Biến rác thải thành tài nguyên

Ước tính, hiện người dân Việt Nam đang thải ra khối lượng 120.000 tấn rác mỗi ngày, tức là gần gấp đôi so với trung bình cách đây 5 năm. Rác thải phát sinh ngày càng tăng với tốc độ gia tăng khoảng 10% mỗi năm và sẽ còn tiếp tục gia tăng mạnh trong thời gian tới cả về lượng và mức độ độc hại. Ô nhiễm từ rác tiếp tục là một trong những vấn đề môi trường trọng điểm, thực sự là gánh nặng và là sức ép lớn cho toàn xã hội.

Trăn trở tạo ra những công nghệ góp phần giải bài toán về tái chế, sử dụng chất thải giảm thiểu gánh nặng cho môi trường và xã hội, trong 10 năm gần đây, song song với công tác giảng dạy, tập thể cán bộ nữ bộ môn Công nghệ môi trường (Khoa Môi trường, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) đã dành rất nhiều tâm huyết nghiên cứu công nghệ xử lý, tận dụng chất thải, đánh giá chất lượng môi trường. Sống hết mình với đam mê, miệt mài lao động, kết quả, cụm công trình khoa học với nhan đề “Cụm công trình đào tạo, nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng về công nghệ xử lý, tận dụng chất thải - Phân tích, đánh giá chất lượng môi trường” của các chị đã được trao giải thưởng Kovalevskaia năm 2018.

Tại phòng thí nghiệm Bộ môn Công nghệ môi trường, Khoa Môi trường, ĐH Quốc gia Hà Nội
Tại phòng thí nghiệm Bộ môn Công nghệ môi trường, Khoa Môi trường, ĐH Quốc gia Hà Nội

Cụm công trình tập trung vào hai hướng nghiên cứu chính, là công nghệ kỹ thuật về xử lý và tận dụng chất thải; phân tích, đánh giá chất lượng môi trường. PGS.TS Nguyễn Thị Hà - Trưởng Bộ môn Công nghệ môi trường cho biết: Theo định hướng phát triển của công nghệ môi trường nói riêng và công nghệ nói chung, ngày nay việc nghiên cứu không chỉ dừng lại ở xử lý để đạt tiêu chuẩn môi trường về xả thải, mà tiến tới hướng tiếp cận “không chất thải”, tức là đưa ra giải pháp công nghệ để quay vòng, tái sử dụng và tận dụng 100% chất thải, biến chất thải thành các sản phẩm, nguồn tài nguyên hữu ích.

Trong cụm công trình đạt giải thưởng, có nhiều đề tài tiêu biểu với các sản phẩm và giải pháp hữu ích được đánh giá rất cao về giá trị khoa học và thực tiễn:

Công trình “Tận dụng bã giấy làm giá thể trồng nấm hay tận dụng bùn thải mạ trong sản xuất men màu gốm sứ” do PGS.TS Nguyễn Thị Hà chủ trì, công trình từng được giải thưởng Ngày sáng tạo Việt Nam về môi trường của Ngân hàng Thế giới.

Bộ môn còn nghiên cứu, sản xuất “Bộ kit thử và phương pháp xác định nhanh amoni trong các nguồn nước cấp cho sinh hoạt và ăn uống” do PGS.TS Đồng Kim Loan chủ trì. Sản phẩm đã được Bộ Khoa học - Công nghệ cấp bằng độc quyền sáng chế năm 2015.

Tận dụng bùn thải mạ trong sản xuất men màu gốm sứ
Tận dụng bùn thải mạ trong sản xuất men màu gốm sứ

PGS.TS Nguyễn Thị Hà cũng đang là Chủ nhiệm đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật mô hình hóa trong công nghệ xử lý yếm khí nước thải giàu hữu cơ vào thực tiễn Việt Nam”.

Bên cạnh việc nỗ lực tìm ra những giải pháp khoa học, các chị luôn cố gắng để đưa được kết quả nghiên cứu vào phục vụ đời sống, nhất là trong lĩnh vực môi trường. Nhiều đề tài, mô hình đã được triển khai ứng dụng như “Xây dựng hệ thống xử lý nước dệt vải nhuộm”, “Nghiên cứu chế tạo hệ thống đồng bộ xử lý nước ngầm có hàm lượng asen cao”, “Sử dụng các biện pháp sinh học để xử lý nước thải”… Trong đó, đề tài xử lý asen trong nước ngầm đang được áp dụng thí điểm tại một số cơ sở trường học, y tế và hộ gia đình. Các nhà khoa học đã chế tạo được những thiết bị xử lý nước nhỏ gọn với giá thành thấp để có thể áp dụng trong thực tế.

“Bộ môn chúng tôi tập trung vào giải quyết vấn đề ô nhiễm nước thải bằng các giải pháp công nghệ phù hợp. Nếu có tiềm lực tài chính, việc lựa chọn và đầu tư công nghệ xử lý đồng bộ, hiện đại sẽ không phải là vấn đề lớn và khó. Tuy nhiên, vấn đề là làm sao duy trì hoạt động hệ thống ổn định, vẫn đảm bảo hiệu quả. Ngoài ra, đối với các cơ sở sản xuất nhỏ, làng nghề hạn hẹp về khả năng đầu tư, việc đưa ra giải pháp để giảm suất đầu tư, giảm chi phí vận hành là hết sức cần thiết”, PGS.TS Nguyễn Thị Hà cho biết.

Có những thành tích nghiên cứu rất đáng tự hào nhưng tập thể nữ giảng viên bộ môn Công nghệ môi trường vẫn xuất sắc trong nhiệm vụ chính là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, truyền tình yêu nghiên cứu khoa học đến sinh viên của mình. Số sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học của bộ môn Công nghệ môi trường luôn dẫn đầu trong khoa. “Việc sinh viên nhìn thấy hình ảnh các giảng viên đam mê nghiên cứu khoa học, có nhiều trăn trở về những vấn đề môi trường hiện nay khiến các em cũng muốn tìm hiểu, khám phá. Để truyền tình yêu NCKH tới sinh viên, không cách gì khác là qua hình ảnh của các thầy cô say sưa với từng bài giảng, nhiệt huyết với các nghiên cứu của mình”, PGS.TS Nguyễn Thị Hà chia sẻ.

Bộ môn Công nghệ môi trường (Khoa Môi trường, Trường đại học Khoa học Tự nhiên – ĐH Quốc gia Hà Nội) có 9/12 cán bộ là nữ, đa phần các chị em đều ở tuổi 30 – 40, lứa tuổi phải chăm sóc, dạy dỗ con nhỏ. Nhờ có sự thấu hiểu, sẻ chia, ủng hộ từ phía gia đình mà các chị có thêm động lực để theo đuổi đam mê. Có những khi phải chạy theo tiến độ công việc, và có lúc thí nghiệm làm đi làm lại vẫn không thành công, các nữ giảng viên vẫn miệt mài ở phòng thí nghiệm, nơi làm việc đến tối muộn. Áp lực công việc, áp lực từ nghiên cứu khoa học chưa bao giờ khiến họ chùn bước.

Diệu Thuần

8 công dụng làm đẹp tuyệt vời của vỏ bưởi

8 công dụng làm đẹp tuyệt vời của vỏ bưởi

Đừng tưởng rằng vỏ bưởi chỉ để vứt đi, chúng còn tốt hơn cả chục loại mỹ phẩm đắt tiền mà bạn đang dùng đấy nhé!