"Sốt" đất cục bộ ở một số địa phương

Trong 5 năm qua, thị trường bất động sản trong nước xuất hiện hàng loạt các “cơn sốt đất ảo”, với các quy mô to nhỏ khác nhau. Hiện tượng này xuất hiện khắp 3 miền, từ khu vực Đông Anh, Hoài Đức (Hà Nội); Vân Đồn (Quảng Ninh); Đà Nẵng - Quảng Nam; cho tới Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Bình Dương, Đồng Nai.

Trong 3 năm gần đây, do việc thanh kiểm tra và nhiều vấn đề khác nên các dự án được phê duyệt mới rất ít, nên giá đất ở các tỉnh phía Nam bị đẩy lên rất cao. Đặc biệt, giá nhà ở, giá đất tại TP.HCM đã “vượt mặt” Hà Nội, đây là dấu hiệu bất thường, có thể là chiêu trò “thổi giá” của giới “cò” đất.

Các “cơn sốt” ở phía Nam thường diễn ra rất nhanh, nhưng rút cũng nhanh. Điều này cho thấy, thị trường phía Nam chính là “miếng mồi” ngon cho giới “cò” đất thi nhau “thổi giá”. Chỉ cần một “tin đồn” nhỏ, qua miệng “cò mồi” sẽ bùng thành “cơn sốt” rất nhanh.

Từ ngày 20/2 đến nay, trên các trang bất động sản như Batdongsan.com.vn, Alonhadat.com.vn, hội nhóm nhà đất Đà Nẵng, nhiều cò đất liên tục đăng tải thông tin bán đất với giá cao so với mặt bằng trước Tết.

Nhiều cò đất còn phao tin "có đại gia từ Hà Nội, TP HCM đang tìm mua, gom đất Đà Nẵng, hay đất Đà Nẵng và Quảng Nam đang ấm trở lại từ sau Tết, đến tháng 6 là tăng cao,…". Các lô đất được cò rao bán chủ yếu ở khu vực phía Nam Đà Nẵng.

Đơn cử như các lô đất ở khu vực Hòa Xuân, FPT City đang được rao bán cao hơn so với giá năm 2020 khoảng 100 - 200 triệu đồng, tùy theo diện tích và vị trí.

ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho rằng, có nhiều người mua đất xong găm để đó, như vậy là trái với mục đích sử dụng đất và không tạo ra quỹ nhà ở.

“Thời gian qua xuất hiện nhiều sản phẩm đất nền được hình thành theo hình thức mua gom đất trong dân (phân lô và bán), nhưng đây không phải là sản phẩm bất động sản hoàn thiện và không đảm bảo về pháp lý”, ông Đính nói.

Mặc dù liên tục được cảnh báo, thế nhưng các dự án đất nền tự phát vẫn mọc lên hàng ngày, hàng giờ và được quảng cáo rầm rộ để mời gọi đầu tư. Còn với nhà đầu tư, chỉ cần có thông tin quy hoạch là sẽ ồ ạt tới khu vực đó để ôm đất, chờ tăng giá rồi bán ra.

Gần 1 tuần qua, người dân tại khu vực ấp 5, xã An Khương và ấp Sóc Trào A, xã Tân Lợi (H.Hớn Quản, Bình Phước) không khỏi choáng ngợp khi chứng kiến cảnh hàng ngàn người từ khắp nơi ùn ùn kéo về tìm mua đất. Ai cũng hỏi về dự án sân bay Técníc Hớn Quản mở rộng và muốn “mua được đất càng gần sân bay càng tốt”.

Dọc các tuyến đường liên xã, hàng chục biển báo với các dòng chữ “mua bán đất sân bay Téc níc”, “điểm tư vấn mua bán đất nền”, “bán đất sân bay”… được dựng lên chào mời các nhà đầu tư.

Theo khảo sát ngày 25/2, một lô đất trên tuyến đường liên xã có chiều ngang 12 m, sâu khoảng hơn 50 m được người môi giới “hét giá” lên đến 6 tỉ đồng. Nhiều người dân địa phương không thể tưởng tượng được giá đất trong sóc, thôn mình lại bất ngờ tăng lên đến vài tỉ đồng chỉ trong vài ngày.

Dù giao dịch ở khu vực xung quanh dự án sân bay Técníc Hớn Quản luôn tấp nập, tuy nhiên thực tế số lượng giao dịch tại bộ phận một cửa gần như không có, hầu hết các giao dịch chỉ là cọc đất qua lại giữa các nhà đầu tư và “cò đất”.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng để tránh tình trạng sốt đất ảo, cơ quan chức năng cần đưa ra thông tin quy hoạch chính xác.

Dẫn lại các ví dụ sốt ảo nhiều năm trước khi công bố đề xuất quy hoạch lên quận với H.Hóc Môn, Bình Chánh (TP. HCM) hay đề án quy hoạch thành phố mới Nhơn Trạch (năm 2017 - 2018), theo ông Châu, điều này cũng tương tự với các thông tin về đề xuất bổ sung quy hoạch sân bay của các địa phương, dù mới ở dạng ý tưởng, chủ trương hay đề xuất nhưng đã tạo các cơn sốt đất ảo.

“Trục lợi trong những cơn sốt ảo này chủ yếu là giới đầu nậu, cò đất, một số công ty bất động sản. Người thiệt hại là nông dân bán đất giá rẻ, là các nhà đầu tư thứ cấp ôm đất với giá cao, tán gia bại sản. Lời khuyên của chúng tôi là người dân phải tỉnh táo và cân nhắc với những khu đất sốt mà không phải đất ở”, ông Châu nói.

Đề xuất xây sân bay của các địa phương mới nằm trên giấy và chưa có kết luận chính thức bổ sung quy hoạch hay không, nhưng giá đất lân cận các sân bay 'trên giấy' đã tăng ào ào.

Mặc dù “sốt đất” xuất hiện bất thình lình, ở hầu hết các địa phương, thế nhưng, ghi nhận từ thực tế cho thấy, tần suất và số lượng “sốt đất” tại các tỉnh thành phía Nam nhiều hơn khu vực phía Bắc.

Nhật Hạ

( Tổng Hợp)