Thiền sư Nhất Hạnh viên tịch tại Huế

Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch tại Tổ đình Từ Hiếu, phường Thủy Xuân, TP Huế lúc 0h ngày 22/1, ở tuổi 96, theo cáo phó của tăng đoàn Làng Mai.

Sáng nay 22/1, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho biết Thiền sư Nhất Hạnh đã viên tịch tại Chùa Từ Hiếu (TP.Huế, Thừa Thiên - Huế) lúc 00:00 giờ ngày 22/1/2022 (nhằm ngày 20 tháng Chạp năm Tân Sửu).

Theo bức thư của Thiền sư Thích Nhất Hạnh trước đây, ông từng bày tỏ nguyện mong muốn được tịnh dưỡng lâu dài cho đến cuối đời tại Tổ đình Từ Hiếu (TP.Huế, Thừa Thiên- Huế).

Thiền sư Nhất Hạnh trở về chùa Từ Hiếu từ tháng 10/2018 và và an trú từ đó đến nay. Trước đó, sau khi hồi phục sau đợt tai biến, từ Pháp ngài đã trở về Làng Mai tại Thái Lan một thời gian.

  Thiền sư Thích Nhất Hạnh thỉnh chuông tại Làng Mai (Pháp), năm 2009. Ảnh: Plumvillage.org

Thiền sư Thích Nhất Hạnh thỉnh chuông tại Làng Mai (Pháp), năm 2009. Ảnh: Plumvillage.org

Trong cuốn sách Thế giới Phật giáo (The Buddhist World) của GS.TS Phật học John Powers (một học giả Phật học người Úc) do Nhà xuất bản Routledge Worlds xuất bản, đã chọn Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một trong 13 vị thầy đã góp phần vào sự hình thành và phát triển của đạo Phật (Bụt) trên toàn thế giới trong suốt quá trình 2.500 năm lịch sử của Phật giáo.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh, thế danh Nguyễn Xuân Bảo, sinh năm Bính Dần (1926) tại làng Thành Trung, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, là con kế út trong gia đình có sáu anh chị em. Năm 1942, ông xuất gia tại Tổ đình Từ Hiếu với Thiền sư Thanh Quý Chân Thật, được ban pháp danh Trừng Quang.

Năm 1949, ông rời Huế vào Sài Gòn tiếp tục tu học, bắt đầu sự nghiệp sáng tác với pháp hiệu Thích Nhất Hạnh.

Tháng 5/1966, thiền sư rời Việt Nam; hoạt động ở nhiều nước và từng trụ trì tại chùa Làng Mai, phía nam nước Pháp trong nhiều thập kỷ.

Ông là người đưa ra khái niệm "Phật giáo dấn thân" (engaged Buddhism) trong cuốn sách Vietnam: Lotus in a Sea of Fire, do ông viết. Với những hoạt động không ngừng nghỉ của mình, thiền sư Thích Nhất Hạnh trở thành giảng viên, nhà văn, nhà thơ, nhà hoạt động xã hội và là nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai ở phương Tây, chỉ sau Đạt Lai Lạt Ma, theo đánh giá của một số hãng tin nước ngoài.

Thanh Mai