"Săn" hàng Black Friday: Bài 3 - Để không sập bẫy lừa

“Mua gì cũng chỉ 1.000 đồng”, “Sale sập sàn”, “Mua 1 tặng 3”… hút chị em vào cuộc mua sắm tưng bừng dịp cuối năm trong tâm trạng đầy phấn khích.

Black Friday đang khiến cả thế giới chộn rộn mua sắm, người người háo hức mong săn được được nhiều món hàng chất lượng với giá hời. Lúc này đây, sẽ rất ít phụ nữ đặt câu hỏi liệu sản phẩm đó mình (hoặc người sẽ được tặng) có thực sự cần?!

Kỳ thực, sale thì một năm có cả… chục mùa, nên nếu thực sự có nhu cầu sắm món gì đấy, hãy yên tâm là bạn luôn có cơ hội được sale chứ chẳng cần phải hì hục với Black Friday - khái niệm được các nhà bán hàng hiện đại dùng để thúc đẩy doanh số, giải phóng hàng tồn.

“Dưa bở” ở khắp nơi

Khi nói đến hàng hóa chất lượng, người Việt thường thích hàng Mỹ, Nhật, Đức... Vào dịp Black Friday, các trang thương mại điện tử, những nơi mua sắm tại các quốc gia này đều giảm giá kịch liệt. Tuy nhiên, sự giảm giá có đúng như vậy không?

Đúng là có giảm giá nhưng bạn sẽ thấy rằng không phải hàng hoá nào cũng giảm 50% - 70%. Rất nhiều món hàng hot, sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng chẳng bao giờ giảm giá. Nếu nhìn vô trang mua sắm Macys nổi tiếng của Mỹ, bạn sẽ thấy website này tung ra nhiều sản phẩm đặc biệt với giá rẻ cho dịp này. Còn với các sản phẩm khác, mức giá có giảm nhưng không đáng như bạn mong chờ.

Vậy bạn có nên mua? Nếu bạn biết cách mua sắm sao cho có lợi, hãy "săn sale". Tức là bạn có người mua hộ, nhận hộ ở Mỹ, có phương án chuyển hàng về Việt Nam với mức phí chấp nhận được, bạn hãy mua. Bởi chuyện mua hàng từ các website nước ngoài chưa bao giờ là đơn giản nếu bạn không thông thạo cách thức và đường đi nước bước. Việc đóng thuế cho nước sở tại, chi phí vận chuyển, đóng thuế cho hải quan tại Việt Nam... đôi khi còn khiến sản phẩm có mức giá cao hơn hẳn mua tại Việt Nam. Cái bạn "được" chỉ là biết đúng xuất xứ hàng hoá mà thôi. Vì vậy, hãy cân nhắc trước khi "nhấp chuột" rồi "check out" dịp Black Friday.

Tại Việt Nam, những năm gần đây, các trung tâm mua sắm, các website thương mại điện tử cũng vô cùng náo nhiệt cho ngày Black Friday. Dù vậy, công thức chung là hàng tốt, hàng hot, giá giảm sâu thì chẳng bao giờ có.

Các sản phẩm giảm giá trên 50% luôn là các sản phẩm bình thường, gần hết hạn, lạc xu hướng... Chẳng hạn như một website bán đồ trang trí nội thất quảng cáo bằng cách gửi tin nhắn Facebook về chương trình giảm giá lên đến 50%, nhưng các sản phẩm đẹp thì chỉ giảm từ 5% đến 10%.

Chưa kể, trên các trang thương mại điện tử, tình trạng giá nâng lên để hạ xuống gọi là khuyến mại diễn ra rất phổ biến. Tuy đây không hẳn là lừa đảo và không gây thiệt hại về kinh tế cho người mua, nó cũng không phải là một cách bán hàng thật thà. Dù là mùa giảm giá, hãy luôn khảo giá một vòng quanh các site uy tín trước khi đặt mua một sản phẩm nào. Bởi vì xưa nay chỉ có người mua lầm chớ người bán nào có lầm bao giờ.

Ngoài ra, tráo hàng cũng là một hình thức khá phổ biến bằng cách đưa ra mức giá hấp dẫn cho một sản phẩm nào đó rồi thông báo hết hàng. Sau đó, cửa hàng sẽ liên hệ với khách hàng để xin lỗi và đưa ra một sản phẩm mà họ cho rằng ngon bổ rẻ hơn sản phẩm khách hàng đặt mua. Do đó, người dùng nên thận trọng với những lời chào mời này để tránh mua phải hàng kém chất lượng.

Nguy cơ mất an toàn thông tin

Trước “cơn sốt” mua sắm hàng giảm giá Black Friday, các chuyên gia an ninh mạng liên tục lên tiếng cảnh báo khách hàng đang có ý muốn săn hàng giá rẻ.

Hàng trăm ứng dụng và trang web giả mạo đang rình rập đánh cắp dữ liệu và thông tin tài khoản tín dụng của khách hàng mùa mua sắm Black Friday. Kẻ gian sẽ tạo những ứng dụng và trang web có tên giống tên các thương hiệu thật và chúng sẽ yêu cầu khách hàng tải một số ứng dụng về để có thể đăng ký nhận chương trình khuyến mại. Khách hàng nếu không cẩn thận sẽ dính bẫy mã độc xâm nhập vào thiết bị điện tử của mình.

Điểm bất lợi với những khách hàng trực tuyến là họ khó thấy những dòng địa chỉ cụ thể URL và vì thế họ thường quên kiểm chứng, và dễ dàng mắc bẫy. Với những trang mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, trước khi quyết định mua hàng, khách hàng hãy cẩn thận kiểm tra xem có dấu chứng nhận xanh do Facebook xác nhận hay không.

Ngoài ra, khách hàng cũng phải hết sức cẩn trọng khi được yêu cầu tải ứng dụng vì sẽ bị yêu cầu cung cấp thông tin thẻ tín dụng. Không nên bấm vào những đường link trong mail và cũng không cung cấp thông tin cá nhân của mình qua những kết nối như thế. Một khi các hacker có dữ liệu của thẻ tín dụng, mã PIN hoặc mật khẩu, tài khoản ngân hàng của người dùng sẽ nhanh chóng rơi vào tầm ngắm.

Theo khuyến cáo của chuyên gia, người dùng nên có riêng thẻ tín dụng chỉ dành cho việc mua sắm và đừng bỏ quá nhiều tiền vào. Nếu có rủi ro xảy ra thì khách hàng cũng không mất quá nhiều tiền hoặc không ảnh hưởng đến các hoạt động giao dịch khác ngoài mua sắm trực tuyến.

Những điều cần lưu ý khi mua hàng sale 

Chú ý đến những con số khuyến mại: Như đã nói ở trên, để biết khuyến mãi thật hay không, cần so sánh giá của cửa hàng đó với giá cửa hàng khác. Bạn nên dành thời gian kiểm tra trên một số trang web so sánh giá để biết mình thực sự có được lợi hay không. 

Lựa chọn hình thức thanh toán trả sau khi mua hàng online: Mua hàng online rất dễ gặp phải tình trạng hàng giao không đúng chất lượng như quảng cáo, chính vì thế, hãy kiểm tra hàng thật kỹ trước khi thanh toán.

Khảo sát uy tín của cửa hàng dự định mua hàng: Bạn có thể khảo sát sự uy tín của cửa hàng bằng cách xem đánh giá của người mua cũ. Hoặc bạn cũng có thể tham gia group chia sẻ kinh nghiệm mua hàng trên facebook và nhờ cộng đồng người mua lớn tư vấn cho bạn về sản phẩm cũng như giá cả hợp lý cho sản phẩm đó.

Có một kế hoạch chi tiết trước khi mua sắm: Cuối năm là thời điểm cơn bão sale đổ bộ, các cửa hàng sẽ lần lượt sale liên tục, chính vì thế nếu không có kế hoạch chi tiết món đồ cần mua bạn sẽ rất dễ cháy túi và rơi vào chương trình khuyến mãi ảo mà cửa hàng đặt ra.

Bài 4: Những chương trình giảm giá hấp dẫn tại Việt Nam dành cho chị em

KIM THOA

'Săn' hàng Black Friday: Bài 2 - Tự mua hàng trên Amazon hay nhờ dịch vụ mua hộ?

"Săn" hàng Black Friday: Bài 2 - Tự mua hàng trên Amazon hay nhờ dịch vụ mua hộ?

Không chỉ hoạt động ở Mỹ, Amazon còn bán và chuyển hàng quốc tế trên hơn 75 quốc gia khác nhau. Bạn gần như có thể tìm mọi thứ trên Amazon.