (8/11), biện pháp mới nhất trong một loạt các biện pháp nhằm bảo vệ cư dân khỏi tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng.

Mức chất lượng không khí trong thành phố là trên 320 theo chỉ số chất lượng không khí, mức độ được tập đoàn IQAir của Thụy Sĩ phân loại là nguy hiểm, dù đã thấp hơn mức 400 đạt được vào đầu tuần này.

Chính quyền Delhi cho biết trong một thông báo rằng các trường học ở thủ đô sẽ đóng cửa từ thứ Năm cho đến ngày 18/11 trong kỳ nghỉ đông. Các trường tiểu học trong thành phố đã đóng cửa như một phần của biện pháp bảo vệ trẻ nhỏ trước khói bụi và ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng.

Thành phố ô nhiễm nhất thế giới với dân số hơn 20 triệu người đã ngừng các hoạt động xây dựng và áp đặt hạn chế sử dụng phương tiện từ tuần tới.

Quay cuồng vì không khí độc hại, thủ đô Ấn Độ đóng cửa trường học kéo dài - Ảnh 1.

Người và phương tiện di chuyển trên đường giữa sương mù buổi sáng ở New Delhi, Ấn Độ, hôm thứ Tư. Ảnh: Reuters

Nông dân ở Punjab và Haryana thường đốt rơm rạ còn sót lại sau khi thu hoạch lúa vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11 để nhanh chóng dọn sạch ruộng trước khi trồng lúa mì.

Theo cơ quan giám sát chất lượng không khí SAFAR của chính phủ liên bang, hoạt động này đã được thực hiện trong nhiều năm và lượng khói thải ra thường chiếm từ 30% - 40% ô nhiễm ở Delhi.

Các quan chức đang giải quyết tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng bằng cách hạn chế xe tải vào thành phố và cấm xe chạy bằng động cơ diesel. Họ cũng đã đình chỉ công việc trên tất cả các công trường xây dựng, trong khi một nửa số nhân viên chính phủ được yêu cầu làm việc tại nhà.

Từ thứ Hai tới, số lượng ô tô sẽ bị hạn chế như một phần của kế hoạch "chẵn lẻ", theo đó ô tô có biển số lẻ sẽ được phép lưu thông trên đường vào ngày lẻ và biển số chẵn sẽ được phép đi trên đường vào ngày chẵn trong tuần. 

Quay cuồng vì không khí độc hại, thủ đô Ấn Độ đóng cửa trường học kéo dài - Ảnh 2.

Khói bốc lên từ gốc rạ cháy trên cánh đồng trồng trọt ở một ngôi làng thuộc quận Karnal, bang Haryana, phía bắc Ấn Độ vào ngày 4/11/2023. Ảnh: Reuters

Kiến trúc sư Nina Kapoor, 32 tuổi, đang mang thai 8 tháng, cho biết cô không có bất kỳ cơ hội nào để bảo vệ đứa con trai 6 tuổi và đứa con chưa chào đời của mình. 

"Tôi đã dán băng dính lên tất cả các cửa sổ để dán kín các phòng và không cho con trai tôi chơi đùa chút nào. Việc đóng cửa trường học trong thời gian dài không tích cực cho việc học của trẻ nhỏ. Nhưng nếu đi học, lá phổi nhỏ bé của những đứa trẻ sẽ chống chọi thế nào với không khí độc hại như vậy?", Kapoor nghẹn ngào chia sẻ. 

Quay cuồng vì không khí độc hại, thủ đô Ấn Độ đóng cửa trường học kéo dài - Ảnh 3.

Một giáo viên tiến hành các lớp học trực tuyến trong lớp học trống sau khi các trường tiểu học bị chính quyền Delhi ra lệnh đóng cửa. Ảnh: CNA

Bác sĩ phụ khoa Anita Nayyar cảm thấy bối rối khi gặp bệnh nhân của mình. "Một số bệnh nhân của tôi đang băn khoăn liệu họ có nên rời khỏi thành phố hay không vì tình hình thực sự tồi tệ. Họ hỏi tôi làm cách nào để bảo vệ con mình và tất cả những gì tôi có thể nói là mua máy lọc không khí và bịt kín cửa sổ mà thôi", cô nói.

Quay cuồng vì không khí độc hại, thủ đô Ấn Độ đóng cửa trường học kéo dài - Ảnh 4.

Một phần của New Delhi bị bao phủ bởi sương mù dày đặc. Ảnh: CNA

Quay cuồng vì không khí độc hại, thủ đô Ấn Độ đóng cửa trường học kéo dài - Ảnh 5.

Những người đi bộ giữa sương mù buổi sáng ở New Delhi, Ấn Độ, hôm thứ Tư. Ảnh: Reuters

Ở Delhi, người dân hiểu rằng nguyên nhân gây ô nhiễm rất phức tạp. Ngoài việc đốt cây trồng, chúng còn bao gồm bụi xây dựng, khí thải xe cộ, các nhà máy nhiệt điện không tuân thủ quy định về khí thải và đốt rác thải đô thị.

Nhưng họ thất vọng vì chính quyền Delhi đã không tìm được giải pháp lâu dài. 

Giáo viên đã nghỉ hưu Arvind Gill cho biết: "Tôi từng yêu thích mùa đông. Đó là thời điểm đẹp nhất trong năm khi mặt trời dịu nhẹ và bạn có thể ngồi ngoài trời, nhưng giờ đây mọi người đều bị nhốt trong nhà. Và đó, bạn nhớ nhé, là người giàu. Người nghèo không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải ra ngoài kiếm sống hàng ngày", anh nói.

(Nguồn: CNA)

TÚC