Tại sao trẻ không hạnh phúc khi đến trường, nền giáo dục Việt Nam đang đi lạc đường?

Nhiều sáng kiến đổi mới giáo dục khi đi vào trong thực tế đã không thể “xuôi chèo mát mái” như mong đợi hoặc sớm rơi vào cảnh “lực bất tòng tâm”.

Đó là những chia sẻ và góc nhìn của các chuyên gia giáo dục tại hội thảo "Giáo viên hiệu quả, trường học hạnh phúc" do FAROS Education & Consulting phối hợp với Gordon Training International tổ chức.

Tại sao sáng kiến đổi mới giáo dục sớm rơi vào cảnh “lực bất tòng tâm”

Theo ThS Nguyễn Thúy Uyên Phương, người sáng lập và điều hành Faros Education & Consulting: “Giáo dục không phải là rót cho đầy một chiếc bình, mà là khơi lên một ngọn lửa”. Đó cũng chính là chân dung của một “nền giáo dục mơ ước” mà nhiều người đang muốn hướng tới.

Khi mà những mặt trái của một nền giáo dục khuôn mẫu chỉ chú trọng “đổ cho đầy kiến thức”, chạy theo điểm số dần bộc lộ và kéo theo đó là hàng loạt những tiêu cực trong giáo dục những năm gần đây.

Những làn sóng kêu gọi việc xây dựng một nền giáo dục mới hướng đến việc đánh thức khát khao học tập và khơi dậy tiềm năng của học sinh bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều.

Tuy nhiên, nhiều sáng kiến đổi mới giáo dục khi đi vào trong thực tế đã không thể “xuôi chèo mát mái” như mong đợi hoặc sớm rơi vào cảnh “lực bất tòng tâm”. Một trong những rào cản lớn nhất mà hầu hết các nỗ lực đổi mới giáo dục đều vấp phải, chính là vấn đề làm sao để tinh thần đổi mới ấy đi vào mỗi giáo viên.

Giáo viên Việt Nam vẫn cứ loay hoay trong việc chuyển đổi tư duy thành những hành động cụ thể trong lớp học. Phương pháp giáo dục có thể rất mới, nhưng việc tạo dựng một môi trường, một nền văn hóa phù hợp để đón nhận cái mới cũng là chuyện mà không ít trường học phải chật vật.

Giáo dục Việt Nam có đang đi lạc đường?
Giáo dục Việt Nam có đang đi lạc đường?

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó tổng hiệu trưởng trường quốc tế Việt Nam – Phần Lan chia sẻ: “Tôi từng đào tạo giáo viên với những phương pháp giáo dục tiến bộ trên thế giới để ứng dụng vào dạy và học thì có một thực tế là khi giáo viên xuống trường đều quay trở lại với cái cũ để thích nghi với môi trường thực tại và không thay đổi được bất cứ điều gì".

Điều đó cho thấy việc mua các mô hình giáo dục nước ngoài về bắt buộc phải có đội ngũ các chuyên gia nội bộ, các cố vấn giáo dục làm sao để phát triển mô hình giáo dục đó tại Việt Nam phù hợp với văn hóa và thực tế con người ở đất nước đó. Chứ không dừng lại ở việc là chúng ta sang nước ngoài tham quan và rinh một mô hình giáo dục về nước là được”.

Bà Bùi Trân Phượng, Chủ tịch NES Education, người khởi xướng dự án “TEACH – Cùng giáo viên thay đổi”, nguyên hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen chia sẻ: “Người giáo viên phải dám nhìn thẳng vào sự thật giáo dục. Nền giáo dục của thế giới, và tất cả mọi người trên thế giới đều hiểu giáo dục là gì nhưng ở Việt Nam chúng ta đang hiểu khác và làm khác đối với thế giới. Sau khi hiểu được thực tại của giáo dục, thì phải dám làm những điều mình biết, những thứ mình biết.

Có thể những điều mình làm đi ngược lại với số đông. Và dường như nửa thế kỷ qua nền giáo dục của chúng ta đang bị lạc đường và cần có sự nhìn nhận đánh giá lại hệ thống giáo dục để có những đổi thay phù hợp. Dân tộc Việt Nam có một truyền thống biết học và ham học nên luôn thích nghi được những cái mới, cái tiến bộ của thế giới”.

Tại sao trẻ đến trường không hạnh phúc?

Điều gì khiến nhiều học sinh không thích đến lớp, nhiều giáo viên vẫn bị áp lực và nhiều nhà trường chưa thể trở thành 'trường học hạnh phúc'?

Theo ThS. Uyên Phương, hệ quả của việc giáo dục cũ là trẻ không cảm thấy hạnh phúc khi đến trường vì môi trường kém an toàn, dễ bị bắt nạt; học sinh quá tải, bị stress do áp lực thi cử và điểm số; môi trường học tập và không khí nhà trường tiêu cực; giáo viên có thái độ và phẩm chất không phù hợp; các mối quan hệ xấu…

Theo bà Bùi Trân Phượng, giáo dục đúng nghĩa không phải là việc tạo ra thành tích, mà người làm giáo dục phải vừa phát triển được người học vừa phát triển cùng người học. Nhiều giáo viên hiện nay vẫn còn rất mơ hồ, còn nhầm lẫn mục tiêu giáo dục chính là điểm số, là thành tích, là dựa vào kỳ vọng của phụ huynh. Đây là cách nghĩ phản giáo dục.

Tại sao trẻ đến trường không hạnh phúc?
Tại sao trẻ đến trường không hạnh phúc?

Thầy Trần Đức Huyên, Hiệu trưởng trường liên cấp Hoàng Việt, nguyên Hiệu phó chuyên môn trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM cho biết: “Một người giáo viên hiệu quả là phải khơi dậy cho học sinh khả năng tự học, đam mê tìm tòi kiến thức chứ không phải là học vì điểm số hay bất cứ thứ gì khác. Mỗi đứa trẻ, mỗi học sinh là một con người tự do và người giáo viên phải biết truyền dạy cho những con người tự do đó khả năng tự học cũng như suy nghĩ, năng lượng tích cực. Và muốn thay đổi được điều đó thì giáo viên cũng phải có những suy nghĩ lành mạnh, tích cực và học hỏi mỗi ngày để truyền đạt điều đó cho học sinh của mình”.

Chia sẻ thêm về vấn đề này ThS. Uyên Phương chia sẻ: “Học trò của tôi đã rất bức xúc kể rằng, em không hiểu tại sao cô giáo dạy tụi em ngày nào vào lớp cũng nói xấu thầy hiệu trưởng. Những điệp khúc quen thuộc của cô là: Tôi mệt cái trường này lắm, tôi chán cái trường này lắm, tôi sắp nghỉ rồi...". Một nguồn năng lượng như thế thì làm sao học sinh hạnh phúc được?".

Vậy nên thay đổi về phương pháp thôi là chưa đủ mà còn phải chính từ giáo viên.

Theo báo cáo Open Doors của Viện Giáo dục Quốc tế (IIE), năm học 2017-2018, có gần 1,1 triệu sinh viên quốc tế đến Mỹ du học. Trong đó, Việt Nam tiếp tục đứng thứ 6 trong danh sách những nước dẫn đầu về số lượng sinh viên du học tại Hoa Kỳ, với 24.325 sinh viên, tăng 1.887 sinh viên so với năm học trước đó, tức tăng 8,4% và tăng năm thứ 17 liên tiếp.

Số liệu cũng cho thấy đây cũng là năm thứ ba liên tiếp Việt Nam xếp vị trí thứ 6 trong số các nước đứng đầu về du học sinh theo học tại Mỹ, đóng góp 881 triệu USD cho nền kinh tế Mỹ. Chi phí này nằm trong tổng chi tiêu của người dân Việt Nam cho con du học khắp nơi trên thế giới hàng năm khoảng 3-4 tỉ USD, theo số liệu của Bộ Giáo dục – Đào tạo.

VIÊN VIÊN

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương