Nữ trí thức hiến kế xử lý nước thải bằng xơ mướp

Việc sử dụng giá thể làm từ nhựa nhập từ TrungQuốc, giá thành cao trong các bể chứa nước thải tại Việt Nam hoàn toàn có thể thay thế bằng xơ mướp - vật liệu rẻ và thân thiện hơn với môi trường

Đây là kết quả nghiên cứu “Đánh giá hiệu quả xử lý nước thải đô thị theo phương pháp MBBR sử dụng giá thể di động biến tính từ xơ mướp" của các nhà nữ khoa học khoa Môi trường (ĐHKHTN-ĐHQGHN) chia sẻ trong Hội thảo chuyên đề II "Khoa học & công nghệ với bảo vệ môi trường" do Hội nữ trí thức tổ chức tuần qua.

TS Trần Thị Huyền Nga (1982) Khoa Môi trường, ĐH KHTN – ĐH QGHN, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết đã tìm ra cách biến xơ mướp thông thường thành xơ mướp biến tính làm vật liệu thay thế các giá thể nhựa trong công nghệ MBBR.

MBBR (công nghệ màng vi sinh chuyển động) hiện được xem là một trong những công nghệ hiệu quả nhất để xử lý nước thải.  Đây là quá trình xử lý nhân tạo trong đó sử dụng các vật liệu làm giá thể cho vi sinh vật bám vào. Các giá thể này có tỷ trọng nhẹ hơn nước, luôn chuyển động không ngừng trong toàn thể tích bể tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển. Mật độ vi sinh ngày càng gia tăng, hiệu quả xử lý ngày càng cao.

TS Trần Thị Huyền Nga (1982) Khoa Môi trường ĐH KHTN, ĐH QGHN với poster giới thiệu nghiên cứu
TS Trần Thị Huyền Nga (1982) Khoa Môi trường ĐH KHTN, ĐH QGHN với poster giới thiệu nghiên cứu "Đánh giá hiệu quả xử lý nước thải đô thị theo phương pháp MBBR sử dụng giá thể di động biến tính từ xơ mướp"

Theo nghiên cứu, xơ mướp biến tính khi được thả xuống các bể chứa nước thải sẽ là nơi cho các vi sinh chuyển động bám vào, làm tổ tham gia vào quy trình xử lý nước.Trong quá trình thí nghiệm thì xơ mướp thô bị phân hủy sau 10 ngày, trong khi mẫu biến tính thì vẫn bền sau 1 tháng hoạt động.

Hiện nhóm nghiên cứu đang hoàn thiện hồ sơ gửi Cục sở hữu trí tuệ, cấp bằng sáng chế để có thể triển khai những kết quả nghiên cứu vào thực tế.

Hiện nay thành phố Hà Nội có 6 nhà máy xử lý nước thải: Kim Liên (công suất 3.700 m3/ngày đêm), Trúc Bạch (công suất 2.300 m3/ngày đêm), Bảy Mẫu (công suất 13.300 m3/ngày đêm), Yên Sở (công suất 200.000 m3/ngày đêm), Bắc Thăng Long – Vân Trì (42.000 m3/ngày đêm), Hồ Tây (15.000 m3/ ngày đêm). Các nhà máy xử lý nước thải này chỉ xử lý được 22% số lượng nước thải ra hằng ngày, còn tới 78% vẫn đang được xả thẳng ra môi trường. Thiếu hụt hạ tầng, hạn chế kỹ thuật dẫn đến việc xử lý nước thải đang là thách thức lớn với môi sinh đô thị Việt Nam hiện nay.

Các nữ trí thức tham gia Hội thảo chuyên đề II 
Các nữ trí thức tham gia Hội thảo chuyên đề II "Khoa học & công nghệ với bảo vệ môi trường"

Nóng chuyện môi trường bền vững trong cuộc gặp gỡ của các nữ trí thức

Hội nghị khoa học chuyên đề “Khoa học & Công nghệ với bảo vệ môi trường” trong khuôn khổ Hội nghị nữ khoa học và công nghệ lần thứ nhất, khu vực phía Bắc do Hội Nữ trí thức Việt Nam phối hợp với trường ĐHKHTN tổ chức, diễn ra tại Hà Nội ngày 16/10.

5 báo cáo chuyên đề và 16 công bố nghiên cứu được giới thiệu đều bám sát những chủ đề nóng hiện nay như rác thải nhựa và xử lý rác thải nhựa, bảo vệ nguồn nước và cảnh quan môi trường biển, đảo… Phần lớn các hướng nghiên cứu tập trung vào vấn đề tận dụng chất thải, biến chất thải thành nguồn nguyên liệu, vật liệu mới, xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường.

Hướng nghiên cứu này không những giảm thiểu được lượng và loại chất thải đang trở thành gánh nặng cho môi trường mà còn góp phần tái chế, tái sử dụng từng phần hay toàn phần chất thải biến chúng thành một dạng năng lượng khác, tiếp tục phục vụ sản xuất. Tận dụng chất thải là một vấn đề mấu chốt của quản lý chất thải bền vững hướng tới kinh tế tuần hoàn và bảo vệ môi trường.

Diệu Thuần

GS.TS Nguyễn Thị Doan: 'Nữ trí thức trước hết, phải vượt qua chính mình'

GS.TS Nguyễn Thị Doan: 'Nữ trí thức trước hết, phải vượt qua chính mình'

GS.TS Nguyễn Thị Doan chia sẻ những vấn đề của phụ nữ nói chung và nữ trí thức nói riêng.