PGS.TS Lê Mai Hương: Các sản phẩm khoa học do Việt Nam nghiên cứu không hề thua kém các sản phẩm của nước ngoài

Những phút trải lòng về chặng đường khoa học chưa bao giờ tắt lửa đam mê của PGS.TS Lê Mai Hương

Lúc nào PGS.TS Lê Mai Hương (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cũng cực kỳ bận rộn với các hoạt động hướng dẫn, nghiên cứu khoa học. Trên bàn làm việc của bà chật cứng các loại giấy tờ, các tập báo cáo, các sản phẩm đã chuyển giao công nghệ và thương mại hóa thành công trên thị trường, các đoàn khách vào ra, các cuộc điện thoại từ địa phương, từ học trò hay cả những đồng nghiệp nước ngoài gọi tới. Tuy vậy, bà vẫn dành cho chúng tôi một khoảng thời gian đủ để trải lòng về chặng đường khoa học chưa bao giờ tắt lửa đam mê của mình.

PGS.TS Lê Mai Hương (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam)
PGS.TS Lê Mai Hương (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam)

Nghiên cứu khoa học là đam mê

PGS.TS Lê Mai Hương sinh năm 1958 (quê ở Bích La, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) làm việc tại Viện Hoá học các hợp chất thiên nhiên từ năm 1996 đến nay. Trước khi chuyển về đây, bà là cán bộ giảng dạy bộ môn Dị ứng - Miễn dịch, Đại học Y Hà Nôi. “Tuy nhiên, tôi không phải là bác sĩ, mà chỉ là một cán bộ nghiên cứu. Sau đó, có một chương trình khoa học của Mỹ cần cán bộ, mà tôi cũng muốn tiếp tục theo đuổi niềm đam mê nghiên cứu khoa học nên đã tham gia chương trình này. Và rồi tôi chọn Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên để giữ niềm đam mê đó, phục vụ đời sống, sức khỏe con người”.

Là một phụ nữ, nhưng với “vốn liếng” nghiên cứu đồ sộ, công thêm sự sắc sảo trong tổ chức quản lý nhân sự, bà đã kinh qua nhiều vị trí quan trọng: Phó Viện trưởng Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Trưởng phòng nghiên cứu, Phụ trách đào tạo và Hợp tác quốc tế của Viện, Ủy viên Hội đồng biên tập tạp chí Agriculture của Hàn Quốc, Ủy viên hội đồng ban tổ chức Trung tâm bảo tồn tài nguyên châu Á (ANRRC) và Ủy viên hội đồng quỹ Nafosted. Hiện, bà đang là ủy viên Hội đồng ngành Công nghệ sinh học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Trong thời gian giữ chức vụ Phó Viện trưởng, bà là một trong những người tiên phong trong việc xây dựng và phát triển hướng nghiên cứu mới: Thử nghiệm hoạt tính sinh học. Tại Viện Hoá học các hợp chất thiên nhiên, nhờ áp dụng mô hình nghiên cứu tiên tiến Hóa học - Thử nghiệm hoạt tính sinh học và tin học trong công tác điều tra, khảo sát đã giúp rút ngắn thời gian nghiên cứu và sàng lọc nhanh các chất có hoạt tính sinh học.

PGS.TS Lê Mai Hương đã có nhiều đóng góp lớn trong các hoạt động nghiên cứu, phát triển của Viện Hoá học các hợp chất thiên nhiên nói riêng và ngành Hợp chất thiên nhiên ở Việt Nam nói chung.

Nhà khoa học của những cây nấm dược liệu

Tên của PGS.TS Lê Mai Hương gắn với những loại nấm dược liệu.

Bà nhớ lại: “Bắt đầu từ năm 2000, tôi đã gắn bó với các loại nấm dược liệu. Tới nay, tôi đã có một loạt đề tài khoa học của nhà nước về nghiên cứu hợp chất thiên nhiên từ chúng. Ban đầu tôi nghiên cứu về các loại nấm này là do ý thích cá nhân. Công trình nghiên cứu đầu tiên là về nấm đầu khỉ - một loại nấm có hoạt tính và giá trị dược học rất quý, lại dễ chế biến. Tôi lựa chọn nấm đầu khỉ vì đã có quá nhiều các đề tài khoa học và các cơ sở nuôi trồng nấm linh chi. Trong khi nấm đầu khỉ cũng có tác dụng rất tốt trong việc điều trị trí nhớ và bồi bổ sức khỏe cho người cao tuổi. Mặt khác, cũng xuất phát từ thực tế người nông dân trồng nấm rất vất vả nhưng giá bán lại rẻ mà sức tiêu thụ thì kém. Đây cũng là lý do chính khiến cho tôi nung nấu ý nghĩ chế biến và làm tăng giá trị kinh tế, giá trị sử dụng của nấm dược liệu sau thu hoạch”.

PGS.TS Lê Mai Hương nhận huy chương vàng tại Triễn lãm - Diễn đàn Phụ nữ sáng tạo KIWIE (2018)
PGS.TS Lê Mai Hương nhận huy chương vàng tại Triễn lãm - Diễn đàn Phụ nữ sáng tạo KIWIE (2018)

PGS.TS Lê Mai Hương chia sẻ phương châm làm nghiên cứu khoa học của bà là phải có thành quả thực tế, phục vụ cuộc sống: “Tôi luôn có ý nghĩ: đã tiến hành nghiên cứu thì phải ra sản phẩm, mà những nấm dược liệu cho các hoạt tính sinh học quý giá như vậy đã luôn thu hút tôi nghiên cứu từ lâu. Khi đã có sản phẩm, thì cần làm tăng cường giá trị sử dụng của các sản phẩm đó và truyền bá rộng rãi cho mọi người cùng sử dụng”.

Đặt niềm tin vào nghiên cứu khoa học Việt Nam

Xuất phát từ phương châm đó, PGS.TS. Lê Mai Hương đã ứng dụng các công trình nghiên cứu của mình về nấm dược liệu để sản xuất và thương mại hóa thành công rất nhiều sản phẩm hữu ích, được giới khoa học đánh giá cao, người tiêu dùng ghi nhận và tin tưởng. Từ SKGOLD Đông Trùng Hạ Thảo (loại nấm quý hiếm của thiên nhiên hiện đã được nuôi trồng thành công trong phòng thí nghiệm và được sản xuất dưới dạng thuốc viên tại phòng thí nghiệm) đến viên Nấm Nghệ Bioglucumin với sự kết hợp của nấm đầu khỉ, nấm linh chi và tinh chất Curcumin để nâng cao hệ miễn dịch và tăng cường tiêu hóa; rồi Betaglucan - Curcumin Nano Hóa (Nanoglucumin) là sản phẩm Bioglucumin được Nano hóa để hỗ trợ điều trị ung thư; cho đến các sản phẩm chuyên biệt về gan (BioglucuminG - Viên Lợi Gan)… có tác dụng làm giảm mỡ máu, giảm men gan và chống tác dụng của rượu bia.  Bốn dòng sản phẩm này đã cùng nhau tạo được tiếng vang cho các sản phẩm nghiên cứu khoa học được thương mại hóa của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

  Sản phẩm Bioglucumin - một sáng chế của PGS.TS Lê Mai Hương đoạt Giải đặc biệt tại Diễn đàn Phụ nữ sáng tạo Hàn Quốc - Quốc tế (KIWIE) 2018do Viện Phát triển phụ nữ Hàn Quốc (KWDI) phối hợp với Văn phòng Sở hữu trí tuệ Macedonia tổ chức.

Sản phẩm Bioglucumin - một sáng chế của PGS.TS Lê Mai Hương đoạt Giải đặc biệt tại Diễn đàn Phụ nữ sáng tạo Hàn Quốc - Quốc tế (KIWIE) 2018do Viện Phát triển phụ nữ Hàn Quốc (KWDI) phối hợp với Văn phòng Sở hữu trí tuệ Macedonia tổ chức.

PGS.TS Lê Mai Hương cho hay: “Tôi có niềm tin rằng các sản phẩm khoa học do Việt Nam mình nghiên cứu không hề thua kém các sản phẩm của nước ngoài. Tại sao mình lại phải đi mua những sản phẩm nước ngoài trong khi Việt Nam sở hữu nguồn dược liệu cực kỳ dồi dào, đa dạng và phong phú, giá thành rẻ mà chất lượng lại tốt hơn? Việc nghiên cứu nâng cao giá trị của các sản phẩm sau thu hoạch là góp phần kích thích cho sản xuất trong nước, nâng cao thu nhập cho người lao động.

Chúng tôi đã hoạt động theo một tiêu chí khác, đó là làm sao có các sản phẩm, dần đạt chất lượng ngoại nhưng có giá nội, phù hợp với thu nhập của đa số người tiêu dùng trong nước. Đến nay, ngày càng có nhiều người sử dụng các sản phẩm này và có phản hồi rất tích cực, điều đặc biệt là khi đặt bên cạnh so sánh với các sản phẩm của nước ngoài, người dùng thấy chất lượng tương đương nhau mà giá cả lại hợp lý. Đây cũng là động lực cho các nghiên cứu của các nhà khoa học nói chung và của riêng bản thân tôi và nhóm cộng sự nghiên cứu. Tôi tin rằng các sản phẩm đã được thương mại hóa của Viện và của Việt Nam sẽ ngày càng phát triển”.

PGS.TS. Lê Mai Hương đã có gần 70 công trình khoa học đăng trên các tạp chí quốc gia có uy tín đạt chuẩn ISSN, hơn 25 bài trên tạp chí quốc tế chuyên ngành thuộc SCI và SCIE (phytochemistry, Tetrahedron letter, Chem.Pharm.Bull., Natural products communication, Archives of Pharmacal Research, Chemistry Letter, Nano material…) và nhiều báo cáo khoa học tại các hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế, chủ biên và đồng tác giả của 04 sách chuyên khảo. Trong sự nghiệp nghiên cứu của mình, đến nay bà đã chủ nhiệm và đồng chủ nhiệm của nhiều đề tài, dự án, nhiệm vụ các cấp. Là tác giả và đồng tác giả của 07 bằng phát minh sáng chế và nhiều độc quyền nhãn mác sản phẩm.

An Nhiên

Nữ trí thức vượt mọi khó khăn, cống hiến hết mình cho khoa học

Nữ trí thức vượt mọi khó khăn, cống hiến hết mình cho khoa học

Nhân ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trò chuyện với TS. Vũ Thị Thu Lan để biết thêm về những cống hiến lặng thầm của các nhà khoa học nữ.