Trong họp báo tại Tokyo hôm 21/1, Sakana nói đây là cách phát triển các mô hình AI nhanh hơn và rẻ hơn đáng kể so với phương pháp thông thường.
Đây là lần đầu tiên trên thế giới, cơ chế "lấy cảm hứng từ thiên nhiên" được đưa vào các mô hình AI tạo sinh. Với cơ chế này, Sakana lập nên ba mô hình AI tạo sinh, gồm mô hình ngôn ngữ lớn (LLM), mô hình chuyển hình ảnh thành văn bản và mô hình tạo hình ảnh.
Theo Nikkei, thuật toán của Sakana lấy ba mô hình AI nguồn mở làm "cha mẹ" và "nhân giống" nguồn này theo nhiều cách khác nhau để tạo ra hơn 100 "con cháu". Sau đó, họ lai tạo ra thế hệ con cháu tiếp theo có năng suất cao hơn. Quá trình này được lặp đi lặp lại hàng trăm thế hệ, cho đến khi Sakana chọn được mô hình tốt nhất.
Cơ chế này sử dụng một kỹ thuật được gọi là hợp nhất. Theo đó, các nhà phát triển kết hợp hai mô hình AI thành một. Phương pháp này đã ra đời cách đây khá lâu, nhưng các nhà phát triển phải hợp nhất các mô hình bằng cách thủ công.
Sakana cho biết đã phát triển thuật toán "tiến hóa" tự động chọn ra những mô hình tốt nhất và hợp nhất các mô hình này theo yêu cầu của nhà phát triển.
"Hiện tại, các mô hình tiên tiến nhất được phát triển bằng cách sử dụng một lượng lớn dữ liệu và sức mạnh tính toán". "Chúng tôi muốn thử một cách tiếp cận khác", Takuya Akiba, nhà khoa học nghiên cứu tại Sakana, được thành lập vào năm ngoái bởi các nhà nghiên cứu cũ của Google, cho biết.
Sakana cho biết ba mô hình đều được phát triển trong vòng một ngày "với chi phí danh nghĩa", tức rất thấp. Việc phát triển các LLM có kích thước tương tự bằng các phương pháp thông thường có thể mất nhiều tháng và tiêu tốn hàng triệu đô la. Sakana cho biết mô hình LLM của họ chuyên giải các bài toán bằng tiếng Nhật đã vượt qua GPT-3.5 của OpenAI.
Cách tiếp cận của Sakana có thể mở đầu cuộc đua mới trên toàn cầu nhằm giành ưu thế AI vượt trội.
Xu hướng chính của GenAI hiện nay là tập trung vào các hệ thống tạo sinh mạnh, có thể xử lý nhiều nhiệm vụ dưới nhiều hình thức khác nhau, chẳng hạn như văn bản và âm thanh.
Ngược lại, Sakana chú trọng tạo ra các mô hình AI phù hợp, với các nhiệm vụ cụ thể và có thể tích hợp với nhau để giải quyết các vấn đề phức tạp.
OpenAI ra mắt chatbot ChatGPT tháng 11/2022 đã hình thành cuộc đua toàn câu trong phát triển các mô hình AI có khả năng sáng tạo tốt nhất. Đó là các hệ thống có thể tạo ra văn bản, hình ảnh và nội dung khác từ yêu cầu hay mệnh lệnh của người dùng.
Tuy nhiên, việc đào tạo và vận hành các mô hình AI rất tốn kém và đòi hỏi phần cứng phức tạp như bộ xử lý GPU của Nvidia. Các startup phải phải huy động hàng tỉ đô la để cạnh tranh với những gã khổng lồ công nghệ như Google, Meta và Microsoft – công ty hậu thuẫn cho OpenAI.
Sakana, có nghĩa là "cá" trong tiếng Nhật, được thành lập vào năm ngoái tại Tokyo để phát triển AI có thể tạo ra bằng cách sử dụng "trí thông minh lấy cảm hứng từ thiên nhiên".
Những người đồng sáng lập của công ty bao gồm các nhà nghiên cứu cũ của Google là David Ha và Llion Jones, cũng như Ren Ito, cựu nhà đầu tư vào các công ty khởi nghiệp AI và Giám đốc điều hành của Mercari Europe.
Sakana đã huy động được 30 triệu USD vốn ban đầu vào tháng 1 từ các quỹ đầu tư mạo hiểm nổi tiếng ở Thung lũng Silicon và các công ty lớn của Nhật Bản, bao gồm NTT, KDDI và Sony.