Chuyên gia chỉ ra nhận biết con đang có vấn đề về tâm lý cần điều trị

Trong quá trình trị liệu, các bác sĩ cũng thấy sự kỳ vọng của bố mẹ đặt lên con cái là quá lớn, dễ gây áp lực cho con.

Theo Thạc sĩ tâm lý, BS Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó phòng Tâm lý lâm sàng, Viện Sức khỏe tâm thần (BV Bạch Mai), kỳ vọng của bố mẹ đôi khi là áp lực lớn nhất khiến con trẻ rơi vào khủng hoảng, gặp vấn đề về tâm lý, thậm chí là trầm cảm ở độ tuổi vị thành niên.

Ths.BS Nguyễn Thị Thanh Hà cho biết, đã có trường hợp bệnh nhân chia sẻ: "Con không biết là con hứng thú và có say mê với điều gì vì con chỉ học cho bố mẹ".

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trao đổi với VOV, BS Hà thông tin: "Sau khi năm học mới bắt đầu, số trẻ đến khám, tư vấn cũng như điều trị tâm lý tại Phòng Tâm lý lâm sàng, Viện Sức khỏe tâm thần (BV Bạch Mai) có gia tăng. Một nguyên nhân có thể kể đến là sự thay đổi môi trường học tập sau thời kỳ COVID-19, khi học sinh chủ yếu học online và hiện nay là quay trở lại trường  học. Do đó, có những em khó thích ứng với môi trường học trực tiếp.

Các em cũng chịu những áp lực học tập, nhất là với những học sinh chuyển cấp, áp lực tăng hơn nhiều. Còn những bạn ở độ tuổi nhỏ hơn thì gặp những vấn đề về thiếu tập trung trong học tập, chưa quen với môi trường học trực tiếp. 

Các bạn ở độ tuổi lớn hơn còn có những vấn đề tâm lý, áp lực từ kỳ vọng của bố mẹ... nên dễ sinh cảm xúc buồn chán, chán nản, thậm chí có bạn suy nghĩ tiêu cực, tự làm hại bản thân... Đã có những trường hợp như vậy đến khám".

"Trung bình, chúng tôi điều trị cả nội trú và ngoại trú là 25 ca/ngày và có 5 cán bộ tâm lý đề điều trị tâm lý phụ trách. Viện sức khỏe tâm thần tiếp nhận số bệnh nhân đến khám ở nhiều độ tuổi. Trong đó có những bạn ở độ tuổi mới vào cấp 1. Độ tuổi lớn là vị thành niên có dấu hiệu rối loạn hành vi, trầm cảm"

Nói về dấu hiệu mà các bậc phụ huynh cần lưu ý để nhận biết con mình đang có vấn đề tâm lý nghiêm trọng hay bị trầm cảm cần phải đưa đi khám, BS Hà cho biết, học sinh nào  cũng có áp lực học tập, nhưng cách các bạn ứng phó với áp lực là rất khác nhau. Có những bạn ứng phó được, vượt qua được, thậm chí áp lực học tập đó có thể trở thành động lực giúp các bạn cố gắng hơn. Đây là khi bố mẹ có cách động viên, khuyến khích, đồng hành cùng con vượt qua áp lực.

Với một số bạn có yếu tố sinh học riêng và thiếu đi sự quan tâm dễ chuyển thành trầm cảm. Bố mẹ cần thực sự thấu cảm để tìm hiểu mong muốn, khả năng học tập để giúp đỡ các con . Cha mẹ gần con nhất và hiểu con nhất. Nếu không trở thành bạn đồng hành của con thì khi phát hiện bệnh muộn, thăm khám muộn sẽ khiến điều trị gặp khó khăn hơn. 

"Bố mẹ phải lưu ý, trước mỗi quyết định trong việc học tập của con, cần thiết phải nói chuyện với con một cách bình đẳng, lắng nghe điều các con chia sẻ để hiểu mong muốn của con, hiểu điểm yếu điểm mạnh của con để lựa chọn hướng đi, chọn cách học tập, chọn trường phù hợp. Điều này giúp con thấy rằng học tập không phải là áp lực, đồng thời biến thành động lực và giảm nguy cơ con bị trầm cảm. 

Trong quá trình trị liệu, các bác sĩ cũng thấy sự kỳ vọng của bố mẹ đặt lên con cái là quá lớn. Có những bạn chia sẻ: "từ lớn đến bé, con học vì bố mẹ, con chưa từng học vì con". Nghe điều này thực sự rất đau lòng vì gần như con không được thấu hiểu bởi chính những người thân thiết nhất là bố mẹ. Điều này khiến các con mất niềm tin và không muốn chia sẻ với bố mẹ, bạn bè... khiến các con mất đi tự tin và động lực để bản thân cố gắng. 

Đôi khi đó là mong ước trước đây bố mẹ không thực hiện được và giờ lại được đặt lên vai con trẻ. Nhưng mong muốn này lại không đồng nhất với mong ước, sở trường con muốn theo đuổi. Do vậy, con trẻ hiểu mình chỉ là công cụ để thực hiện mong ước của bố mẹ và cảm thấy không được đồng cảm. Các con sẽ tự thu mình lại và chỉ sống trong thế giới riêng của mình. 

Có trường hợp trẻ không muốn chia sẻ với bạn bè vì sợ rằng sự tiêu cực của mình cũng ảnh hưởng tới bạn bè. Những trường hợp này sẽ thường lên mạng tìm những nhóm đồng cảm và đa phần những nhóm này sẽ có thêm nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới các bạn", bác sĩ Hà nói. 

Khi trẻ hay bất cứ bệnh nhân nào đến điều trị đều được tiếp nhận phương pháp toàn diện nhất, từ thuốc đến điều trị tâm lý hay các biện pháp khác... nhưng đó chỉ là thời gian ngắn.  Bởi sau khi trở lại với cuộc sống bình thường, trẻ phải làm thế nào để có thể vừa điều trị vừa học tập? Sự đồng hành và sự phối của gia đình, nhà trường, thầy cô giáo là rất quan trọng. Thậm chí cần sự quan tâm của những tổ chức ngoài xã hội để hỗ trợ các con quay trở lại cuộc sống, quay lại học tập bình thường.

Thanh Mai