Thế hệ nạn nhân đầu tiên của phương pháp "giáo dục gà con": Khi cuộc đời bị chính cha mẹ hủy hoại dưới cái cớ yêu thương

Hầu hết những đứa trẻ được nuôi dạy theo mô hình "gà công nghiệp" đều không thành công như cha mẹ kỳ vọng.

Đầu tháng 9, mạng xã hội Trung Quốc đã tranh cãi gay gắt trước câu chuyện người mẹ lấy trộm giấy báo nhập học của con gái. Để giữ con bên mình, bà bắt cô gái phải nộp đơn vào một trường học bình thường ở địa phương rồi trở về quê làm việc sau khi tốt nghiệp. Trong khi đó, ước mơ của cô con gái là được học tại Học viện Hý kịch Trung ương và trở thành diễn viên.

Mặc dù sau đó dưới sức ép của dư luận, người mẹ đã đồng ý cho con theo đuổi ước mơ của mình nhưng sự việc này đã để lại nhiều suy ngẫm. 

Thế hệ "gà con" đầu tiên

Vương Thực Dục - một nhà văn trẻ Trung Quốc đã tự nhận mình là thế hệ trẻ em đầu tiên được nuôi dưỡng bởi phương pháp "nuôi gà". Cô còn xuất bản một cuốn sách tên Mẹ Ơi! Đây Là Cuộc Sống Của Con để kể về hành trình lớn lên trong nhung lụa nhưng đầy đau đớn của mình. 

Ở góc độ thành tích học tập, mẹ của Vương Thực Dục quả thực đã nuôi dạy con rất thành công theo tiêu chuẩn xã hội. Cô đã tốt nghiệp các trường danh tiếng như Trường trung học cơ sở số 4 Bắc Kinh, tốt nghiệp hạng nhất khoa đạo diễn Học viện Điện ảnh Bắc Kinh, du học trường G5 ở London,…

Nhưng trải nghiệm lớn lên của cô thì lại mang cảm xúc hoàn toàn trái ngược. Sau cùng, nghề nghiệp cuối cùng cô chọn chính là nghề mà mẹ đã phản đối nhất. Cô cho biết mình không thể cảm thấy hạnh phúc thực sự, bị rối loạn lưỡng cực, có ý định tự tử nhiều lần trong suốt quá trình trưởng thành. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vương Thực Dục chia sẻ, con đường trở thành gà con của cô bắt đầu từ tính cạnh tranh của "mẹ hổ". Ngay từ khi còn học tiểu học, cô đã phải dành những ngày cuối tuần của mình ở ba trường luyện thi khác nhau, chia làm ba ca. Dù học ngày học đêm, cô vẫn mất cơ hội vào trường cấp hai trọng điểm vì đối thủ còn mạnh hơn nhiều. Cô vào một ngôi trường khác cũng rất tốt, nhưng phải đi 1 tiếng rưỡi tàu điện ngầm mỗi ngày để đi học. Trong suốt một tiếng rưỡi này, cô học từ mới tiếng Anh, làm toán, thậm chí còn làm bài tập ở tư thế đứng.

Lên cấp 3, Vương Thực Dục được nhận trường trung học số 4 Bắc Kinh - ngôi trường có thể coi là tốt nhất toàn quốc. Nhưng lý do cô gái được nhận là vì giáo viên nhà trường đọc được cuốn tiểu thuyết trên mạng của cô. Vương Thực Dục luôn thích viết lách và sáng tác, nhưng đây cũng là sở thích bị mẹ cô ngăn cản vì "tốn thời gian vô bổ".

Dùng hết sức để nuôi dạy "gà con" thành những người bình thường

Dưới góc nhìn của người ngoài, Vương Thực Dục là "gà con" may mắn khi có thể tiếp nhận nền giáo dục cao cấp bậc nhất. Nhưng không phải tất cả những học sinh tốt nghiệp trường trung học cơ sở số 4 Bắc Kinh đều vào Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa hay Ivy League để sống một cuộc sống hào nhoáng như người ta tưởng. Thực chất, đó vẫn chỉ là số ít. Ngay cả khi đã ở vị trí tốt như vậy rồi, số đông "gà con" khi ra đời vẫn sẽ là "người bình thường".

Sau nhiều năm họp lớp, nữ nhà văn tổng kết: "Chúng tôi đa phần vào một trường đại học ít nổi tiếng hơn, rồi chăm chỉ để tốt nghiệp, chăm chỉ đi thực tập, chăm chỉ tìm một công ty kế toán, một công ty luật, một công ty Internet lớn để làm việc tăng ca mỗi ngày và kiếm được mức lương vừa đủ sống ở Bắc Kinh. Khi bước sang tuổi 30, chúng tôi phải tìm cách kết hôn, trả tiền mua nhà, sinh con, trả nợ thế chấp, mua chiếc túi xách sang trọng đắt tiền hơn để đi họp lớp,… Đây là cuộc sống của những người bình thường như chúng tôi". 

Nếu ngay cả khi có được nguồn lực giáo dục hàng đầu vẫn chỉ nuôi dạy những đứa trẻ thành người bình thường trong xã hội, vậy cần phải xác định khái niệm thành công hay thất bại như thế nào?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Khi sang Mỹ theo diện học sinh trao đổi ở trường trung học, Vương Thực Dục sống với một gia đình bản xứ. So với trẻ em Trung Quốc suốt ngày học và làm bài tập về nhà, cô nhận thấy bạn bè Mỹ đồng tuổi có vẻ vui vẻ và thoải mái hơn. Cô bắt đầu cảm thấy có lỗi với chính mình. Sự giáo dục kiểu "nuôi gà" đã khiến cô dành toàn bộ thời gian của mình cho việc học. Việc không được nghỉ ngơi cho đến khi làm xong bài tập về nhà giống như một điều hiển nhiên mà đến tận năm 16 tuổi, cô mới lần đầu nghi ngờ. 

Ai cũng là nạn nhân 

Nguyên nhân của kiểu giáo dục "chỉ biết học" đến từ việc cạnh tranh trong xã hội ngày càng tăng. Cả người làm cha mẹ lẫn con cái đều bị áp lực trước những tiêu chuẩn quá cao và luôn cảm thấy rằng mình làm chưa đủ tốt.

Vương Thực Dục phân tích nguồn gốc của tình thế tiến thoái lưỡng nan mà cô gặp phải lúc đó: Những người như cô thuộc thế hệ con một từ nhỏ đã được cha mẹ, thầy cô và xã hội đặt nhiều kỳ vọng. Họ bị kìm cặp trong tư tưởng phải học, phải nỗ lực hết sức mới có thể thành công và hạnh phúc. Nhưng khi trưởng thành, khi đối mặt với thế giới thực đa dạng phức tạp, sự thất vọng, bất lực cũng như những nghi ngờ về giá trị bản thân xuất hiện đã khiến họ sụp đổ. Bước ra khỏi cuộc đời không có gì khác ngoài sách vở và sự bảo bọc của cha mẹ, sự chuyển đổi từ "hy vọng" sang "thất vọng" gần như đã đè bẹp họ.

Những "gà con" dần mất kiểm soát cuộc sống và gặp khủng hoảng hiện sinh. Họ không còn hứng thú với cuộc sống cho đến khi mắc chứng trầm cảm hoặc chọn sống theo kiểu buông xuôi, không còn muốn nỗ lực cố gắng vì cảm thấy không có động lực.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bản thân mẹ của Vương Thực Dục cũng đã hối tiếc vì cách dạy con của mình. Bà cho biết: "Nếu tôi có thể làm lại, khi con gái muốn giúp tôi nấu cơm, tôi sẽ dạy con cách nấu nướng thay vì nói vào phòng học bài đi. Nếu có thể làm lại, tôi sẽ trả lại tuổi thơ cho con, để con ra đi tìm kiếm hạnh phúc, để hạnh phúc đi cùng con bé suốt cuộc đời".

Làm chủ cuộc sống của chính mình là mong muốn bản năng của mỗi người và đó cũng là một khả năng cần phải học hỏi trong suốt cuộc đời. Thế nhưng những đứa trẻ "gà con" đã bị cắt bỏ kỹ năng này từ khi còn trong trứng nước, trở thành sản phẩm công nghiệp của cha mẹ. Nhân danh "vì tốt cho con", họ liên tục xâm phạm ý chí chủ quan của con trẻ, hoàn toàn kiểm soát cuộc sống của con. Tồn tại trong một thời đại quá cạnh tranh, quá nhiều tiêu chuẩn đánh giá bên ngoài, cả hai thế hệ đã bị cuốn vào một vòng xoáy độc hại như vậy.

Chi Chi

Bố mẹ ở nhà ăn cơm trắng với rau, con ra ngoài đãi bạn ăn linh đình, đây là kiểu nuôi dạy con tai hại nhất

Bố mẹ ở nhà ăn cơm trắng với rau, con ra ngoài đãi bạn ăn linh đình, đây là kiểu nuôi dạy con tai hại nhất

Nuôi dạy sai cách sẽ làm hại con của bạn, khiến con trở thành đứa trẻ ích kỷ và phù phiếm.