Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - mã chứng khoán: SAB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 với doanh thu thuần đạt 34.979 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ.
Xem xét kỹ hơn về cơ cấu, năm 2022, công ty này thu về 30.600 tỷ đồng từ bán bia, chiếm 86,8% tổng doanh thu. Tỷ trọng này giảm nhẹ so với mức 87,4% của năm 2021. Như vậy mỗi ngày Sabeco bán bia thu về khoảng 83,8 tỷ đồng.
Về mặt chi phí, giá vốn hàng bán của Sabeco trong năm 2022 là 24.208 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2021. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp của doanh nghiệp này trong năm vừa qua cũng có mức tăng như giá vốn hàng bán, tương ứng 29% và 24%.
Đáng chú ý nhất là chi phí tài chính của ông lớn này trong năm vừa qua ở mức 82 tỷ đồng, gấp 3,6 lần cùng kỳ. Nguyên nhân là lãi vay dù giảm nhẹ 7% nhưng lỗ chênh lệch tỷ giá trong năm 2022 cán mốc 36 tỷ đồng, gấp 4,9 lần so với năm trước đó.
Sau khi trừ đi các chi phí, lợi nhuận sau thuế đạt gần 5.500 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2021, cũng là năm Sabeco đạt lợi nhuận cao nhất từ năm 2013. Tính trung bình, mỗi ngày ông lớn ngày bia lãi tới 15 tỷ đồng.
Ông lớn ngành bia cho biết trong năm 2022, kết quả kinh doanh đã được cải thiện và cao hơn năm ngoái khi cả nước đã thoát khỏi tình trạng ngừng hoạt động. Nhiều chương trình hỗ trợ bán hàng cũng như các chương trình tiếp thị cũng giúp thúc đẩy các hoạt động bán hàng cho các nhãn hàng. Ngoài ra doanh nghiệp cũng nâng cao hiệu quả sản xuất và thực hiện các biện pháp tiết kiệm chi phí, giúp giảm thiểu tác động của chi phí đầu vào cao hơn.
Trong báo cáo mới nhất, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) lý giải 2 nguyên nhân khiến doanh thu của đại gia ngành bia tăng mạnh. Thứ nhất là sản lượng bia tăng 20% do mức nền thấp của cùng kỳ (đặc biệt là kênh tiêu dùng trực tiếp gồm nhà hàng, quán ăn,…) và chiến lược khai thác tập khách hàng trẻ nhiều tiềm năng, theo Dân trí.
Thứ hai là giá bia ước tính bình quân tăng 9% so với cùng kỳ nhờ tăng tỷ trọng đóng góp của các sản phẩm cận cao cấp và hai đợt tăng giá bán một vài sản phẩm trong tháng 6 và tháng 12/2022.
Tuy nhiên, bên này cũng đề cập đến việc Sabeco có thể đối mặt như việc mất thị phần do áp lực cạnh tranh. Năm 2019 ông lớn này chiếm 40% thị phần ngành bia tuy nhiên trong 3 năm gần đây đã giảm về mức 34-35%. Ngoài ra, biến động giá nguyên vật liệu cũng ảnh hưởng đến biên lợi nhuận.
Bên cạnh đó việc thắt chặt các quy định quản lý đối với ngành bia như quy định chặt chẽ đối với hoạt động quảng cáo, tiếp thị; xử phạt nặng đối với các hành động uống rượu bia điều khiển phương tiện giao thông và các loại thuế cũng là rủi ro với doanh nghiệp.
Bên cạnh kết quả kinh doanh tăng trưởng, dòng tiền kinh doanh của Sabeco tiếp tục cải thiện. Trong đó, năm 2022, dòng tiền kinh doanh chính ghi nhận dương 4.378,5 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 3.517,9 tỷ đồng, tăng 860,6 tỷ đồng so với cùng kỳ. Ngoài ra, trong năm dòng tiền đầu tư ghi nhận âm 1.867,8 tỷ đồng và dòng tiền tài chính ghi nhận âm 2.047,7 tỷ đồng, chủ yếu do đã thực hiện trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông, theo Tinnhanhchungkhoan.vn.
Tính tới 31/12/2022, tổng tài sản của Sabeco tăng 13% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 3.978,1 tỷ đồng, lên 34.465,1 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 23.481 tỷ đồng, chiếm 68,1% tổng tài sản; tài sản cố định ghi nhận 4.455 tỷ đồng, chiếm 12,9% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Điểm đáng chú ý, tính tới cuối năm 2022, tiền và đầu tư tài chính của Sabeco đã tăng 14% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 2.883,3 tỷ đồng, lên 23.481 tỷ đồng và chiếm 68,1% tổng tài sản. Trong đó, chủ yếu có tới 19.411,5 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng kỳ hạn ngắn.
Ở một diễn biến đáng chú ý khác, ngày 27/3 vừa qua, Sabeco đã chốt danh sách cổ đông tham gia Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, đại hội dự kiến tổ chức ngày 27/4.
(Tổng hợp)