Giá cà phê thế giới tăng giảm trái chiều
Cập nhật bảng giá cà phê hôm nay 24/3 cho thấy, giá cà phê trong nước giảm 100 đồng/kg tại hầu hết các tỉnh, thành.
Giá cà phê thấp nhất ở Lâm Đồng hiện được dao dịch ở mức 41.200 đồng/kg, cao nhất ở Đắk Lắk 41.800 đồng/kg.
Ghi nhận từ Food News, giá cà phê trực tuyến robusta tại sàn London giao tháng 5/2022 giảm xuống mức 2.142 USD/tấn, giảm mạnh 1,29% (tương đương 28 USD).
Giá cà phê arabica giao tháng 5/2022 tại sàn New York tăng mạnh lên 225,85 US cent/pound, tăng nhẹ 0,36% (tương đương 0,80 US cent) tại thời điểm khảo sát.
Giá cà phê thế giới diễn biến trái chiều khi chứng khoán Mỹ phục hồi, hút lại dòng vốn từ vàng, dầu thô và các sàn nông sản. Ngoài ra, tồn kho đạt chuẩn tiếp tục tăng cũng khiến giá cà phê thế giới chững lại trong phiên vừa qua.
Năm 2022, dung lượng thị trường nhập khẩu cà phê của EU rất lớn, Việt Nam còn nhiều dư địa đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là 5 thị trường hàng đầu thế giới như Mỹ, Đức, Pháp, Canada và Italy nhờ lợi thế về thuế xuất khẩu và nguồn cung cà phê chất lượng cao gia tăng.
Các nhà xuất khẩu cà phê đang bắt đầu phải đối mặt với những khó khăn về lĩnh vực hậu cần, một số container cà phê của Honduras đang bị mắc kẹt ở vùng biển quốc tế.
Theo Hiệp hội Cà phê Việt Nam (Vicofa), Nga là thị trường nhập khẩu và tiêu thụ cà phê Việt Nam xếp thứ 7 sau EU. Khoảng gần 60% loại cà phê mà Nga nhập khẩu là Robusta.
Vicofa nhận định, xung đột Nga–Ukraine sẽ tạo ra thay đổi rất lớn về thương mại cà phê. Đồng Ruble của Nga hiện giảm hơn một nửa giá trị và thương mại đang bị các quốc gia khối G7, EU, NATO, Mỹ, Nhật Bản... trừng phạt.
Những hãng vận tải biển lớn như Maersk cũng phản đối cuộc chiến bằng cách dừng toàn bộ việc vận chuyển vào Nga. Thị trường Nga phút chốc bỗng trở nên rủi ro trong hầu như tất cả các hoạt động thương mại xuất nhập khẩu.
Giá tiêu trong nước giảm mạnh
Giá tiêu hôm nay 24/3 giảm mạnh từ 500 – 1.000 đồng/kg, thị trường trong nước hồ tiêu đang giao dịch từ 77.500 – 80.000 đồng/kg.
Giá tiêu tại Chư Sê (tỉnh Gia Lai): 77.500 đồng/kg, Bà Rịa – Vũng Tàu: 80.000 đồng/kg, vẫn giữ mức cao nhất thị trường.
Giá tiêu tại Đắk Lắk và Đắk Nông hiện được dao dịch ở mức giá 78.500 đồng/kg, Bình Phước: 79.000 đồng/kg, Đồng Nai: 79.000 đồng/kg.
Trung tâm hỗ trợ nhập khẩu từ các nước đang phát triển (CBI) cho biết, nhập khẩu tiêu đen của châu Âu đã tăng trung bình 5%/năm trong giai đoạn năm 2016 - 2020.
CBI dự kiến, tiêu thụ tiêu đen của châu Âu sẽ tiếp tục tăng với tốc độ ổn định do sự gia tăng dân số châu Âu. Trong 5 năm tới, nhập khẩu có khả năng tăng với tốc độ hàng năm khoảng 1 - 2%.
Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine được cho là không ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam. Xét về tỷ trọng, Nga chỉ chiếm 1,6% và Ukraine chỉ chiếm 0,3%.
Còn với Trung Quốc, thị trường này vẫn đang là một ẩn số và phụ thuộc nhiều vào các chính sách kiểm soát dịch COVID-19 của Trung Quốc.
Ở Đông Nam Á, nhiều tuần nay giá tiêu giao dịch trong nước và quốc tế của Indonesia không có nhiều giao dịch nên ít biến động.
Thị trường Malaysia và Việt Nam cũng khá trầm lắng. Ở trong nước, các địa phương đang bước vào thu hoạch vụ mới, do đó các nhà nhập khẩu muốn chờ đợi nguồn cung dồi dào và giá cả dịu bớt.
Dự kiến họ sẽ bắt đầu tăng mua kể từ tháng 4/2022 trở đi, khi Việt Nam vào thu hoạch giai đoạn cuối.
Triển vọng nhu cầu hạt tiêu năm 2022 đang tương đối tích cực khi các quốc gia trên thế giới đã ứng phó được phần nào dịch bệnh COVID-19, tiến hành mở cửa trở lại các nhà hàng, quán ăn… khiến cho lượng tiêu thụ gia vị hạt tiêu tăng trở lại.
Thị trường cao su vẫn chưa khởi sắc
Giá cao su hôm nay biến động trái chiều, giá cao su tại Trung Quốc tăng mạnh. Việt Nam là nhà cung cấp cao su lớn thứ 3 cho Ấn Độ.
Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su hôm nay kỳ hạn tháng 7/2022, tăng mạnh lên mức 253,9 JPY/kg, tăng mạnh 3,4 yên, tương đương 1,36%.
Giá cao su kỳ hạn tháng 4/2022 trên sàn Thượng Hải giảm nhẹ 40 CNY, xuống mức 13.325 CNY/tấn, tương đương 0,30%.
Giá cao su tại Nhật Bản tăng và tính chung cả tuần tăng lần đầu tiên trong vòng 3 tuần do thị trường chứng khoán Tokyo tăng và nguồn cung nguyên liệu thô từ Thái Lan hạn chế.
Trên sàn Singapore, giá co su kỳ hạn tháng 4 giảm 0,1% xuống 171,5 US cent/kg.
Giá cao su tự nhiên giảm hơn nữa tại Kerala do nhu cầu thấp từ các nhà dự trữ trong nước. Tuy nhiên, các thương nhân cho biết, lo ngại về nguồn cung đã bắt đầu làm giảm giá.
Các chuyên gia cho biết, sản lượng cao su tự nhiên của Ấn Độ có thể giảm do mưa lớn vào tháng 10 và tháng 11 ở Kerala, nhà sản xuất lớn nhất của nước này, gây ảnh hưởng đến mùa khai thác cao điểm.
Dự báo, giá cao su có khả năng tăng do kỳ vọng nhu cầu từ người mua số lượng lớn sẽ đi lên, bên cạnh đà tăng của giá dầu thô.
Giá lúa, gạo biến động trái chiều
Tại An Giang, giá lúa hôm nay có nhiều biến động trái chiều. Cụ thể, lúa Jasmine giảm 100 đồng/kg xuống còn 5.700 - 5.900 đồng/kg. Tương tự, IR 50404 cũng đã giảm 100 đồng/kg trong hôm nay, hiện thương lái đang thu mua với giá 5.600 - 5.700 đồng/kg. Sau khi giảm 200 đồng/kg, lúa Đài thơm 8 đã được điều chỉnh về mức giá cũ là 5.800 - 6.000 đồng/kg.
Ở chiều ngược lại, lúa OM 18 tăng nhẹ 100 đồng/kg, hiện có giá khoảng 5.800 - 6.000 đồng/kg.
Đối với các giống nếp, hai loại nếp Long An (tươi) và nếp vỏ (tươi) lần lượt giảm 200 đồng/kg và 350 đồng/kg. Theo đó, nếp vỏ (tươi) hiện được điều chỉnh về mốc 5.450 - 5.600 đồng/kg còn nếp Long An (tươi) là 5.500 - 5.850 đồng/kg.
Giá lúa mì giảm nhẹ, giá đậu tương tăng
Giá đậu tương Mỹ tăng, khi nhu cầu xuất khẩu đối với nguồn cung Mỹ vẫn tăng ngay cả khi vụ thu hoạch tại Nam Mỹ đã bắt đầu.
Trên sàn Chicago, giá lúa mì đỏ, mềm vụ đông kỳ hạn tháng 5/2022 giảm 1 US cent xuống 11,18-1/4 USD/bushel. Giá đậu tương kỳ hạn tháng 5/2022 tăng 5-1/2 US cent lên 16,96-1/2 USD/bushel.
Ukraine đối mặt với khoản thiệt hại ngũ cốc có thể lên tới 6 tỷ USD do quân đội Nga phong tỏa các cảng của Ukraine khiến nước này không thể bán hàng triệu tấn lúa mì và ngô được.
Các nước phụ thuộc vào nhập khẩu lúa mì của Ukraine - bao gồm Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Yemen có thể sẽ cần tìm nguồn cung cấp thay thế.
(Tổng hợp)