Thông tin nổi bật tuần qua: Mưa lũ gây thiệt hại lớn ở miền Trung, gay cấn cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ

Tranh luận Phó tổng thống Mỹ, mưa lũ tại miền Trung... là những thông tin nổi bật tuần qua.

Đà Nẵng mở cửa đón du khách trở lại sau dịch COVID-19

Ngày 4/10, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng tổ chức lễ đón đoàn khách du lịch nội địa đầu tiên quay trở lại tham quan du lịch tại thành phố biển Đà Nẵng, sau hơn 2 tháng hoạt động du lịch tại thành phố bị tạm dừng để phòng, chống dịch COVID-19.

Tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng, Đại diện Sở Du lịch Đà Năng tặng quà cho đoàn du khách đầu tiên trở lại du lịch thành phố sau dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN.
Tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng, Đại diện Sở Du lịch Đà Năng tặng quà cho đoàn du khách đầu tiên trở lại du lịch thành phố sau dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN.

Theo đó, đoàn khách 55 người đi máy bay từ thành phố Hà Nội hạ cánh tại Sân bay Quốc tế Đà Nẵng lúc 9 giờ 35 phút ngày 4/10. Đại diện lãnh đạo Sở Du lịch, Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng, Hãng hàng không Vietnam Airlines tại miền Trung tham gia đón đoàn và tặng hoa, quà lưu niệm cho những du khách đầu tiên trở lại thành phố.

Đoàn khách 55 người của Công ty TNHH Thương mại Phúc Thành (Hà Nội) đến Đà Nẵng du lịch do Công ty Lữ hành Việt khai thác, trước đó theo kế hoạch sẽ tham quan Đà Nẵng vào tháng 8/2020 nhưng phải tạm dừng do bùng phát dịch COVID-19 (đợt 2). Hiện nay, tình hình dịch bệnh tại thành phố Đà Nẵng đã được kiểm soát, các hoạt động du lịch trên địa bàn Đà Nẵng đã từng bước được mở lại, đoàn khách Công ty TNHH Thương mại Phúc Thành vẫn tiếp tục tin tưởng chọn lựa Đà Nẵng là điểm đến để khám phá những phong cảnh đẹp, ẩm thực phong phú, hấp dẫn.

Trước đó, để sẵn sàng cho sự khởi động lại của ngành du lịch, Sở Du lịch Đà Nẵng đã triển khai quy trình phòng chống dịch COVID-19 và ký kết với các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong hoạt động du lịch. Hiện đã có 477 khách sạn hoạt động trở lại (trong đó có 43 khách sạn 4-5 sao và tương đương) và 11 trong số 16 khu điểm tham quan du lịch mở cửa.

Hải Phòng: Một người dương tính khi sang Nhật, hơn 160 người bị cách ly

Cơ quan chức năng TP. Hải Phòng đã cách ly 162 trường hợp F1 liên quan đến người Nhật Bản nghi nhiễm COVID-19 làm việc tại 1 công ty ở Thủy Nguyên, theo Tiền Phong.

Ngày 5/10, Sở Y tế Hải Phòng phối hợp các cơ quan chức năng phong tỏa tầng 5 của khách sạn Roygent Parks do trường hợp này từng lưu trú tại đây.

Trường hợp nghi nhiễm COVID-19 là anh T.K., sinh năm 1987, sang Việt Nam làm việc từ 26/6/2018, tại Hải Phòng, anh T.K sinh sống tại quận Lê Chân và chưa về nước lần nào.

Khách sạn Roygent Parks Hải Phòng bị phong tỏa một phần do có người nghi nhiễm COVID-19. Ảnh: Tiền Phong
Khách sạn Roygent Parks Hải Phòng bị phong tỏa một phần do có người nghi nhiễm COVID-19. Ảnh: Tiền Phong

Ngày 5/10/2020 anh T.K bay về Nhật Bản trên chuyến bay Asianna Airline OZ 112, hạ cánh đến Osaka Nhật Bản lúc 10h10 cùng ngày. Sau khi xét nghiệm bằng phương pháp PCR tại sân bay cho kết quả dương tính lần 1 với COVID-19.

Theo thông tin từ anh T.K, sau khi xét nghiệm lần 1 tại sân bay cho kết quả dương tính với COVID-19. Thời gian gần đây, anh T.K không đi đâu khỏi Hải Phòng, hàng ngày đi xe bus cùng với 13 người và lái xe của Công ty T.T từ nơi ở đến nơi làm việc. Trước khi về Nhật Bản, anh T.K đã tổ chức buổi liên hoan chia tay với các đồng nghiệp.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Sở Y tế Hải Phòng đã rà soát, xác định được 162 trường hợp F1, hiện tại đang được cách ly tại nhà, nơi cư trú và đã lấy 125 mẫu xét nghiệm gửi về Trung tâm Y tế dự phòng thành phố làm xét nghiệm. Trung tâm Y tế các quận, huyện đang tiếp tục điều tra, rà soát các trường hợp F2.

Bên cạnh đó, Sở Y tế đã chỉ đạo phun khử khuẩn nơi làm việc và nơi cư trú của anh T.K. Đồng thời, phong tỏa toàn bộ tầng 5 khách sạn Roygent Park, trên đường Võ Nguyên Giáp (quận Lê Chân) gồm 13 phòng, phun thuốc khử trùng tiêu độc tại tầng 5 và khu vực lễ tân của khách sạn. Cách ly 6 người là lễ tân, nhân viên phục vụ phòng tại khách sạn trong khi chờ kết quả xét nghiệm lần 2.

Khách sạn Roygent Park có 20 tầng, mỗi tầng 13 phòng, khách ở từ tầng 4 đến tầng 20 và có tổng cộng 67 nhân viên phục vụ. Từ ngày 18/4/2020, khách sạn có 91 khách lưu trú, trong đó 88 người Nhật Bản, 1 người Hàn Quốc và 2 người Việt Nam. Người nghi nhiễm COVID-19, ở một mình tại phòng 505, tầng 5 của tòa nhà. Tầng này có 10 khách khác cùng đang lưu trú.

Mưa lũ miền Trung : Hơn 20 người chết và mất tích

Mưa lớn những ngày qua khiến nhiều địa phương tại miền Trung bị ngập lụt trên diện rộng, nhiều nơi nước lũ dâng cao, chia cắt nhiều địa bàn. Công tác di dời dân, ứng phó với mưa lũ đang chính quyền các địa phương triển khai quyết liệt, theo báo Chính phủ.

Lực lượng cứu nạn cứu tám thuyền viên trên tàu Vietship 01 bị mắc cạn tại Quảng Trị. Ảnh: báo Nhân Dân
Lực lượng cứu nạn cứu tám thuyền viên trên tàu Vietship 01 bị mắc cạn tại Quảng Trị. Ảnh: báo Nhân Dân

Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Trung Bộ nối với áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trên Biển Đông và trường gió Đông trên cao hoạt động mạnh nên tại tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục có mưa to trên diện rộng.

Đồng thời do vận hành điều tiết các hồ thủy lợi và thủy điện trên địa bàn tỉnh mực nước sông Hương, sông Bồ lên mức trên báo động III. Từ ngày 11/10 có khả năng chịu ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới hoặc bão, tình hình mưa lớn ở Thừa Thiên-Huế còn diễn biến phức tạp, cần chú ý theo dõi các bản tin tiếp theo. Dự báo tiếp tục có mưa lớn trong vài ngày tới, nguy cơ gia tăng lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.

Còn tại Quảng Trị, công tác ứng phó với mưa lũ và tìm kiếm cứu nạn đang được triển khai khẩn trương. Sau 2 ngày nỗ lực, đến hết ngày 9/10, các lực lượng chức năng Quảng Trị đã cứu được 4/12 thuyền viên tàu Vietship 01. Trên tàu Vietship 01 còn 8 thuyền viên, tàu Thanh Thành Đạt 68 trên tàu có 15 thành viên đã trôi dạt vào bãi tắm Cửa Việt, Gio Linh, sức khỏe các thuyền viên trên tàu vẫn đang an toàn và đang chờ cứu hộ.

Tại tỉnh Quảng Bình, từ ngày 9-10/10 lũ trên các sông Kiến Giang tại Lệ Thủy ở mức trên BĐ3, gây ngập lụt trên diện rộng, mực nước trên sông Gianh lũ dao động ở mức BĐ1- BĐ2. Tình trạng ngập lụt xảy ra trên hạ lưu các sông, đặc biệt các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy…với hơn 13.020 ngôi nhà bị ngập lụt, nhiều thôn bản, xã bị chia cắt, cô lập…

Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ  đội Biên Phòng tỉnh triển khai thường trực 100% quân số tại cơ quan, đơn vị, sẵn sàng lực lượng cơ động (30% quân số), phương tiện để tham gia ứng phó mưa lớn, ngập lụt trên các hướng khi có lệnh. Công an tỉnh chủ động thành lập các tổ công tác trực ứng phó với mưa lũ, sẵn sàng tăng cường cho Công an các địa phương trong công tác cứu hộ, cứu nạn.

TP.HCM: 3 toa metro về đến depot Long Bình

Sau hơn 3 giờ vận chuyển từ Cảng Khánh Hội (quận 4), 3 toa tàu của tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã đến depot Long Bình (quận 9) vào sáng 10/10 để chuẩn bị cho công tác lắp đặt vào đường ray (tạm thời).

Toa tàu đầu tiên được 2 cần cẩu  bốc dỡ đưa lên lắp đặt đường ray vào sáng 10/10. Ảnh: Thuận Tiện
Toa tàu đầu tiên được 2 cần cẩu  bốc dỡ đưa lên lắp đặt đường ray vào sáng 10/10. Ảnh: Thuận Tiện

Sau thời gian kiểm tra kỹ thuật cẩn thận, vào khoảng 8h sáng 10/10, toa tàu đầu tiên được 2 cần cẩu bốc dỡ khỏi xe vận chuyển, di chuyển và đặt trực tiếp lên đường ray tạm (có chiều dài khoảng 200m). Quá trình lắp đặt 1 tòa tàu mất hơn một giờ đồng hồ.

Theo kế hoạch, sau khi thử nghiệm tại depot, các bên liên quan sẽ xem xét các kết quả thử nghiệm, tiến hành nghiệm thu. Đạt kết quả thuận lợi sẽ tiếp tục thực hiện thử nghiệm tại các đoạn trên cao và đoạn đi ngầm. Từ đó, Ban quản lý tiếp tục nghiệm thu, đánh giá toàn diện.

Song song đó, phía tổng thầu Hitachi (Nhật Bản) cũng tiến hành sản xuất 48 toa tàu còn lại của gói thầu 51 toa tàu (kích thước dài 21,2 m, rộng 3 m, cao 4,19 m và nặng 36,6 tấn).

Depot Long Bình là điểm cuối của tuyến Metro số 1, có diện tích khoảng 20,9 ha, đặt tại phường Long Bình, quận 9. Depot là khu trung tâm điều khiển và bảo dưỡng tàu đến năm 2040.

Thiết kế Depot gồm các tòa nhà vận hành và bảo dưỡng; xưởng chính bảo dưỡng tàu; các cơ sở hạ tầng bảo dưỡng các thiết bị khác của đường ray, hệ thống điện, tín hiệu, thông tin liên lạc; bãi đỗ tàu; trạm vệ sinh tàu; mạng lưới đường nội bộ bên trong và bên ngoài khu vực; và khu văn phòng.

Bầu cử Mỹ: Hai ứng viên Phó Tổng thống tranh luận trực tiếp, hủy tranh luận lần 2 giữa ông Trump và Biden

Buổi tranh luận diễn ra từ 19h đến 20h30 ngày 7/10 (8h-9h30 sáng 8/10 giờ Hà Nội) tại hội trường Đại học Utah, thành phố Salt Lake và do Susan Page, trưởng đại diện tờ USA Today tại thủ đô Washington, điều hành. Hai ứng viên tranh luận liên tục 90 phút và không có quảng cáo xen ngang, theo VnExpress.

Bà Kamala Harris và ông Mike Pence có cuộc tranh luận ứng viên phó tổng thống. Ảnh: AFP
Bà Kamala Harris và ông Mike Pence có cuộc tranh luận ứng viên phó tổng thống. Ảnh: AFP

Harris làm nên lịch sử khi bước lên sân khấu, trở thành người phụ nữ da màu và gốc Nam Á đầu tiên tham gia tranh luận tổng tuyển cử. Hai ứng viên giữ khoảng cách hơn 3,5m giữa hai tấm chắn trong suốt để hạn chế nguy cơ lây nhiễm COVID-19.

Viện Brookings (Mỹ) gọi cuộc tranh luận giữa Phó Tổng thống Mike Pence của đảng Cộng hoà và ứng viên phó tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris là cuộc  tranh luận phó tổng thống  quan trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ, theo LĐO.

5 chủ đề nóng trong cuộc tranh luận giữa bà Harris và ông Pence: COVID-19, cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, biến đổi khí hậu, quyền phá thai của phụ nữ, hệ thống tư pháp.

Cuộc tranh luận diễn ra khá trật tự với các ứng cử viên phần lớn thời gian ít khi chen ngang hoặc cắt lời nhau trong khi người điều phối đã thực hiện khá tốt vai trò của mình.

Ủy ban về các cuộc tranh luận tổng thống (CPD) đã chính thức hủy bỏ cuộc tranh luận bầu cử Mỹ thứ hai giữa Tổng thống Donald Trump và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden dự kiến diễn ra vào ngày 15/10.

Động thái này diễn ra sau khi các ứng viên ra tín hiệu cho biết họ có kế hoạch tham dự các sự kiện khác vào ngày 15/10 trong bối cảnh có tranh cãi về các điều kiện tham gia tranh luận, The Hill đưa tin.

Tổng thống Donald Trump và ứng viên tổng thống đảng Dân chủ, cựu Phó Tổng thống Joe Biden trong cuộc tranh luận bầu cử Mỹ đầu tiên hôm 29/9 ở Cleveland. Ảnh: AFP.
Tổng thống Donald Trump và ứng viên tổng thống đảng Dân chủ, cựu Phó Tổng thống Joe Biden trong cuộc tranh luận bầu cử Mỹ đầu tiên hôm 29/9 ở Cleveland. Ảnh: AFP.

Thông báo hủy tranh luận giữa ông Trump và Biden được công bố chấm dứt suy đoán về việc sự kiện có diễn ra theo định dạng trực tuyến không sau khi Tổng thống Donald Trump phản đối kế hoạch của ủy ban về việc chuyển cuộc tranh luận sang hình thức trực tuyến do lo ngại về y tế sau khi tổng thống mắc COVID-19, thoe LĐO.

Tuy nhiên, Trump ngay lập tức phản đối, gọi đề xuất này là "không chấp nhận được" và khẳng định ông đã đánh bại Biden "một cách dễ dàng trong cuộc tranh luận đầu tiên". Chiến dịch của ông đề xuất lùi tranh luận lần hai đến 22/10 và chuyển cuộc tranh luận cuối cùng sang ngày 29/10. Tuy nhiên, chiến dịch của Biden bác bỏ ý tưởng này.

Ngày 8/10, ABC News thông báo kế hoạch tự tổ chức phiên hỏi đáp riêng giữa Biden với cử tri ngày 15/10. Một nguồn tin của CNN cho biết Trump cũng đang thảo luận với NBC để tổ chức phiên hỏi đáp riêng vào ngày này.

Trong khi đó, chiến dịch của Trump cho rằng ban tổ chức muốn tranh luận trực tuyến để thiên vị Biden. CPD bác bỏ cáo buộc, khẳng định họ chỉ muốn đảm bảo an toàn và không thể chắc Tổng thống sẽ "sạch" COVID-19 vào tuần tới.

Các cuộc thăm dò cho thấy Biden đang dẫn trước hoặc hòa với Trump ở các bang chiến trường quan trọng. Việc hủy tranh luận có thể là tổn thất cho Trump vì ông thiếu cơ hội để lật ngược thế cờ khi ngày bầu cử đã cận kề. Hơn 73 triệu khán giả đã theo dõi cuộc tranh luận đầu tiên hôm 29/9.

(Tổng hợp)

AN LY (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương