Trên TV đang chiếu một bộ phim dài tập về chủ đề mẹ chồng-nàng dâu. Nói chung, đó là chủ đề kinh điển. Có những thứ được mặc định chỉ vì định kiến, và con người ta rất khó thay đổi nhận định.
Ví dụ như mùi ớt khiến bạn liên tưởng ngay đến vị cay, cho nên ngay cả đó là một miếng ớt chuông ngọt thì mùi của nó cũng sẽ làm bạn e dè.
Ví dụ như sắt thì nặng còn bông thì nhẹ, nên với câu hỏi: “Một cân sắt và một cân bông, bên nào nặng hơn” - rất nhiều người sẽ trả lời ngay là một cân sắt.
Và ví dụ như bạn nói lấp lửng: “Nhà đấy mẹ chồng - nàng dâu...”, thì người nghe ngay lập tức sẽ liên tưởng đến tình trạng xấu nhất, với sự đàn áp từ phía này hay hỗn láo từ phía kia, nói chung là “cơm không lành, canh chẳng ngọt”.
Thế nếu bây giờ mệnh đề đó được thay bằng: “Mẹ chồng và chồng...”, “Bố vợ và con dâu...”, “Con rể bố vợ” hay chẳng liên quan kiểu như “Bố mẹ đẻ và em vợ...” chẳng hạn, thì sao?
Chẳng sao cả.
Bạn sẽ phải ngồi vặn đầu vặn óc một lúc để tìm, trước hết là một sự liên tưởng nào đó. Và khi chẳng tìm được đầu mối nào cả, thì bạn sẽ hỏi: Rốt cuộc thì sao nữa? Mặc dù về nguyên tắc xã hội, thì các mối quan hệ đó cũng tiềm ẩn rất nhiều mâu thuẫn và đi kèm với nó là các nguy cơ xung đột.
Sự khác biệt (hay đặc biệt) về khái niệm “mẹ chồng-nàng dâu”, chắc hẳn nằm ở điều này thôi: Hai người đàn bà buộc phải thỏa thuận để chia sẻ một quyền sở hữu.
Mà để nói về tính sở hữu, thì khó ai (con gì, hay cái gì trên đời này) vượt được đàn bà. Paris Hilton - người thừa kế của tập đoàn Hilton lừng lẫy, từng mua tất cả những chiếc váy cùng mẫu trong một tiệm thời trang sang trọng, chỉ vì không muốn bất kỳ cô gái nào khác mặc cùng mẫu váy mà mình thích.
Cường điệu hơn, có chuyện tiếu lâm rằng, bà nọ một hôm giải cứu thần đèn, được ban cho ba điều ước. Nhưng điều kiện đặt ra là, bà cứ ước được cái gì, thì cô hàng xóm được gấp đôi. Bà này ước có một ngôi biệt thự, thế là cô hàng xóm có ngay hai cái. Bà lại ước có một tỷ đô, thì cô hàng xóm có luôn hai tỷ. Nên khi còn điều ước cuối cùng, sau khi suy nghĩ rất kỹ, bà ước mình bị chột mắt.
Đấy với những thứ ngoại thân còn như vậy, huống chi đây là con, là chồng, là gia đình - máu sở hữu của người mẹ, người vợ sẽ còn cao đến đâu. Dễ hiểu mà!
Làm thân ở giữa, cái anh đàn ông trụ cột trong nhà ôi sao mà tội nghiệp!!!
Bạn tôi, con một, gần bốn mươi tuổi đầu vẫn nhẩn nha không muốn lập gia đình. Nhưng rồi thấy thứ phiền phức nhất với anh là sự chăm sóc từng li từng tí của bà mẹ. Thế là anh lấy vợ, với một suy nghĩ rất đơn giản: Có hai người phụ nữ, họ sẽ chăm sóc nhau, và mình sẽ được yên (đàn ông cũng có lúc bồng bột như thế, rất bình thường). Tất nhiên là sự việc đã không diễn ra theo chiều hướng ấy, mà là ngược lại.
Hai người phụ nữ trong gia đình tranh giành ảnh hưởng bằng sự chăm sóc. Chăm sóc lên gấp đôi, quản lý lên gấp ba, yêu cầu tình cảm hồi đáp lên gấp bốn năm lần. Anh bạn tôi nhanh chóng rơi vào khủng hoảng, và anh… bỏ trốn. Cách trốn chạy của anh là đi công tác triền miên. Bởi vì cứ về nhà là phải ăn những bữa cơm có đến 5-6 món và ai cũng yêu cầu phải… ăn hết. Rồi phải tâm sự với hai cái miệng mặc dù anh chỉ có một và phải lắng nghe bằng cả hai tai với tính đúng sai chia đều cho cả hai bán cầu não… Phải đáp ứng nguyện vọng của hai thế hệ dù xưa nay anh vốn chẳng hiểu được thế hệ nào. Cuối cùng thì cuộc hôn nhân của anh đổ vỡ. Vợ về lại nhà mẹ đẻ. Còn anh cũng thuê nhà sống một mình.
Đã từng có người hỏi bạn tôi, vậy trong hai người phụ nữ của anh ai đúng, ai sai? Anh chỉ cười khổ mà rằng: Tôi sai.
“Trái đất này là của chúng mình…” đã có bài hát như thế. Ý rằng là những thứ quan trọng lớn lao nhất, thì đều là của chung. To như là trái đất, nhỏ như là gia đình, đều là của chung. Không ai tự xưng mình là chủ trái đất được, dù về mặt triết học mà nói thì ai cũng là chủ nhân của nó. Gia đình cũng vậy, được cấu thành từ hơn một cá nhân, cho nên nếu cứ nhất định rằng nó là của mình, thì suy nghĩ ấy chính là tiền đề cho những tranh cãi bất tận.
Một chiều nào đấy, người chồng trở về nhà, thấy vợ đang nấu bếp, lòng trỗi dậy một niềm yêu thương, bèn nhẹ nhàng tiến đến ôm cô từ phía sau. Người vợ mềm đi trong vòng tay vững chãi, và nhận ra rằng, đó là hạnh phúc thực sự, hoàn toàn. Bởi vì khi ấy cô không cần phải xù gai nhọn lên, cô tin tưởng và không phòng bị, ngả vào một người thân yêu nhất. Đấy chẳng phải đã là sự sở hữu tuyệt đối đó ư?
Cũng như là mẹ, đã từng ôm anh như thế, trọn vẹn trong lòng, từ khi anh mới là một hình hài bé bỏng.
Đàn ông không đáng tin hay phụ nữ không đủ yêu thương chính mình?
Liệu đàn ông có phải là sinh vật chỉ gây sát thương cho phụ nữ hay chỉ vì bạn không đủ kiên nhẫn để chờ một đàn ông tốt xuất hiện?