Sau mỗi giai đoạn khủng hoảng, bất động sản luôn nằm trong nhóm ngành phục hồi mạnh mẽ

Sau mỗi giai đoạn khủng hoảng, bất động sản luôn nằm trong nhóm ngành phục hồi mạnh mẽ nhất và trên thực tế, dòng tiền đã chảy mạnh hơn vào lĩnh vực này trong năm 2021, đặc biệt từ cuối quý III, giúp thị trường địa ốc bật dậy sau làn sóng dịch Covid thứ 4.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng đó mới chỉ là giai đoạn mở đầu cho một chu kỳ tăng trưởng mới của một thị trường đầy tiềm năng như bất động sản, khi mà sức cầu đầu tư đã bị nén lại sau thời gian dài chịu tác động của dịch bệnh.

Dịch bệnh diễn biến kéo dài gây ra nhiều thiệt hại cho nền kinh tế và lĩnh vực bất động sản không là ngoại lệ. Tuy nhiên, thị trường bất động sản không những không giảm giá, mà càng tăng lên sau mỗi đợt dịch bùng phát. Trong năm 2022, việc giá bất động sản năm giảm hay không, ở phân khúc nào… phụ thuộc vào nhu cầu thị trường và sức chịu đựng của nhà đầu tư, nhưng với sản phẩm đáp ứng nhu cầu ở thực thì khó có thể giảm.

Bước sang năm 2022, phân khúc bất động sản biển tại những thành phố du lịch mới nhiều khả năng sẽ bùng nổ. Thực tế cho thấy, việc nguồn cung gia tăng đáng kể trong giai đoạn 2020-2021 với trào lưu bất động sản nghỉ dưỡng - sức khoẻ, phân khúc này tiếp tục phát triển thông qua các thương vụ đấu giá các quỹ đất ven sông hiếm hoi còn lại tại TP.HCM và một số địa phương có lợi thế du lịch trong quý IV/2021 đang tạo ra dư địa tăng trưởng mới.

Thị trường địa ốc phía Nam, TP.HCM vẫn luôn được xác định là thị trường trọng điểm ở khu vực phía Nam, bởi đây là một siêu đô thị, có nhu cầu nhà ở thực rất lớn. Tuy nhiên, theo thời gian, quỹ đất phát triển dự án dần cạn kiệt, đẩy giá nhà đất nội đô liên tục tăng cao, trong khi thủ tục pháp lý dự án cũng bị siết chặt hơn. Đặc biệt, từ sau vụ đấu giá 4 ô đất vàng ở Thủ Thiêm với mức giá đấu thành công lên tới gần 2,5 tỷ đồng/m2, nên thị trường địa ốc TP.HCM không còn dành cho số đông. Mặt khác, với số dân hơn 10 triệu người, làn sóng giãn dân đô thị tại TP.HCM sẽ ngày một mạnh mẽ và người dân có xu hướng hướng tới những khu vực xa hơn, nơi quỹ đất còn nhiều và giá đất cũng “mềm” hơn. Những yếu tố này tiếp tục thúc đẩy xu hướng “ly tâm” ra vùng ven của các nhà phát triển bất động sản, điều đã diễn ra trong một vài năm qua.

Đưa ra dự báo về thị trường bất động sản năm 2022, đa phần chuyên gia đều có chung nhận định, thị trường sẽ phát triển tích cực hơn theo chiều sâu và có trọng điểm. Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, việc nhà đầu tư chạy theo quy hoạch tạo ra những cơn sốt đất ở nơi này, nơi kia chỉ là sự nhất thời, chứ không mang tính đại diện cho thị trường, bởi sắp tới sẽ là câu chuyện phát triển mang tính bền vững và sự bền vững đó một phần xuất phát từ sự nỗ lực của nhiều nhà phát triển bất động sản chuyên nghiệp trong việc hình thành các dự án lớn, các đại đô thị đúng nghĩa để đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân, tạo ra giá trị thực sự cho xã hội. Để làm được điều đó, theo ông Khương, yếu tố kết nối đóng vai trò đặc biệt quan trọng, nhất là sự kết nối về hạ tầng giao thông, kết nối giữa các tiếng nói để khơi thông chính sách, thủ tục pháp lý dự án.

Ông Huỳnh Phước Nghĩa, Phó viện trưởng Viện đổi mới sáng tạo, Trường đại học Kinh tế TP.HCM đánh giá, trong bối cảnh mới, yêu cầu mới, các chủ đầu tư sẽ phải định hình được chiến lược đầu tư mới. Theo ông Nghĩa, nguyên nhân khiến giá đất sốt nóng thời gian qua đến từ các thông tin về nguồn cung, quy hoạch, sự thay đổi của điều kiện hạ tầng..., tuy nhiên, các kế hoạch phát triển hạ tầng, thông tin quy hoạch đã dần được công bố trong năm 2021, bởi vậy, năm 2022 sẽ không còn nhiều yếu tố có thể gây đột biến.

Ở thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản được ví như chiếc lò xo bật mạnh sau thời gian dài bị nén lại vì dịch bệnh, sức nóng lan tỏa ở hầu khắp các địa phương trên cả nước. Đơn cử, tại khu vực miền Trung, Khánh Hòa đã trở thành điểm nóng “săn đất” đón đầu cơ hội của giới đầu tư, xuất phát từ chủ trương phát triển của chính quyền địa phương này, kéo theo sự đổ bộ của các nhà phát triển bất động sản lớn, khi mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa nhận được văn bản của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (NovaGroup) và Công ty cổ phần Đầu tư Đất Tâm về việc xin chủ trương khảo sát Khu đô thị sinh thái và sân golf Diên Khánh tại xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Trước đó, Sở Xây dựng Khánh Hòa đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh về đề xuất nghiên cứu đầu tư 2 dự án quy hoạch vùng kinh tế động lực công nghiệp - đô thị - dịch vụ Ninh Hòa và quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu vực sông Cái Nha Trang diện tích 3.200 ha của Công ty cổ Tập đoàn Hòa Phát và Công ty cổ phần Đầu tư KD (KDI Holdings).

Thực tế, trước sự phát triển mạnh của hạ tầng giao thông, thị trường bất động sản ngày càng vượt ra khỏi không gian vùng miền, nơi nào có tốc độ đô thị hóa cao, hạ tầng giao thông hoàn thiện, nơi đó nhanh chóng trở thành “miền đất hứa” với giới đầu tư địa ốc. Đơn cử, tại Đồng Nai, nơi mà chỉ 5-7 năm trước vẫn còn là “vùng trũng”, thì nay nổi lên như là địa phương phát triển nhanh nhất khu vực phía Nam, trở thành “sân sau” của TP.HCM trong xu thế giãn dân với giá đất tại nhiều dự án không ngừng rượt đuổi theo giá đất của TP.HCM.

Theo các chuyên gia, sự bứt tốc của thị trường bất động sản Đồng Nai và các khu vực lân cận TP.HCM là điều tất yếu, khi mà nhiều công trình giao thông trọng điểm nơi đây đã và đang được đẩy mạnh đầu tư như sân bay Quốc tế Long Thành, hệ thống các trục đường cao tốc kết nối như cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và sắp tới là cao tốc Biên Hòa - Bà Rịa Vũng Tàu… Đó cũng là lý do khiến những chủ đầu tư lớn như Novaland, Hưng Thịnh, Nam Long, Đất Xanh… kéo nhau về đây phát triển dự án, để rồi hiện nay Đồng Nai được nhiều nhà đầu tư cảm thán rằng, đang có tốc độ đô thị hóa “khủng khiếp” với hàng loạt đại dự án được đầu tư xây dựng, kéo theo giá nhà đất tăng nhanh đến chóng mặt.

Tổng Hợp