Tính từ 18h ngày 21/2 đến 6h ngày 22/2, nước ta tạm thời chưa ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19.
Đến thời điểm này, nước ta còn 120.827 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly). Trong đó có 588 người cách ly tập trung tại bệnh viện; 12.984 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 107.255 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong số các bệnh nhân đang điều trị tại cơ sở y tế, có 69 trường hợp đã âm tính lần 1 với SARS-CoV-2; có 39 người âm tính lần 2 và 55 người âm tính lần 3. Có 1.717 bệnh nhân COVID-19 đã được điều trị khỏi bệnh.
Hải Dương vẫn ghi nhận ca mắc COVID-19 hàng ngày. Cùng với Bệnh viện dã chiến số 1 và số 2, Bệnh viện dã chiến số 3 ở Hải Dương đã sẵn sàng đón bệnh nhân COVID-19 để điều trị. Bệnh viện này có tổng số 239 giường bệnh.
Ngành y tế tỉnh Hải Dương đã huy động 116 cán bộ của các cơ sở y tế công lập trên địa bàn đến nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến số 3.
Nhằm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 và đảm bảo chất lượng sức khỏe cho thanh niên nhập ngũ, UBND tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo xét nghiệm COVID-19 miễn phí cho thanh niên nhập ngũ năm 2021 (kể cả số dự phòng).
Thế giới gần 112 triệu ca bệnh; Nhiều nước khởi động tiêm vaccine
Theo trang worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 291.000 ca bệnh COVID-19 và trên 5.700 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã gần 112 triệu ca, trong đó trên 2,47 triệu ca tử vong.
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 48.000 ca), Brazil (29.026 ca) và Pháp (22.046 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (1.113 ca), Mexico (832 ca) và Brazil (498 ca).
Trong bối cảnh các nước đẩy mạnh tiêm vaccine COVID-19, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) Kirill Dmitriev cho biết Moskva nhận thấy sự ủng hộ của Áo, Đức, Pháp, và Italy đối với vaccine Sputnik V do nước này phát triển.
Phát biểu trên đài truyền hình Ö1 của Áo, ông Dmitriev nói: “Chúng tôi nhận thấy sự ủng hộ của Áo, Đức, Pháp, Italy. Các chính trị gia ở những nước này nói rằng mọi người nên có quyền lựa chọn vaccine... Mọi người đều đang cố gắng tìm kiếm một loại yếu tố chính trị nào đó liên quan vấn đề vaccine, song đơn giản nó không tồn tại”.
Bên cạnh đó, ông Dmitriev cũng khẳng định rằng Nga đang đàm phán với một số công ty Áo để sản xuất Sputnik V.
Ông nói: “Áo có một số công ty tốt nhất trên thế giới về sản xuất dược phẩm. Chúng tôi đang đàm phán với một số công ty Áo. Chúng tôi muốn có quan hệ đối tác với Áo để sản xuất và xuất khẩu vaccine từ Áo sang các nước khác”.
Tuy nhiên, ông Dmitriev không tiết lộ tên các doanh nghiệp Áo đang tham gia đàm phán.
Nga đã cấp phép sử dụng Sputnik V hồi tháng 8/2020 và giai đoạn thử nghiệm sau cùng bắt đầu vào tháng 9.
Đến tháng 12, Nga triển khai chương trình tiêm chủng sử dụng vaccine Sputnik V trên diện rộng sau khi kết quả các cuộc thử nghiệm sơ bộ cho thấy vaccine này đạt hiệu quả tới 91,4%.
Tính đến nay, hơn 2 triệu người Nga đã được tiêm chủng ít nhất mũi đầu của vaccine Sputnik V.
(Tổng hợp)