Việc ký túc xá của Đại học Quốc gia TPHCM trở thành khu cách ly đã thu hút sự chú ý của nhiều người mà đặc biệt là trong những ngày gần đây có đến hàng trăm người tụ tập tại nơi đây tiếp tế lương thực, vật dụng sinh hoạt cho những người được cách ly. Thậm chí có người còn tiếp tế cả quạt, tủ lạnh...Có bạn sau khi được tiếp tế, đồ đạc nhiều đến mức bày ra không thua gì quầy tạp hoá.
Thế nhưng việc này đang làm dấy lên lo ngại nguy cơ lây nhiễm virus Covid-19. Trong khi trước đó, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng đã khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài, hạn chế đến những nơi tập trung đông người, đây là biện pháp quan trọng để giảm bớt sự lây nhiễm chéo trong cộng đồng.
Người dân tập trung ở đây tiếp tế lương thực không chỉ gây ra cảnh hỗn loạn mà còn làm tăng áp lực cho các lực lượng chức năng. Công việc của họ là vận chuyển, sắp xếp chỗ ở cho người được cách ly, khử trùng đồ dùng và đồ được nhận, với số lượng quá nhiều sẽ dẫn đến quá tải. Mặc dù trước đó, các vật dụng cần thiết đã được chuẩn bị đầy đủ trong khu cách ly nhưng người nhà vẫn cố gắng gửi đồ đạc vì lo cho người thân.
Rất đông người đến tiếp tế đồ ăn, đồ dùng cho người thân ở khu cách ly. |
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết hiện nay chế độ đối với người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế được quy định tại Điều 2, Thông tư số 32/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Người bị áp dụng các biện pháp cách ly được hưởng các chế độ cơ bản từ miễn phí khám, dịch vụ, được cấp các đồ dùng phòng hộ, đồ dùng cá nhân và vật dụng thiết yếu khác, được miễn chi phí di chuyển từ nhà đến cơ sở cách ly.
Nếu người bị cách ly đang trong thời gian cách ly mà mắc bệnh khác mới phải thanh toán chi phí khám bệnh, điều trị bệnh theo quy định chung, nếu có thẻ bảo hiểm y tế thì thực hiện theo đúng quy định về bảo hiểm.
Các trường hợp khác như tử vong thì được miễn phí bảo quản, mai táng, di chuyển thi thế...
Người bị cách ly cũng được cung cấp bữa ăn theo đúng yêu cầu và phù hợp với cơ sở cách ly. Trường hợp người bị cách ly y tế là người thuộc hộ nghèo theo quy định thì được hỗ trợ tiền ăn theo mức 40.000 đồng/ngày trong thời gian cách ly y tế. Đặc biệt vẫn được hưởng các chế độ theo quy định của Luật lao động.
Đây là những quy định thể hiện sự nhân văn, nhân đạo và quan tâm của cộng đồng. Người dân cần biết trân trọng và cùng gánh vác với những khó khăn của nhà nước vào thời điểm dịch bệnh.
Điều kiện sinh hoạt, ăn, ở của nơi cách ly cũng tương đương với điều kiện của bộ đội, sinh viên, thậm chí còn tốt hơn. Vì vậy việc ở những nơi này là hoàn toàn hợp lý và người nhà không nên quá lo lắng.
Người thân có thể bổ sung thêm đồ đạc nhưng việc có tiếp nhận hay không là do đơn vị tổ chức cách ly, không được đòi hỏi phải có đủ điền kiện như ở nhà hay các nơi khác.
Hơn nữa lực lượng để hỗ trợ cho việc sắp xếp, vận chuyển, tổ chức, quản lý là tương đối lớn. Nhiều cán bộ, chiến sĩ, học viên phải ngủ ngoài rừng để nhường chỗ cho người cách ly. Do đó, những gia đình có người thân bị cách ly cần phải chia sẻ về điều này, không nên gây thêm áp lực, gánh nặng cho các cán bộ, nhân viên ở khu cách ly.
Các tập trung quá đông người tiếp tế là gây nguy hiểm, tăng nguy cơ nhiễm bệnh. Chính vì vậy, theo Luật sư Cường cần phải có tuyên truyền, phổ biến và áp dụng biện pháp cần thiết để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, đảm bảo an toàn cho mọi người.
Hiện do số người dân về nước rất nhiều nên chi phí hỗ trợ cũng tăng, tạo nhiều áp lực cho ngân sách Nhà nước. Vì vậy luật sư đề xuất việc thu tiền chi phí ăn uống theo quy định của pháp luật đối với những người cách ly (chỉ trừ người nghèo được hỗ trợ 40.000 đồng).
Hiện nay pháp luật Việt Nam chưa quy định về đa dạng hóa điều kiện và khu vực cách ly, cũng chưa quy định bắt buộc người cách ly y tế phải trả tiền chi phí trong quá trình cách ly. Vì vậy, cần đa dạng hóa hoạt động cách ly, mở rộng ra các khu khác như khách sạn, nghỉ dưỡng, để phục vụ kiều bào và thu phí.
Luật sư Cường nói: “Có đa dạng hóa các loại hình như vậy thì mới đáp ứng được hết các yêu cầu của người dân, đồng thời xã hội hóa hoạt động phòng chống dịch và kích cầu, thúc đẩy các ngành dịch vụ phát triển...”.
Gia đình tiếp tế đồ ăn cho con ở khu cách ly tập trung Đại học quốc gia TP.HCM
Nhiều gia đình, phụ huynh mang đồ tiếp tế đến cho người nhà, con cái chuyển vào khu cách ly tập trung tại Đại học quốc gia TP.HCM.