Tại Việt Nam: Chủng virus mới lây lan nhanh nhưng độc lực không đổi
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19 ngày 27/7, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, chủng virus ở bệnh nhân Đà Nẵng là chủng mới so với các chủng đã tồn tại ở Việt Nam, là chủng xâm nhập từ bên ngoài. Dịch có thể bắt đầu từ đầu tháng 7/2020 và cho đến nay, Đà Nẵng đã trải qua 4 chu kỳ lây nhiễm và có thể còn nhiều trường hợp lây nhiễm nữa...
Chủng virus ở bệnh nhân Đà Nẵng là chủng mới, xâm nhập từ bên ngoài. Ảnh minh họa. |
Nhận định về chủng virus mới gây bệnh COVID-19, GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho rằng, chủng virus SARS-CoV-2 mới vừa được phát hiện tại Đà Nẵng có tốc độ lây lan nhanh hơn gấp nhiều lần, tuy nhiên độc lực không thay đổi so với chủng cũ.
"Virus SARS-CoV-2 có những biến đổi liên tục trong quá trình lan tràn ra toàn thế giới. Hiện tại, virus này có tới 99 chủng đã được biết, trong đó tại Việt Nam đã ghi nhận 6 chủng.
Các biến chủng mới, bao gồm cả chủng vừa được phát hiện tại Đà Nẵng có tốc độ lây lan nhanh hơn gấp nhiều lần chủng SARS-CoV-2 cũ. Điều này lý giải tại sao gần đây, thế giới ghi nhận tới 1 triệu ca mắc mới trong 3 ngày, trong khi trước đây khoảng 1 tuần mới lên tới con số này.
Tuy nhiên, độc lực của virus chủng mới không tăng lên so với chủng virus ban đầu. Bằng chứng là hiện nay thế giới đã cán mốc hơn 16,8 triệu người mắc COVID-19, nhưng số ca tử vong đang dần được kiểm soát. Việc nắm rõ về tốc độ lây lan, độc lực của chủng SARS-CoV-2 mới sẽ giúp ngăn chặn sự lây lan bệnh COVID-19 một cách hiệu quả", GS. Kính phân tích.
Biến thể mới: D614G, độc lực không mạnh như virus ở Vũ Hán, nhưng hiện chiếm 75% ca mắc COVID-19 toàn cầu
Một nhà khoa học Anh hôm 22/7 nhận định biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đã phát triển nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu và tạo thành những ổ dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 với khả năng lây nhiễm nhanh ở Anh, hơn cả chủng virus ban đầu tại Trung Quốc.
Biến thể D614G hiện chiếm tới 75% trong các ca mắc COVID-19 trên toàn cầu. Ảnh minh họa. |
Phát biểu trên kênh 4 của tổ hợp truyền thông Anh BBC, giáo sư Nick Loman của Đại học Birmingham, thành viên Hiệp hội COVID-19 Genomics UK (COG-UK), cho biết biến thể mới của virus corona có tên D614G không có độc lực mạnh hơn chủng virus ban đầu được tìm thấy ở Vũ Hán, nhưng kết quả nghiên cứu trên 40.000 bộ gen tại Anh cho thấy D614G có tốc độ lây nhiễm trên người nhanh hơn.
Theo giáo sư Loman, biến thể D614G hiện chiếm tới 75% trong các ca mắc COVID-19 trên toàn cầu.
Số lượng biến thể khổng lồ
Mới đây, nhóm nghiên cứu từ Cancer Precision Medicine Center, Tokyo, Nhật Bản, cũng đã công bố kết quả phân tích toàn diện 12.343 trình tự gene của SARS-CoV-2 phân tích từ bệnh nhân. Qua đó, các tác giả chỉ ra mối liên hệ giữa virus SARS-CoV-2 và tỷ lệ tử vong của bệnh nhân. Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Nature.
Dựa trên 12.343 trình tự bộ gene SARS-CoV-2 được phân lập từ bệnh nhân ở 6 khu vực địa lý, 28 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, kết quả nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature xác định tổng cộng có tới 1.234 biến thể.
WHO trong nghiên cứu phân tích biến thể bộ gene của SARS-CoV-2 công bố vào tháng 5 trên 10.022 mẫu tại 68 quốc gia đã xác định 5.775 biến thể của virus gây dịch viêm phổi mới.
Một nghiên cứu khác do các nhóm chuyên gia từ Trung Quốc thực hiện cuối tháng 4 phân tích chủng virus trên 11 bệnh nhân COVID-19 ngẫu nhiên tại Hàng Châu đã xác định được hơn 30 biến thể khác nhau của SARS-CoV-2. Trong đó, 19 biến thể chưa từng ghi nhận trước đó.
Ông Michael Ryan, giám đốc đặc trách các vấn đề khẩn cấp của WHO, trong một cuộc họp báo tại Genève ngày 3/5. Ảnh: Reuters |
Đặc biệt, một số biến thể gia tăng khả năng lan truyền virus của SARS-CoV-2. Số khác tăng cường khả năng xâm lấn tế bào. Nhóm nghiên cứu đồng thời phát hiện những biến thể nguy hiểm nhất được tìm thấy tại châu Âu và New York, Washington (Mỹ).
Tại Mỹ, đầu tháng 7 các nhà khoa học tại Viện nghiên cứu Scripps tìm thấy đột biến về protein của virus SARS-CoV-2, tạo ra chủng virus đặc hiệu. Chỉ thay đổi một trong chuỗi 1.300 axit amin nhưng nó có thể tạo ra sự khác biệt trong cách thức virus tấn công tế bào người. Theo Washington Post, chủng virus này (còn được gọi là D614G, 614-G), xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 1 và nhanh chóng lây lan trong cộng đồng người tại Mỹ.
Tại sao lại có nhiều biến thể như vậy?
Tất cả virus sao chép, bao gồm cả corona, đều có cơ chế liên tục tích lũy các biến thể và chủng gene do chọn lọc tự nhiên. Những biến thể này góp phần tăng khả năng sinh sản, lây nhiễm virus cũng như thoát khỏi vòng kìm kẹp của hệ miễn dịch vật chủ.
Điều đáng chú ý là bộ gene của SARS-CoV-2 ở bệnh nhân rất đa dạng. Sự đa dạng này có thể làm tăng nguy cơ của quần thể virus, khiến nó khó loại bỏ. Các nghiên cứu gần đây cũng đã chỉ ra microbiota trong phổi góp phần vào việc cân bằng nội môi miễn dịch và có khả năng thay đổi tính nhạy cảm khi bị nhiễm virus.
Một kết quả khác nằm nghiên cứu “Sự đa dạng bộ gene của SARS-CoV-2 trên bệnh nhân corona virus 2019” công bố ngày 9/3 trên Oxford Academic xác định thụ thể trên bề mặt tế bào (ACE2) của SARS-CoV-2 tương tự với SARS-CoV năm 2003. SARS-CoV-2 biến đổi ngày càng nhanh qua từng giai đoạn. Vì vậy, nhóm tác giả đã nghiên cứu giải trình tự metatranscriptome trên mẫu dịch rửa phế quản (BALF) của 8 bệnh nhân COVID-19.
Một số biến thể của virus corona chủng mới có khả năng cao trong việc xâm nhập vào lá phổi con người. Ảnh: PA |
Từ đó, họ nhận thấy số lượng biến thể gene của SARS-CoV-2 trên các mẫu dao động từ 0 đến 51 và có số trung vị là 4. Điều này phù hợp với dữ liệu số chủng virus được tìm thấy tại Italy vào tháng 3/2020. Quốc gia này xác định đồng thời có 4 chủng của SARS-CoV-2, khác với chủng virus được xác định tại Vũ Hán, Trung Quốc.
Số lượng các biến thể của SARS-CoV-2 cho thấy mức độ tiến hóa cao của virus trong thời điểm phức tạp này.
Thảo luận về số lượng biến thể nghiên cứu ở trên, nhóm tác giả cho biết RNA của virus có tỷ lệ đột biến cao do thiếu hoạt động hiệu đính polymerase. Đây là enzyme tổng hợp chuỗi dài các polyme hoặc axit nucleic. RNA có xu hướng tiến hóa kháng thuốc và thoát khỏi sự giám sát của miễn dịch.
Tỷ lệ phái sinh biến thể của SARS-CoV-2 vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, xem xét số trung vị của chúng, nhóm nghiên cứu nhận thấy tốc độ biến thể của virus viêm phổi mới tương đương chủng SARS năm 2002-2003. Đồng thời, tỷ lệ của SARS-CoV-2 tương đương với virus Ebola.
Washington Post dẫn lời nhà virus học Hyeryun Choe tại Viện nghiên cứu Scripps (Mỹ) nhận định: “Các biến chủng, biến thể virus không làm bệnh nhân nặng hơn nhưng khiến các nhà khoa học lo lắng vì SARS-CoV-2 dễ lây lan”.
Trong số các biến thể, biến chủng virus được xác định ở trên có những loại suy yếu hơn. Tuy nhiên, không phải vì thế mà mức độ ảnh hưởng của nó tới bệnh nhân giảm sút. Thậm chí, các biến thể, chủng SARS-CoV-2 xuất hiện trong cộng đồng cho thấy sự phức tạp trong kiểm soát dịch bệnh ở thời điểm hiện tại. Ngoài ra, công tác điều chế vaccine ngừa bệnh cũng trở nên khó khăn hơn.
COVID-19 sáng 31/7: Thêm 45 ca dương tính tại Đà Nẵng, Mỹ vẫn dẫn đầu về số người tử vong
Bản tin lúc 6h sáng ngày 31/7 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết đã có thêm 45 ca mắc COVID-19 ở Đà Nẵng.