Tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục
Trung Quốc đang chứng kiến tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao kỷ lục với 21,3% người trong độ tuổi từ 16 - 24 thất nghiệp vào tháng 6. Tình hình này đang ảnh hưởng đến hàng triệu thanh niên mới tốt nghiệp khi họ tìm kiếm công việc đầu tiên hoặc thứ hai.
Các yếu tố góp phần vào hiện tượng này bao gồm sự phục hồi kinh tế chậm chạp và nhu cầu của người tiêu dùng giảm sút, khiến các công ty không muốn tuyển dụng những ứng viên thiếu kinh nghiệm cho các vị trí được trả lương cao hơn.
Zhang, sinh viên ngành tâm lý học mới tốt nghiệp, đã không tìm được việc làm trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường mà cô đã chọn mặc dù đã gửi hàng nghìn CV cho các nhà tuyển dụng. Cứ 10 hồ sơ gửi đi thì chỉ nhận lại một phản hồi.
Cuộc tìm kiếm kéo dài nhiều tháng đã gây tổn hại về mặt cảm xúc đối với cô gái 23 tuổi. "Sau khi tốt nghiệp, tôi thấy rằng áp lực thực sự rất lớn", Zhang trả lời phỏng vấn AFP khi tham gia một hội chợ tuyển dụng ở Bắc Kinh vào cuối tuần qua.
Zhang là một trong hàng triệu sinh viên tốt nghiệp bước vào thị trường việc làm của Trung Quốc vào thời điểm tỷ lệ thanh niên thất nghiệp tăng vọt. Cơ quan thống kê Trung Quốc hồi đầu tuần trước bất ngờ tuyên bố sẽ ngừng công bố số liệu định kỳ hàng tháng về tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ trong độ tuổi 16-24, khiến công chúng hoài nghi và lo ngại về tình trạng thất nghiệp của thanh niên ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Tại các hội chợ nghề nghiệp ở Bắc Kinh tuần này, những người tham dự đã mô tả một bối cảnh đầy thách thức đối với những ứng viên chưa có kinh nghiệm muốn tìm được công việc đầu tiên hoặc thứ hai.
Yang Yao, một thanh niên 21 tuổi có kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông, đã thất vọng sau khi xem các quảng cáo tại một hội chợ ở trung tâm Bắc Kinh, nơi các nhà tuyển dụng chủ yếu tìm kiếm nhân viên cho các vị trí hành chính và bán hàng được trả lương thấp.
Yang đã bỏ công việc trước đây ở tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc để chuyển đến sống gần gia đình hơn ở Bắc Kinh, và hiện đang rất lo lắng về triển vọng của mình sau vài tuần tìm kiếm không có kết quả. "Mỗi đêm tôi đều lo lắng tới mất ngủ, nếu không tìm được việc làm thì tôi sẽ không có tiền để trang trải", Yang chia sẻ với AFP.
Một nữ sinh viên người Tứ Xuyên đã bỏ việc hồi đầu năm nay để đi học tiếp thạc sĩ. Cô hy vọng được trả lương cao hơn sau khi hoàn thiện khóa học, tuy nhiên cô thừa nhận việc đó sẽ không dễ dàng.
"Tôi nhận thức được rằng các doanh nghiệp muốn tuyển những người mới tốt nghiệp, vì những người này dễ chấp nhận mức lương thấp và dễ sai việc. Dù sao thì cũng có quá nhiều người có bằng thạc sĩ. Hiện chúng tôi vẫn trong thời kỳ hậu Covid, kinh tế bị chững lại, các doanh nghiệp đầu tư ít hơn, nên sẽ khó để tìm một việc làm tử tế", cô chia sẻ.
Sự sụt giảm hậu Covid
Trung Quốc đã công bố một loạt các chỉ số trong những tháng gần đây chỉ ra sự phục hồi kinh tế sau Covid của nước này đang chậm lại, việc nhu cầu của người tiêu dùng yếu cũng khiến các công ty không muốn tuyển dụng thêm nhân sự.
Jing Liu, nhà kinh tế trưởng của Trung Quốc Đại lục tại ngân hàng HSBC, đã chỉ ra rằng: "Dữ liệu hoạt động gần đây cho thấy sự phục hồi đang bị đình trệ. Điều này đã được phản ánh bởi dữ liệu thị trường lao động".
Xie Wei, giám đốc tuyển dụng 39 tuổi tại một công ty dịch vụ viễn thông, nói với AFP rằng các công ty vẫn còn tồn tại sau 3 năm gián đoạn kinh doanh trong thời kỳ đại dịch hiện đã kén chọn hơn khi tiếp nhận nhân viên mới. Điều họ chú trọng hơn cả đó là duy trì công ty còn hoạt động.
"Các công ty đã phục hồi sẽ chọn một hướng đi, và hướng đi này trước hết là công ty phải tồn tại", ông nói. Wei cũng cho biết thêm rằng ông cảm thấy rằng những người lao động trẻ, đặc biệt là những người sinh sau giữa những năm 1990 do không có áp lực tâm lý nên có thể lười biếng hơn, phản ánh quan điểm của chính phủ rằng thanh niên nên sẵn sàng chịu đựng khó khăn.
Tuy nhiên, Li Xiangyang, một cựu giám đốc truyền thông xã hội 26 tuổi đang tìm kiếm một công việc mới, nói rằng còn thiếu sót về các chính sách để có thể thúc đẩy việc làm. Ở các thành phố hạng 2 hoặc hang 3, sẽ có vài ngành có rất ít các cơ hội để phát triển.
Trung Quốc trong những tuần gần đây đã công bố một loạt biện pháp nhằm thúc đẩy tiêu dùng, bao gồm các lễ hội và sự kiện thể thao quy mô lớn, cũng như tăng chi tiêu cho các dịch vụ liên quan đến ăn uống và chăm sóc sức khỏe.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng chính phủ cần phải làm nhiều hơn nữa để củng cố niềm tin của người tiêu dùng và người sử dụng lao động. Nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa Trung Quốc đã giảm đáng kể. Ngoài ra còn có những lo ngại về bong bóng nợ của chính quyền địa phương và thị trường nhà đất.
Hơn một phần ba số gian hàng tại một hội chợ việc làm ở phía Bắc Bắc Kinh đã được các công ty bảo hiểm đảm nhận với hy vọng thuê được các đại diện bán hàng mới, với các nhân viên của công ty đang rà soát cơ sở để tìm kiếm những tân binh đầy triển vọng.
Yang, một nhân viên bán bảo hiểm ở độ tuổi 40 cho biết: "Đối với các đại diện bảo hiểm, chúng tôi luôn có thể mở rộng đội ngũ của mình nên không có giới hạn về số lượng tuyển dụng".
Sau làn sóng sa thải trong các ngành khác như giáo dục, tương đối nhiều nhân tài đang đổ vào lĩnh vực này, thu nhập từ phần trăm hoa hồng có thể lên đến hơn một triệu nhân dân tệ (137.300 USD) trong nửa năm, theo các nhà tuyển dụng quảng cáo tại hội chợ việc làm.
Tình trạng thất nghiệp của thanh niên đang được các nhà kinh tế theo dõi chặt chẽ, khi mà con số kỷ lục 11,58 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học dự kiến sẽ gia nhập thị trường việc làm Trung Quốc trong năm nay.
(Nguồn: Indian Times)