Thổ Nhĩ Kỳ có thể chấp nhận cho Phần Lan gia nhập NATO

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã gợi ý rằng Ankara có thể chấp thuận đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan trước khi đưa ra quyết định về đề xuất của Thụy Điển.

Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) dự kiến tổ chức một hội nghị thượng đỉnh vào tháng 7 tại thủ đô Vilnius của Litva. Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ là hai quốc gia duy nhất trong liên minh chưa phê chuẩn việc gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan.

TT Erdogan cho biết trong một video được phát vào Chủ nhật (29/1) – trong đó người ta thấy ông nói chuyện với những người trẻ tuổi ở tỉnh Bilecek của nước này rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể chọn chấp thuận tư cách thành viên NATO của Phần Lan chứ không phải Thụy Điển.

"Nếu cần, chúng tôi có thể đưa ra một thông điệp khác về Phần Lan", ông Erdogan nói. "Thụy Điển sẽ bị sốc khi chúng tôi đưa ra thông điệp khác về Phần Lan", ông nói thêm.

Thổ Nhĩ Kỳ có thể chấp nhận cho Phần Lan gia nhập NATO   - Ảnh 1.

Thổ Nhĩ Kỳ có thể chấp nhận cho Phần Lan gia nhập NATO nhưng không đồng ý Thụy Điển.

"Nếu bạn thực sự muốn gia nhập NATO, bạn sẽ trả lại những kẻ khủng bố này cho chúng tôi", ông Erdogan nói, đề cập đến yêu cầu của Ankara rằng Thụy Điển phải dẫn độ các chiến binh người Kurd sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Đầu tuần này, Phần Lan ám chỉ rằng họ có thể tham gia liên minh quân sự NATO một mình nếu nỗ lực của Stockholm không đạt được tiến triển.

Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto cho biết: "Chúng tôi vẫn phải đánh giá tình hình nếu hồ sơ của Thụy Điển bị đình trệ trong một thời gian dài".

Trước cuộc tấn công của Nga vào Ukraina, Thụy Điển và Phần Lan đã cùng nộp đơn xin gia nhập NATO, chấm dứt tình trạng không liên kết quân sự lâu nay..

Thổ Nhĩ Kỳ đã cáo buộc Stockholm hỗ trợ các chiến binh người Kurd và các nhóm mà nước này cáo buộc thực hiện âm mưu đảo chính bất thành vào năm 2016.

Ankara cũng đã nổi giận trước việc nhà hoạt động cực hữu người Đan Mạch gốc Thụy Điển Rasmus Paludan đốt một bản sao Kinh Qur'an trước đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Stockholm. Sau cuộc biểu tình củ nhóm cực hữu, ông Erdogan nói với Thụy Điển rằng đừng trông đợi vào sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với nỗ lực thành lập NATO của Stockholm.

Na Uy, Đan Mạch và Thụy Điển đã ban hành một khuyến cáo kêu gọi công dân ở Thổ Nhĩ Kỳ tránh tụ tập đông người do các cuộc biểu tình phản đối việc đốt Kinh Qur'an của Paludan. Vào thứ Bảy, Thổ Nhĩ Kỳ đã cũng đã đưa ra một khuyến cào dành cho công dân của mình ở châu Âu, viện dẫn nguy cơ "các cuộc tấn công theo đạo Hồi, bài ngoại và phân biệt chủng tộc".

Đầu tháng này, Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu đại sứ Thụy Điển về một đoạn video cho thấy hình nộm của ông Erdogan bị treo trên một sợi dây tại một cuộc biểu tình ở Stockholm.

(AP, AFP)

PV