Thiết bị đốt lò áp lực không khói: sáng chế độc đáo giúp tái sử dụng dầu thải công nghiệp

Tận dụng nguồn dầu thải, nhớt thải công nghiệp, biến chúng thành nhiệt năng để sử dụng trong quá trình đốt lò, sấy nông sản, chưng cất tinh dầu… là một sáng chế độc đáo của ông Huỳnh Tấn Kiệt (1955) tại WHISE 2019.

Khi đưa sản phẩm tới trưng bày, giới thiệu tại Tuần lễ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM 2019 (WHISE 2019), Ông Kiệt cũng khuyến khích các đơn vị có chất thải dầu nhớt cần xử lý thì liên hệ hợp tác với ông, để tránh việc xả thải ra môi trường gây ô nhiễm như vụ việc đổ trộm dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước Sông Đà vừa qua.

Ông Huỳnh Tấn Kiệt đang giới thiệu về sản phẩm tại Tuần lễ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM 2019 (WHISE 2019)
Ông Huỳnh Tấn Kiệt đang giới thiệu về sản phẩm tại Tuần lễ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM 2019 (WHISE 2019)

Sử dụng các nhiên liệu hóa thạch để tạo năng lượng, nguy cơ ô nhiễm khói bụi và khí thải cao, không chỉ tác động xấu tới môi trường mà còn gây ra nhiều bệnh nghề nghiệp cho công nhân. Khi mắc căn bệnh phổi một bệnh nghề nghiệp thường xảy ra đối với người làm cơ khí, ông trăn trở làm sao để giảm khói, giảm khí thải độc hại, giảm nguy cơ mắc bệnh cho người công nhân?

Ông Kiệt nhận thấy có một lượng rất lớn khoảng 400 tấn/năm thải ra môi trường là dầu thải (chất thải nguy hại) làm ô nhiễm môi trường có thể tận dụng làm chất đốt được. Với kiến thức và 30 năm kinh nghiệm trong ngành Cơ khí – Luyện kim ông mày mò nghiên cứu, và chế tạo thành công hệ thống lò đốt để nung, sấy không phát tán khói và khí thải, không gây ô nhiễm môi trưởng sau 4 năm.

Ưu điểm nổi trội của thiết bị lò đốt này sử dụng dầu thải của ô tô, xe máy làm nhiên liệu với hiệu suất cao. Chỉ cần 1 lít dầu thải để đốt lò nung, sấy trong vòng 1 giờ đồng hồ với mức nhiệt có thể lên tới 1.000 độ C.

Điểm khác biệt của thiết bị này là dùng gió áp lực cao hay gió Turbo thay cho gió cánh quạt. Phân tán dầu đốt 02 cấp (2 lần) theo cấp số nhân thay cho phân tán dầu chỉ có 01 cấp. Do đó, không chỉ đốt được dầu DO mà còn đốt được cả dầu thải mà các thiết bị khác không đốt được.

Thiết bị đốt lò áp lực không khói được trưng bày tại WHISE 2019.
Thiết bị đốt lò áp lực không khói được trưng bày tại WHISE 2019.

Như vậy, thay vì đổ bỏ dầu thải ra môi trường tự nhiên hoặc tái chế thủ công phát sinh ra nhiều khói, bụi – dầu thải, nhớt thải đã có thể được sử dụng một cách hữu ích hơn khi trở thành nhiên liệu vận hành thiết bị đốt không khói, ứng dụng trong ngành nấu nhôm, sấy và tiệt trùng nông sản sau thu hoạch…

Hiện thiết bị đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) chấp nhận đơn đăng ký sáng chế. Sắp tới, ông Kiệt mong muốn giới thiệu sản phẩm tới các lò sản xuất đậu phụ (đậu hũ) trong nội thành, thay thế cho các lò đốt củi truyền thống, nhiều khói bụi nhất là mùa mưa. Hợp tác với các lò chưng cất tinh dầu, sấy và chế biến nông sản thực phẩm…

Thiết bị đã được Cục sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) chấp nhận đơn đăng ký sáng chế.
Thiết bị đã được Cục sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) chấp nhận đơn đăng ký sáng chế.

Trong tương lai xa hơn, khi nguồn tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, việc tái sử dụng nhiên liệu dầu thải, nhớt thải sẽ đóng góp không nhỏ vào việc giảm sử dụng năng lượng hóa thạch, giảm ô nhiễm môi trường, giảm khí thải nhà kính và giúp cho môi trường sống trong lành hơn.

Diệu Thuần (t/h)

Biến rác thải thành tài nguyên

Biến rác thải thành tài nguyên

Tập thể nữ cán bộ khoa Môi trường ĐH Quốc gia Hà Nội nghiên cứu công nghệ xử lý, tận dụng chất thải, đánh giá chất lượng môi trường.