Theo số liệu được Bộ Tài chính Mỹ công bố ngày 10/6, trong giai đoạn từ tháng 10/2019 tới tháng 5/2020, thâm hụt ngân sách đã cao hơn gấp đôi so với mức 738,6 tỷ USD ghi nhận vào cùng kỳ trước đó. Chỉ tính riêng trong tháng 5 vừa qua, thâm hụt ngân sách đã lên tới 398,8 tỷ USD, mức cao kỷ lục so với bất cứ tháng 5 nào trước đây và gần gấp đôi mức thâm hụt của cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức thâm hụt cao kỷ lục trong lịch sử nền kinh tế số 1 thế giới này.
Cũng trong tháng trước, chi tiêu chính phủ đã tăng 30,2% lên 572,7 tỷ USD. Các nghị sĩ Mỹ đã phê duyệt mức tăng tạm thời 600 USD mỗi tuần cho các khoản trợ cấp thất nghiệp, các khoản thanh toán giúp kích thích nền kinh tế lên tới 1.200 USD/cá nhân và Chương trình Bảo vệ tiền lương (PPP) để cung cấp các khoản vay cho các doanh nghiệp nhỏ nhằm giúp duy trì việc thuê lao động.
Trong khi đó, nguồn thu ngân sách liên bang đã giảm 25,1% trong tháng 5 xuống còn 173,8 tỷ USD do hàng triệu người mất việc, đồng nghĩa có ít người phải trả thuế thu nhập cá nhân hơn.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin phát biểu trong phiên điều trần doanh nghiệp nhỏ tại tòa nhà Quốc hội ở Washington. Ảnh: AP. |
Ngoài ra, Chính phủ Mỹ đã kéo dài thời hạn người dân phải nộp thuế năm 2019 từ ngày 15/4 sang ngày 15/7, khiến nguồn thu thuế sẽ còn giảm cho tới thời điểm đó. Trong giai đoạn từ tháng 10/2019 đến tháng 5/2020, nguồn thu ngân sách Mỹ đã giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước xuống còn 2.020 tỷ USD, trong khi chi tiêu tăng 29,5% lên 3.900 tỷ USD.
Thâm hụt ngày càng lớn trong bối cảnh chi tiêu của chính phủ đã tăng vọt để hỗ trợ nền kinh tế đối phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong khi doanh thu thuế lại bị thu hẹp và hàng chục triệu người mất việc làm.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội dự báo thâm hụt năm nay của Mỹ sẽ đạt 3.700 tỷ USD, cao hơn gấp đôi mức kỷ lục 1.400 tỷ USD của năm 2009 – thời điểm Washington phải đối phó với một cuộc khủng hoảng tài chính vốn đẩy nước này vào đợt suy thoái sâu nhất kể từ những năm 1930. Nước Mỹ hiện đang rơi vào một đợt suy thoái mới bắt đầu từ tháng 2 vừa qua với số việc làm bị mất nhiều hơn so với đợt suy thoái 2007-2009.
Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cùng ngày đã phát đi tín hiệu về việc duy trì tỷ lệ lãi suất cơ bản ngắn hạn ở mức gần 0% tới hết năm 2022. FED cũng cam kết tiếp tục chương trình thu mua trái phiếu của Bộ Tài chính và trái phiếu thế chấp trị giá khoảng 120 tỷ USD mỗi tháng để duy trì lãi suất vay dài hạn thấp nhằm thúc đẩy chi tiêu và tăng trưởng.
Nền kinh tế số 1 thế giới chịu tác động nặng nề do dịch COVID-19. Ảnh: Minh hoạ. |
Cũng trong ngày 10/6, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết sẽ xem xét kỹ lưỡng việc tăng thêm các khoản tài chính dành cho các cá nhân trong giai đoạn tới của gói giải cứu nền kinh tế chịu tác động nặng nề do dịch COVID-19, lưu ý rằng các nguồn tài chính cần nhằm hỗ trợ những lĩnh vực đang chật vật khôi phục hoạt động, bao gồm ngành khách sạn và du lịch.
Phát biểu tại phiên điều trần trước Ủy ban doanh nghiệp nhỏ của Thượng viện Mỹ, Bộ trưởng Mnuchin cho biết Bộ Tài chính cũng đã lên kế hoạch ban hành hướng dẫn mới trong tuần này, để giảm bớt các quy định cấm chủ doanh nghiệp bị kết án hình sự trong 5 năm qua không được tiếp cận các khoản vay của PPP. Thời hạn trên sẽ được giảm xuống còn 3 năm và ông Mnuchin nói rằng ông sẵn sàng nới lỏng các quy định hơn nữa.
Cũng tại phiên điều trần, Bộ trưởng Mnuchin tin rằng Chính phủ Mỹ sẽ cần triển khai thêm một đợt hỗ trợ cấp liên bang mới, bao gồm các biện pháp kiến tạo việc làm. Cho đến nay, Quốc hội Mỹ đã thông qua 3 dự luật hỗ trợ nền kinh tế với tổng trị giá khoảng 3.000 tỷ USD cho các chương trình khác nhau, bao gồm các khoản vay cho doanh nghiệp nhỏ, thanh toán cho các cá nhân, nguồn hỗ trợ tài chính cho các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các gói hỗ trợ thị trường tín dụng của FED. Ông cũng để ngỏ khả năng xem xét việc cho phép khoảng 130 tỷ USD trong quỹ PPP chưa được sử dụng để gây dựng lại các doanh nghiệp bị thiệt hại trong các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc gần đây.
Người đứng đầu Bộ Tài chính Mỹ tỏ ra thận trọng về việc đưa ra một dự luật hỗ trợ thứ 4 khi nền kinh tế bắt đầu mở cửa trở lại. Tuy nhiên, ông Mnuchin cho rằng một số lĩnh vực gặp khó trong việc nối lại hoạt động, bao gồm các nhà hàng và các ngành liên quan đến du lịch, có thể cần thêm hỗ trợ.
(Nguồn: TTXVN)