Trận động đất xảy ra lúc 3h35 phút 8 giây ngày 30/8/2022 (giờ Hà Nội) tại vị trí tọa độ 14.818 N - 108.223 E trên khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, ở độ sâu 8km. Đây là rung chấn thứ 18, sau trận động đất mạnh nhất một thế kỷ vào chiều 23/8 ở Kon Tum với cường độ 4,7 độ richter, theo TPO.
Trước đó, khoảng 7h3 phút 40 giây ngày 29/8, một trận động đất có độ lớn 2,5 độ richter xảy ra tại vị trí có tọa độ 14.869 độ vĩ Bắc, 108.232 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.
Hôm 23/8, tại khu vực này cũng xảy ra một trận động đất có cường độ 4,7 độ richter, vào lúc 14h8 phút 4 giây. Đây là trận động đất mạnh nhất từ trước đến nay tại tỉnh Kon Tum, gây tiếng động và rung lắc lớn, ảnh hưởng tới khu vực huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam). Nhiều người dân ở Quảng Nam, Đà Nẵng cảm nhận dư chấn rất rõ, rung và lắc trong khoảng 3 - 5 giây, theo VTC News.
Tính từ tháng 4/2021, Kon Plông, vùng đất vốn rất yên tĩnh trở thành điểm nóng về động đất với hàng trăm trận ghi nhận được, gấp 6 lần số trận động đất ghi nhận tại đây trong hơn một thế kỷ trước đó.
Động đất bất thường tại Kon Plông được các chuyên gia của Viện Vật lý Địa cầu lý giải là động đất kích thích, xảy ra khi hồ chứa thủy điện tích nước, gây áp lực với hệ thống đứt gãy bên dưới khiến động đất hoạt động sớm hơn so với hoạt động tự nhiên.
Theo PGS.TS Cao Đình Triều, chuyên gia về động đất, Kon Plông có thể tái diễn kịch bản như động đất kích thích ở sông Tranh 2. Động đất kích thích xảy ra tại sông Tranh 2 bắt đầu từ năm 2012, kéo dài đến nay với hàng trăm trận, từng gây xáo trộn đời sống người dân hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) trong thời gian dài. Vì vậy, trong nhiều tháng tới, hoặc nhiều năm tới, Kon Tum vẫn sẽ ghi nhận các trận động đất.
Tuy nhiên, theo PGS Triều, một số nghiên cứu chỉ ra, động đất tự nhiên cực đại ở khu vực Kon Plông (Kon Tum) không vượt quá 5,5 độ richter. Vì vậy, động đất kích thích cực đại ít khả năng vượt quá 5 độ richter. PGS Triều cũng lưu ý, nền địa chất tại khu vực xảy ra động đất ở Kon Plông bị phong hóa khá mạnh nên người dân cảm nhận được rung chấn khá rõ do động đất gây ra, kèm theo những tiếng nổ trong lòng đất.
Theo TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, những ngày tới sẽ hoàn thiện lắp đặt mạng lưới quan trắc 6 trạm tại khu vực Kon Plông đồng thời triển khai tuyên truyền cho người dân địa phương về cách xử lý khi có động đất.
(Tổng hợp)