Sốt xuất huyết tăng mạnh tại Hà Nội, nhiều ca bệnh nặng

Viện Nhiệt đới Trung ương đang điều trị gần 30 ca sốt xuất huyết, tăng cao so đầu tháng 8, trong đó gần 10 ca nặng.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội ghi nhận 778 ca sốt xuất huyết tính đến ngày 13/8, tăng hơn hai lần so với cùng kỳ năm 2021. CDC Hà Nội ghi nhận nguyên nhân số ca sốt xuất huyết tăng là thời tiết mưa nhiều khiến muỗi truyền bệnh phát triển.

Trong đó, viện Nhiệt đới Trung ương đang điều trị gần 30 ca sốt xuất huyết, tăng cao so đầu tháng 8, trong đó gần 10 ca nặng. Khoa Cấp cứu của viện đang điều trị hai bệnh nhân nữ mắc sốt xuất huyết, nhập viện trong tình trạng nguy kịch. 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tiến sĩ, bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng khoa Cấp cứu, cho biết tuần này khoa tiếp nhận 4 bệnh nhân sốt xuất huyết nặng, trong đó một ca tử vong, ba ca hiện đã thoát nguy kịch và chuyển điều trị tại khoa khác.

 Bệnh viện Hữu Nghị tiếp nhận khoảng 20 ca sốt xuất huyết từ đầu dịch, chủ yếu bệnh nhân cao tuổi, có nhiều bệnh nền. Người nhập viện thường bị hạ tiểu cầu rất sâu từ ngày thứ 5 trở đi. Một số người bị chảy máu chân răng, truyền tiểu cầu tương đối nhiều.

Báo cáo giám sát trong hai tuần đầu tháng 8 của CDC cho thấy chỉ số bọ gậy (loăng quăng - ấu trùng muỗi, mầm bệnh gây sốt xuất huyết) tại một số khu vực đang cao vượt ngưỡng. Tháng 9 và 10 thường là thời điểm cao trào của dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội.

Bác sĩ Hùng nhận định, một số người chủ quan phòng sốt xuất huyết, nhầm lẫn với cúm và Covid-19, không điều trị từ sớm cho nên  bệnh trở nặng.

Các chuyên gia khuyến cáo người dân có triệu chứng sốt, ho đau mỏi cơ thể nên đến cơ sở y tế để khám. Sau khi chẩn đoán được căn nguyên gây sốt, người bệnh sẽ được bác sĩ khuyến cáo và tư vấn theo dõi tại nhà.

Bác sĩ Hùng lưu ý sốt xuất huyết thường trở nặng từ ngày thứ 4, lúc này bệnh nhân bị thoát huyết tương, tăng thấm thành mạch. Nếu có dấu hiệu như chảy máu chân răng, nôn ra máu, đau bụng, bồn chồn, vật vã... cần nhanh chóng đến bệnh viện.

Sốt xuất huyết chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu là diệt bọ gậy, tránh để nước đọng, vệ sinh nhà cửa thường xuyên, mặc áo dài tay, dùng kem bôi tránh muỗi, ngủ màn kể cả ban ngày và ban đêm...

Thanh Mai