Nước nhiễm bẩn: sự độc ác của con người!

Thương nhất, là bởi đã xếp hàng lấy nước từ xa xưa, đã quen bụi mịn với styren, giờ thì người Hà Nội cũng quen với âu lo và chờ đợi rồi

Những ngày gần đây, nước sạch đối với của những những người dân dùng nước của công ty Cấp nước sông Đà (Viwasupco) bỗng đột nhiên trở nên quý hiếm, giống như những năm 80 của thế kỉ trước. Ngày ấy, người ta thức đêm xếp hàng dài dằng dặc bên máy nước công cộng, hứng từng xô, từng chậu. Rồi hạ thấp ống nước đến hết mức có thể, rồi lắp máy hút vào đường ống, khoan giếng…, rất nhiều biện pháp cá nhân cực đoan người Hà Nội đã tiến hành để có nước sinh hoạt hàng ngày. Nước nhiều khi cũng vàng khè cặn rỉ, được giải thích là do đường ống quá cũ nát tồn tại từ thời Pháp, phải đánh phèn mới dùng được, cũng sặc mùi clo, cũng gây nghi ngại, như bây giờ.

Và cũng giống bây giờ, chính quyền chẳng đưa ra lời cảnh báo nào cho dân, dân cứ tự lo việc nước cho đến ngay có nước sạch để dùng. Nhưng chính quyền có lo giải pháp. “Nước Phần Lan”, cụm từ đó một thời mang lại hạnh phúc cho người Hà Nội đang chật vật lầm than vì thiếu nước.

Nước sạch bỗng trở nên khan hiếm với người dân quận Thanh Xuân, Hà Nội như hàng chục năm trước
Nước sạch bỗng trở nên khan hiếm với người dân quận Thanh Xuân, Hà Nội như hàng chục năm trước

Lâu lắm chẳng nghe cụm từ ấy nữa. Hệ thống đường ống nước do Phần Lan giúp đỡ lâu ngày cũng đã quá tải, hỏng hóc, rỉ nát. Lâu nay người Hà Nội quen với cụm từ “ Đường ống sông Đà”. Quen, một phần vì nó hay vỡ quá. Một số người đã phải ra tòa vì đường ống sông Đà vỡ những vài chục lần làm dân quá khổ. Năm vừa rồi hình như không vỡ, thì lại xảy ra cái vụ nhiễm bẩn kinh khủng này. 

Một tuần sau khi phát hiện ra nước nhiễm bẩn, người dân có được cảnh báo rằng không nên dùng nước để ăn uống, chỉ nên tắm giặt, lau rửa bằng nước nhiễm độc, làm như tắm giặt, lau rửa bằng nước nhiễm độc thì không độc. Chẳng qua độc ngấm từ từ hơn mà thôi. Mà đã một tuần, độc từ nước chắc chắn cũng đã ngấm rồi, cảnh báo quá muộn

Cái sự ngấm độc từ từ, có vẻ người Hà Nội đã quen. Quen từ lúc nào chẳng biết. Độc từ nước, từ không khí, từ thực phẩm… Giống như quen việc xếp hàng lấy nước sạch trước đây hay chờ đợi cung cấp nước sạch bây giờ. Chỉ cần điền vào một từ giấy có địa chỉ, số điện thoại (thật là văn minh so với thời xếp hàng máy nước công cộng!) là sẽ được cung cấp nước sạch để ăn. Nước sạch, có thể chỉ là không có styren.

Styren là một hợp chất hữu cơ, là chất lỏng không màu, nhẹ hơn nước, không tan trong nước, dễ bay hơi và có vị hơi ngọt, tuy nhiên khi đậm đặc thì có mùi khó chịu. Độ hoà tan trong nước <1% ; Styren dùng trong công nghiệp hoá dầu, làm bọt xốp... và là chất góp phần làm phát triển ung thư, giảm thị lực, thính giác và gây tổn thương hệ thần kinh. Nên nhớ rằng Styren có độ hoà tan trong nước nhỏ hơn 1% nên vệ sinh hệ thống cấp nước đầu cuối là rất khó khăn! 

Với người dân Hà Nôi, trước giờ Styren vốn là một từ mới, rồi chẳng biết có thành quen như bụi mịn và thủy ngân, tồn tại thường trực trong nỗi lo của người Hà Nội hay không? 

Người dân xếp hàng đi lấy nước sạch
Người dân xếp hàng đi lấy nước sạch

Nhưng nói cho cùng, chẳng có nỗi lo nào lớn hơn nỗi lo về sự độc ác của con người. Vụ nước nhiễm bẩn ở Viwasupco cần phải coi là tội ác và đưa ra pháp luật. Kẻ đổ dầu thải đầu nguồn nước đã quá ác. Kẻ biết nguồn nước nhiễm bẩn lại lấp liếm đi để vẫn bán nước cho dân còn ác gấp bội. Những giải thích lằng nhằng vô cảm, rằng chưa biết xử lý thế nào, không biết báo cáo thế nào của Viwasupco thật không thể tồi tệ hơn được nữa. Chính quyền đã quá chậm chạp, nếu không đưa ra giải pháp, nếu không mạnh tay xử lý ngay lập tức vụ việc này, để cái ác khơi khơi tồn tại, tức là chính quyền thỏa hiệp với cái ác.

Thương nhất, là bởi đã xếp hàng lấy nước từ xa xưa, đã quen bụi mịn, thủy ngân và styren, giờ thì người Hà Nội cũng quen với âu lo và chờ đợi rồi!

Hà Phạm

Nước sông Đà nhiễm styren, người dân cần gọi số nào nếu thiếu nước sạch?

Nước sông Đà nhiễm styren, người dân cần gọi số nào nếu thiếu nước sạch?

"Khi cần đề nghị nhân dân trong vùng ảnh hưởng điện đến số 0903461980 để được cung cấp nước", ông Lê Văn Dục – Giám đốc Sở Xây dựng cho biết.