Sau vụ cảnh sát 'dỏm' nửa đêm xét nhà, người dân cần nắm rõ các quy định của pháp luật

Luật quy định không được khám xét chỗ ở vào ban đêm và chỉ được khám xét trong trường hợp khẩn cấp nếu như có lý do trong biên bản khám xét.

Quy định về khám xét chỗ ở

Một quyền cơ bản của công dân do Hiến pháp quy định là mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Do đó, khoản 1, điều 195, Bộ luật tố tụng năm 2015 quy định khi khám xét chỗ ở phải có mặt người đó hoặc người từ đủ 18 tuổi trở lên cùng chỗ ở, có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và sự tham gian của người chứng kiến.

Trên thực tế, người chứng kiến có thể là người láng giềng, tổ trưởng tổ dân phố của người có chỗ ở bị khám xét. Sự tham gia của những người này đảm bảo hoạt động khám xét chỗ ở diễn ra công khai, khách quan. Trong trường hợp người đó, người từ đủ 18 tuôi trở lên cùng chỗ ở cố tình vắng mặt, bỏ trốn hoặc vì lý do khác họ không có mặt mà việc khám xét không thể trì hoãn thì việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét và hai người chứng kiến.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Việc khám xét chỗ ở có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt của khu phố nơi khám xét. Do đó, luật quy định không được bắt đầu việc khám xét chỗ ở vào ban đêm. Đêm được tính từ 22 giờ đến 6h sáng hôm sau.

Trong trường hợp khẩn cấp, lực lượng khám xét vẫn có thể bắt đầu vào ban đêm, nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản khám xét.

Nhận biết cảnh sát thật/giả

Dẫn chứng cụ thể như vụ việc giả danh cảnh sát đọc lệnh bắt người và khám xét nhà ở nhằm cưỡng đoạt tài sản của người xảy ra tại quận 11, TP.HCM. 

Theo nguồn tin trên báo Công an nhân dân, tối 28/8, sau khi đi từ thiện ở Cần Thơ về, bà T chuẩn bị thay đồ đi nghỉ thì một chiếc xe 7 chỗ biển số xanh 80B-2547 dừng trước nhà bà T. Trên xe 2 người mặc quân phục Công an, một người mang hàm Thiếu tá, người còn lại mang hàm Thiếu úy gõ cửa nhà bà T.

Khi bà T. ra mở cửa thì cả 2 xưng là cán bộ thuộc Cục Cảnh sát hình sự của Bộ Công an, yêu cầu khám xét và đọc lệnh bắt bà T. Hai người này cho biết, bà T bị bắt về tội tổ chức đánh bạc và cho vay nặng lãi. Hai người này không nghe bà T giải thích quát tháo và định lục soát nhà. Bà T lúc này đã trấn tĩnh yêu cầu họ cho mình đi thay bộ đồ khác để làm việc nhưng 2 vị “Công an” này vẫn đi theo , buộc bà T phải hô hoán, lúc này họ mới dừng lại phía dưới nhà đứng chờ.

Thấy nghi ngờ, người dân đã báo cảnh sát. Vài phút sau, công an đã đưa 2 người này về trụ sở.

Tại cơ quan điều tra, 2 vị “công an” thú nhận mình là Công an “dỏm” tên Sơn và Thái. Theo lời khai của 2 đối tượng, quân phục ngành Công an, thẻ ngành, bảng tên, thắt lưng, súng, giầy, biển số xe 80B đều được Sơn mua trên mạng. Riêng chiếc ôtô được anh ta thuê và gắn biển số xanh giả vào sử dụng.

Hai đối tượng giả danh công an vào nhà dân đọc lênh khám xét. Ảnh: CACC
Hai đối tượng giả danh công an vào nhà dân đọc lênh khám xét. Ảnh: CACC

Ngày 1/9, theo nguồn tin trên báo Zing, Công an quận 11, TP.HCM, đã ra quyết định khởi tố Trần Văn Sơn (ngụ quận 7) và Trần Hồng Thái (quê Hưng Yên) để làm rõ hành vi giả cảnh sát đọc lệnh bắt người và khám xét nhà nhằm cưỡng đoạt tài sản.

Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an cho rằng, hành vi của 2 nghi phạm quá manh động, liều lĩnh. Người phát ngôn Bộ Công an hoan nghênh người dân và công an sở tại ở quận 11 đã kịp thời nhận ra những kẻ giả mạo cảnh sát.

Thiết tướng Xô khuyến cáo người dân tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật về quy trình tố tụng. Đồng thời, cần bình tĩnh, ứng xử thông minh đối với trường hợp của bà T. và khi thấy nghi ngờ cần trình báo công an sở tại ngay lập tức. 

Chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu liệt kê một số dấu hiệu cơ bản có thể nhận ra bằng mắt thường như: không xuất trình hoặc đeo thẻ ngành, trả lời lúng túng về nơi công tác hoặc có thái độ thiếu tự tin khi xưng hô, giao tiếp. Trong trường hợp nghi ngờ, người dân có thể hỏi thêm về lý do kiểm tra, hoặc yêu cầu cho xem giấy tờ, thẻ ngành.

(Tổng hợp)

HOÀNG GIA

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương