Sóng gió chính trường của các nữ lãnh đạo châu Âu

Lãnh đạo các quốc gia châu Âu, những người phụ nữ này cũng phải đối mặt với không ít rắc rối.

Thủ tướng Anh Liz Truss

Chỉ sau một tháng nhậm chức, Thủ tướng Anh Liz Truss đã phải gặp nhiều áp lực khi có rất nhiều người muốn lật đổ bà. Bà Truss và tân Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt phải tổ chức hàng loạt cuộc gặp với các nghị sĩ đảng Bảo thủ trong những ngày tới để thuyết phục họ ủng hộ chính phủ, cũng như giải thích cho họ về kế hoạch tài chính mới.

Thủ tướng Anh Liz Truss
Thủ tướng Anh Liz Truss

Trước đó, bà đã quyết định sa thải cựu Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng và đảo ngược một phần kế hoạch giảm thuế trị giá hơn 48 tỷ USD mà bộ đôi này đã đề xuất trước đó. Tuy nhiên, ông Keir Starmer, lãnh đạo Công đảng Anh cho rằng bà đang giữ chức nhưng không thực sự nắm quyền.

Một khảo sát mới đây của hãng thăm dò Opium cho thấy nếu một cuộc tổng tuyển cử được tổ chức ngay lúc này, Công đảng sẽ giành thắng lợi áp đảo với 411/650 ghế trong Quốc hội. Trong khi đó, đảng Bảo thủ sẽ mất 219 ghế và chỉ còn 137 ghế, trong khi đảng Dân chủ Tự do có 39 ghế và đảng Dân tộc Scotland (SNP) có 37 ghế.

Đặc biệt, 10 thành viên Nội các Anh - bao gồm tân Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt, Quốc vụ khanh về chiến lược thương mại, năng lượng và công nghiệp Jacob Rees-Mogg hay Phó thủ tướng Thérèse Coffey - có thể mất ghế.

Ngày 17/10, Thủ tướng Anh Liz Truss đã xin lỗi vì “những sai lầm” trong chính sách của bà đã khiến niềm tin của nhà đầu tư giảm và mức độ tín nhiệm trong các cuộc thăm dò của bà sụt giảm. Mặc dù vậy, bà khẳng định sẽ không từ chức Thủ tướng Anh.

Trong một phát biểu trên đài BBC, Thủ tướng Truss cho biết: “Tôi thực sự muốn nhận trách nhiệm và nói xin lỗi về những sai lầm đã gây ra. Tôi đã muốn hỗ trợ người dân giải quyết hóa đơn năng lượng trong bối cảnh thuế cao, nhưng chúng tôi đã đi quá xa và quá nhanh." Bà đồng thời nêu rõ đã chỉ định ông Jeremy Hunt làm Bộ trưởng Tài chính mới của Anh sau khi nhận ra rằng mình "cần phải thay đổi hướng đi". 

Người tiền nhiệm của bà, nữ Thủ tướng Anh Theresa May cũng đã phải từ chức năm 2019 sau vô vàn những áp lực liên quan tới tiến trình Brexit, kết thúc chặng đường cầm quyền 3 năm đầy sóng gió của mình.

Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson

Bà Andersson - Thủ tướng của Thụy Điển nộp đơn từ chức vào ngày 15/9 vừa qua. Bà thừa nhận thất bại trong cuộc bầu cử tại quốc gia này, dọn đường cho đảng Dân chủ cực hữu và các đảng liên minh thành lập một chính phủ mới.

Bà cho biết, khối cánh hữu có lợi thế một hoặc hai ghế. Bà nói: “Đó là một đa số mỏng, nhưng vẫn là một đa số": “Hầu hết các cuộc thăm dò dư luận cho chúng ta thấy rằng đây sẽ là một cuộc đua sát sao, nên tôi không bất ngờ khi tình hình diễn ra theo hướng này mà không phải hướng kia… Tôi biết rằng điều đó có thể xảy ra nhưng tất nhiên tôi quan ngại về sự phát triển của đất nước trong những năm tới đây”.

Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson
Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson

Andersson trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Thụy Điển vào năm 2021 và đã dẫn dắt nỗ lực mang tính lịch sử của quốc gia này xin gia nhập khối quân sự NATO sau khi Nga tiến quân vào Ukraine. Andersson chỉ trích việc phe Dân chủ giành được sự ủng hộ ngày càng tăng của công chúng. Bà cảnh báo rằng việc có một đảng như vậy trong chính phủ có thể có tác dụng tiêu cực đối với sắc màu tranh luận chính trị.

Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne

Việc bổ nhiệm bà Elisabeth Borne làm Thủ tướng Pháp diễn ra sau khi Tổng thống Emmanuel Macron tái đắc cử trong cuộc bầu cử Pháp ngày 24.4. Bà Borne đã được "giao việc thành lập một chính phủ".

Sau khi nhậm chức, bà liên tục bị hoài nghi về năng lực và khả năng lãnh đạo trong thời điểm kinh tế Pháp đang chịu tác động ngày càng lớn từ cuộc xung đột tại Ukraine. Lực lượng nòng cốt của liên minh cánh tả “Nhân dân Xã hội và Sinh thái mới” (NUPES) liên tục kêu gọi Thủ tướng Borne từ chức. 

Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne
Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne

Phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Borne bác bỏ khả năng từ chức và khẳng định sẽ nỗ lực hết sức để có được niềm tin từ phía các lực lượng chính trị đối lập: “Tôi tin tưởng, các lực lượng chính trị và các nghị sĩ đều mong muốn đất nước chúng ta tiến lên. Về phần mình, tôi đang thực hiện những dự án rất cụ thể để bảo vệ người dân Pháp, đồng thời duy trì trao đổi với các nhóm nghị sĩ để tìm ra hướng đi và thông qua các văn bản tại Quốc hội”.

Thời điểm bà nhậm chức, các nhà phân tích địa bàn nhận định, sau khi liên minh ủng hộ Tổng thống không thể có đa số tuyệt đối tại cuộc bầu cử lập pháp ngày 19/6, vị trí Thủ tướng của bà Elisabeth Borne bị lung lay hơn bao giờ hết.

Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin

Bà Sanna Marin là một trong những nữ lãnh đạo gặp nhiều rắc rối nhất trong thời gian giữ chức. Vừa qua, bà vướng vào ồn ào khi lộ video tiệc tùng cuồng nhiệt với bạn bè. Trong video bà Sanna quỳ gối xuống sàn, nhảy với hai tay để sau đầu. Video khác ghi lại hình ảnh Thủ tướng Sanna khiêu vũ thân mật với ca sĩ nhạc rock Olavi Uusivirta. Những video này nhanh chóng thu hút sự quan tâm của dư luận ở Phần Lan với những ý kiến trái chiều. Một số đối thủ của bà Marin đã chỉ trích hành vi của bà là không phù hợp với một thủ tướng.

Trước đó, bà đã tiếp xúc gần với một người có kết quả dương tính một ngày trước. Bà đã phải lên tiếng xin lỗi về việc này: "Lẽ ra, tôi nên cẩn trọng hơn và đọc kỹ hướng dẫn mà tôi nhận được lần thứ hai", nữ Thủ tướng Phần Lan cho biết và nói thêm rằng, có các hướng dẫn khác nhau được gửi đến điện thoại chỉ dùng để giải quyết công việc của chính phủ. "Vì hành động của mình đêm 4/12, tôi thành thật xin lỗi mọi người". Bà Marin sau đó có kết quả xét nghiệm âm tính. 

Sau đó một thời gian, dư luận tiếp tục xôn xao về bức ảnh chụp hai người phụ nữ có ảnh hưởng trên mạng xã hội để ngực trần hôn nhau tại dinh thự của Thủ tướng Phần Lan Sanna Sanna Marin. Theo RT, trong bức ảnh một người cầm tấm biển với dòng chữ "Phần Lan" để che đi. 

  Nữ Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin - Ảnh: GUARDIAN

Nữ Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin - Ảnh: GUARDIAN

Phát biểu với báo chí, bà Sanna Marin xác nhận bức ảnh được chụp tại dinh thự của bà ở thủ đô Helsinki hồi tháng 7. Nữ Thủ tướng Phần Lan cho biết, bà đã mời một số vị khách đến dinh thự sau một chương trình âm nhạc.

"Tôi cho rằng, bức ảnh này không phù hợp. Tôi thành thực xin lỗi. Một bức ảnh như vậy không đáng có, song thực tế không có bất cứ điều gì bất thường xảy ra tại buổi gặp mặt đó", bà Sanna nói.

Thanh Mai

Thủ tướng Phần Lan xin lỗi vì ảnh hai người phụ nữ để ngực trần hôn nhau tại dinh thự

Thủ tướng Phần Lan xin lỗi vì ảnh hai người phụ nữ để ngực trần hôn nhau tại dinh thự

Bức ảnh phụ nữ ngực trần rò rỉ không lâu sau những ồn ào liên quan đến các video tiệc tùng cuồng nhiệt của Thủ tướng Sanna với bạn bè.