Theo một báo cáo gần đây của Ủy ban châu Âu, Hà Lan và Áo là hai nước có chương trình quản lý chất thải tốt nhất châu Âu, xếp trên Đan Mạch, Đức, Thụy Điển và Bỉ; đều có hệ thống thu gom chất thải toàn diện, chôn lấp dưới 5% chất thải, có hệ thống tái chế tốt, xử lý và hoạt động hiệu quả với chất thải phân hủy sinh học. Thực thi nghiêm túc quy định về chất thải, EU sẽ tiết kiệm 72 tỷ euro/năm, tăng doanh thu hàng năm của ngành quản lý và tái chế chất thải lên 42 tỷ euro và tạo ra hơn 400.000 việc làm vào năm 2020.
Để có thứ hạng cao, Hà Lan thực hiện hệ thống phân cấp quản lý chất thải, có các chính sách và quy định nghiêm ngặt từ phía chính quyền và ý thức cũng như sự tuân thủ của người dân. Nhựa phế thải đã có một “cuộc sống” mới ở PET Pavillion - một công trình độc đáo được dựng ở công viên Enschede - được sử dụng để tổ chức các sự kiện, từ các cuộc hội đàm đến các phòng trưng bày, phục vụ cho hoạt động liên quan đến tái chế nhựa và xây dựng bền vững.
Tòa nhà rộng 227 m2, với phần khung bằng thép; tường, sàn và trần nhà trong suốt, có thể dễ dàng tháo dỡ trong 1 ngày. Hơn 40.000 chai nhựa đã được xếp giữa 2 tấm hình sóng trong suốt tạo thành một tấm rèm bằng chai lọ, biến ngôi nhà thành một “ngọn đèn pha lê” vào ban đêm. Một cầu thang và một đoạn đường nối được làm từ 25.000 nắp chai; một bức tường ngăn cách làm từ 8.000 chai sữa tắm…, nhắc nhở mọi người đến nhựa và chất thải nhựa.
Tòa nhà làm bằng nhựa thải phục vụ cho các hoạt động liên quan đến tái chế nhựa và xây dựng bền vững; Ảnh: archdaily.com |
Nhiều người chưa biết rằng tại Hà Lan, người ta đang biến các mảnh nhựa thành một không gian độc đáo - một công viên nổi ở Rotterdam, đã ra mắt vào 8/2018. Được làm hoàn toàn bằng nhựa tái chế thu thập từ dòng sông Maas, công viên nổi giúp làm sạch dòng sông, ngăn chặn nhựa từ thành phố trôi ra biển. Quỹ đảo tái chế và 25 đối tác đã đặt bẫy dọc theo sông để thu gom rác thải nhựa sau đó biến nó thành 28 khối lục giác tạo nên công viên có một không hai này.
Đó là một cấu trúc xanh nổi, được xây dựng từ các mô-đun hình lục giác làm từ nhựa tái chế, có thể tiếp tục mở rộng khi vật liệu mới được thu gom. Công viên nổi góp phần phủ xanh thành phố và cải thiện hệ sinh thái cảng Rotterdam. Nó không chỉ nhằm mục đích giảm ô nhiễm nhựa mà còn được thiết kế như một môi trường sống hoang dã cho các loài động vật siêu nhỏ như ốc sên, giun dẹp, ấu trùng, bọ cánh cứng và cá. Công viên - nơi chim đang làm tổ, cá đang bơi là nơi mọi người có thể tận hưởng khoảnh khắc thư giãn trên mặt nước.
Công viên nổi làm từ các mô-đun nhựa tái chế hình lục giác; Ảnh: Hương Giang |
Không chỉ nổi tiếng với công viên tái chế, Hà Lan còn được biết đến với công nghệ làm đường bằng vật liệu tái chế. Người ta ước tính, ngành giao thông vận tải thải ra 23% lượng khí nhà kính toàn cầu. Trái đất có khoảng 24,8 triệu dặm đường, và hàng trăm triệu thùng dầu đã được sử dụng để xây dựng những con đường này. Đường asphalt tạo ra 1,6 tỷ tấn khí CO2 mỗi năm trên toàn cầu, chiếm 2% tổng khí thải CO2 do việc lưu thông bằng đường bộ gây ra. Tại Hà Lan, lượng khí thải này vào khoảng 1,6 triệu tấn.
Zwolle - một trong những “thành phố xanh nhất” của nước này đã cho xây dựng làn đường dành cho xe đạp đầu tiên trên thế giới được làm từ nhựa thải. Được đặt tên là “Plastic Road”, con đường xe đạp là kết quả của sự hợp tác giữa công ty Wavin - một công ty phát triển công nghệ, công ty ống nhựa Mexichem, KWS và Tổng công ty năng lượng. Người ta tận dụng phế liệu từ chai nhựa cũ, ly bia lễ hội, bao bì mỹ phẩm và đồ nội thất bằng nhựa để tạo ra vật liệu.
Mô hình đường làm từ nhựa tái chế; Ảnh: CilcoVivo |
Các chuyên gia đang đánh giá con đường thử nghiệm để tinh chỉnh công nghệ và nghiên cứu thêm những ứng dụng khác như bãi đỗ xe, sân ga, vỉa hè… Họ cũng sẽ khảo sát liệu nhựa tái chế đơn thuần có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng không, trong trường hợp nhựa không đủ cứng, sẽ cân nhắc việc bổ sung thêm các vật liệu khác như cát hoặc đá nghiền vào bề mặt đường. Con đường thứ hai sử dụng nhựa tái chế đã được xây dựng tại tỉnh Overijssel và đưa vào sử dụng từ tháng 11/2018.
Màu của Hà Lan là màu cam, nhưng rất nhiều thứ được người Hà Lan sơn màu xanh lá cây, từ các dự án năng lượng tái tạo đến các sáng kiến chống lãng phí thực phẩm... Chú trọng đến những tác động về mặt xã hội và môi trường theo hướng thiết kế bền vững, góp phần xây dựng một môi trường xanh và sạch hơn, phù hợp với mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua việc sử dụng nhựa phế liệu để sản xuất ra những sản phẩm có thể tái chế 100% là phương châm đáng trân trọng của người Hà Lan.
Không khí ô nhiễm, Tổng cục Môi trường khuyên người Hà Nội hạn chế ra ngoài
Những ngày tới, chất lượng không khí vẫn duy trì ở mức kém.