Thiếu hụt lao động, các công ty Nhật chuyển sang dùng robot

Là quốc gia có tỉ lệ dân số già nhất thế giới, nhiều công ty Nhật Bản tìm đến công nghệ như một giải pháp tiết kiệm lao động.

Là quốc gia có tỉ lệ dân số già nhất thế giới, với 1/3 số dân có độ tuổi từ 65 trở lên, tình trạng thiếu hụt lao động tại Nhật luôn là một thử thách khó khăn.

Ngày càng nhiều các công ty có xu hướng tìm đến công nghệ như một lời giải, trong đó có hai hệ thống cửa hàng tiện lợi lớn nhất tại Nhật là FamilyMart và Lawson.

Mới đây, Lawson đã triển khai áp dụng con robot đầu tiên trong hệ thống của mình tại Tokyo, trong khi FamilyMart đã thử nghiệm robot này tại hệ thống của mình và có dự định sẽ áp dụng chúng trong 20 cửa hàng của hệ thống vào năm 2022.

Robot Model-T được phát triển bởi công ty khởi nghiệp Nhật Bản Telexistence (Ảnh:CNN).
Robot Model-T được phát triển bởi công ty khởi nghiệp Nhật Bản Telexistence (Ảnh:CNN).

Robot được triển khai trong hai hệ thống cửa hàng tiện lợi trên có tên là Model-T, được phát triển bởi công ty startup Telexistence tại Nhật. Robot này cao hơn 2 mét, di chuyển trên một bệ có bánh xe và được trang bị với máy quay camera, microphone và một số thiết bị cảm biến. Mỗi cánh tay có 3 ngón, robot này hiện có thể giúp xếp một số loại hàng hóa lên các kệ hàng như chai nước, đồ hộp và các bát ăn cơm.

“Nó có thể cầm, hay nhặt và đặt một vài hàng hóa có hình dáng và kích thước khác nhau vào những vị trí khác nhau. Nó khác so với những robot được dùng trong Walmart để quét hàng hóa trên kệ, hay robot được dùng trong kho hàng chỉ có thể nhặt một loại hàng giống nhau tại một điểm và đặt nó vào một nơi nhất định. Giới hạn di chuyển của những robot đó hoàn toàn bị giới hạn so với robot mới này của chúng tôi”, ông Matt Komatsu, trưởng bộ phận phát triển và kinh doanh tại Telexistence cho biết.

Hoạt động bằng chế độ điều khiển từ xa

Model-T hiện có thể làm việc bằng điều khiển từ xa bởi nhân viên cửa hàng. Nhân viên này được đeo một thiết bị thực tại ảo (VR) và đôi găng đặc biệt cho phép người này cảm nhận được những mặt hàng mà robot đang nắm giữ. Mics và tai nghe cho phép họ trao đổi với mọi người trong cửa hàng.

Công ty Telexistence dự kiến sẽ cung cấp robot và thiết bị VR này miễn phí, dù không nói rõ về mức giá nhưng được biết thiết bị sẽ có mức phí khá cạnh tranh so với lao động từ con người.

Model-T được điều khiển từ xa bởi con người (Ảnh từ clip).
Model-T được điều khiển từ xa bởi con người (Ảnh từ clip).

Theo ông Komatsu, robot này có thể được điều khiển từ bất cứ nơi nào trên thế giới. Trong buổi thử nghiệm hồi tháng 8 tại một cửa hàng FamilyMart ở Tokyo, người điều khiển đã ở trong văn phòng công ty Telexistence cách cửa hàng khoảng 5km.

Điều này sẽ giúp cho việc tuyển dụng nhân công được dễ dàng hơn, và có tiềm năng có thể tuyển người từ nước ngoài với chi phí thấp. Việc điều khiển robot theo ông cũng khá dễ dàng, không yêu cầu một người có kĩ năng thành thạo.

“Robot điều khiển từ xa này cho phép một người có thể làm ở nhiều cửa hàng”, đại diện của FamilyMart, ông Satoru Yoshizawa cho biết.

Theo ông, các cửa hàng của hệ thống rất khó khăn trong việc tuyển lao động chỉ làm việc khoảng 3-5 tiếng một ngày để xếp hàng hóa. Với robot này, một người có thể điều khiển để xếp hàng tại nhiều cửa hàng khác nhau, giúp công ty tập trung vào tuyển nhân viên ở quầy tính tiền.

So với các quốc gia khác, tình trạng thiếu hụt nguồn lao động tại Nhật đồng nghĩa với việc ít lo ngại về việc robot khiến con người mất việc. Theo báo cáo năm 2020 của công ty tư vấn quản lý McKinsey, trước đại dịch Covid-19, Nhật Bản đang trên đà tự động hóa 27% công việc hiện có vào năm 2030. Mặc dù có thể sẽ thay thế công việc của 16 triệu người, nhưng đất nước này vẫn thiếu hụt 1,5 triệu lao động.

Chính phủ Nhật hiện cũng đã có một số động thái mở cửa cho lao động nhập cư, nhưng các chuyên gia cho rằng lao động nhập cư cũng khó có thể sớm bù được vào lượng lao động đang già hóa này.

Theo bà Gee Hee Hong, một nhà kinh tế học tại Quỹ tiền tệ quốc tế cho biết việc dùng “công nghệ tiết kiệm lao động” này là một phần giải pháp nhưng Nhật vẫn còn nhiều trở ngại cần vượt qua trước khi áp dụng robot rộng rãi trong cuộc sống hàng ngày, như việc cần một khung pháp lý cho việc sử dụng những công nghệ như này song hành cùng người dân, chẳng hạn như việc bảo vệ khách hàng và dữ liệu.

Đại dịch Covid-19 đẩy nhanh quá trình tự động hóa

Robot trước hết sẽ được điều khiển từ xa, cho đến khi AI học được cách bắt chước cử chỉ của con người (Ảnh:CNN).
Robot trước hết sẽ được điều khiển từ xa, cho đến khi AI học được cách bắt chước cử chỉ của con người (Ảnh:CNN).

Nhu cầu tự động hóa nhanh chóng tăng nhanh trong thời kỳ đại dịch do robot giúp hạn chế giao tiếp giữa người và người. Ông Komatsu cho biết công ty đã nhận được sự quan tâm về dịch vụ gia tăng đáng kể từ các đối tác tiềm năng và khách hàng.

Tuy nhiên, robot Model-T vẫn còn một chặng đường dài để có thể hoạt động như một con người. Hiện tại, robot này mất tới 8 giây để xếp một mặt hàng lên kệ, trong khi con người chỉ mất khoảng 5 giây. Bên cạnh đó, robot này hiện mới chỉ có thể xử lý được những sản phẩm đã được đóng gói mà chưa thể hiệu quả với các sản phẩm khác như hoa quả hay rau củ.

Hiện công ty Telexistence vẫn đang làm việc để cải thiện những giới hạn này. Với việc sử dụng AI, công ty hy vọng có thể dạy robot bắt chước các cử chỉ của con người một cách tự động để có thể tự mình hoạt động mà không cần người điều khiển.

TM (theo CNN)

Bài viết được tạo ra hoàn toàn bởi AI: 'Với tôi, việc xóa sổ loài người là một nỗ lực vô nghĩa'

Bài viết được tạo ra hoàn toàn bởi AI: 'Với tôi, việc xóa sổ loài người là một nỗ lực vô nghĩa'

Tạp chí Phụ nữ Mới xin lược dịch một bài viết được đăng trên trang Guardian của một robot có trí tuệ AI đáng kinh ngạc có tên GPT-3.