Thứ trưởng Bộ Y tế: Vaccine tiêm cho trẻ em 3-11 tuổi là loại khác, không phải Pfizer và Moderna

"Các địa phương cần triển khai lập danh sách trẻ em 3-11 tuổi để xây dựng kế hoạch cung ứng vaccine cho độ tuổi này", Thứ trưởng nói.

Chiều 8/11, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã chủ trì Hội nghị đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong các cơ sở giáo dục.

Ông Tuyên cho biết có 3 vấn đề nổi bật là tiêm vaccine cho học sinh, thực hiện 5K trong lớp học và việc cần làm khi có F0 trong trường học. Ông nhấn mạnh từ cấp xã không được để sót trẻ em chưa tiêm vaccine.

Các địa phương cần tuyên truyền cho phụ huynh thấy được lợi ích của vaccine cũng như hiểu rõ các tác dụng phụ của vaccine. Điểm tiêm ngoài cơ sở y tế có thể tiêm ở trường, tập huấn y tế cho cán bộ tiêm chủng, đặc biệt cấp cơ sở.

Thứ trưởng Bộ Y tế: Vaccine tiêm cho trẻ em 3-11 tuổi là loại khác, không phải Pfizer và Moderna

"Đến nay, Việt Nam có 2 loại vaccine phòng Covid-19 được cấp phép có thể tiêm cho trẻ em là Pfizer và Moderna. Liều lượng và kỹ thuật tiêm được thực hiện tương tự với người lớn. Vaccine tiêm cho trẻ em 3-11 tuổi là loại vaccine khác, có liều lượng tiêm khác. Các địa phương cần triển khai lập danh sách trẻ em 3-11 tuổi để xây dựng kế hoạch cung ứng vaccine cho độ tuổi này", Thứ trưởng nói.

Theo Cục Y tế dự phòng, kế hoạch tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ 12-17 tuổi trong thời gian tới vẫn theo nguyên tắc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine Covid-19 cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên; ưu tiên tiêm đủ liều cho các đối tượng 50 tuổi trở lên.

Huy động tối đa các lực lượng tham gia tiêm chủng bao gồm cơ sở trong và ngoài ngành y tế, lực lượng công an, quân đội, đoàn thể để triển khai chiến dịch tiêm chủng. 

Việc tiêm chủng cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi bắt đầu từ quý IV. Mở rộng đối tượng tiêm cho trẻ 12-17 tuổi theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp (tiêm trước cho lứa tuổi 16-17 tuổi và hạ dần độ tuổi).

Thứ trưởng Tuyên nhận định tỷ lệ tiêm bao phủ vaccine Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên ở Việt Nam trên 75% là tỷ lệ tương đối cao, đặc biệt các tỉnh phía Nam. Ông đề nghị tất cả trường học trên địa bàn cần rà soát lại nhiệm vụ của từng người trong các cơ sở giáo dục. Ban chỉ đạo cấp huyện đi kiểm tra, phê duyệt kế hoạch phòng chống dịch của từng trường. Các trường cần xây dựng phương án khi không may có F0. Phương án này cũng cần ban chỉ đạo cấp huyện phê duyệt.

Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết trong Công văn 1583, ban hành ngày 7/5/2020 của Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn rất rõ việc học sinh có cần đeo khẩu trang, khoảng cách trong lớp học. Theo đó, trong lớp học không yêu cầu giãn cách nhưng cần hạn chế tiếp xúc.

Các cơ sở giáo dục phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế ở tất cả cấp độ dịch. Dạy học hạn chế bao gồm về thời gian, số lượng học sinh và ngừng một số hoạt động (do các địa phương căn cứ Quyết định số 4800/QĐ-BYT để đánh giá cấp độ dịch và căn cứ yếu tố dịch tễ, nguy cơ tại địa phương để quy định).

Hiện do tình hình dịch, các cơ sở giáo dục phải ký hợp đồng thời vụ với cán bộ y tế. Ngoài ra, các trường phải bố trí 2 buồng: Buồng trực của cán bộ y tế và phòng cách ly tạm thời.

Ông Dương Chí Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế, nêu rõ quan điểm "phải an toàn mới đi học và khi đi học phải an toàn".

Hướng dẫn cần thông báo cho trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch, tổ an toàn Covid-19 của cơ sở giáo dục, phụ huynh học sinh; cung cấp khẩu trang y tế và hướng dẫn đeo đúng cách; yêu cầu hạn chế tiếp xúc người xung quanh, tránh ở gần dưới 2 m; thông báo cho lực lượng đã được phân công để phân luồng lối đi đến phòng cách ly tạm thời; gọi điện thoại cho đường dây nóng của cơ quan y tế theo quy định của địa phương để thực hiện xét nghiệm nCoV. Không sử dụng phương tiện giao thông công cộng để di chuyển trường hợp nghi mắc đến cơ sở y tế. Đơn vị trường học cần lập danh sách người tiếp xúc và thực hiện khử khuẩn tại nơi làm việc khi cơ quan y tế yêu cầu.

Khi có bệnh nhân Covid-19 trong trường học, đơn vị cần phong tỏa tạm thời, thông báo và phối hợp với cơ quan y tế địa phương để triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Trường cần lập tức tách F0 và đưa đi cách ly, điều trị.

Cơ sở trường học phát hiện F0 cũng cần rà soát ngay để phát hiện trường hợp có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh, truy vết F1 triệt để tại trường học cũng như trong cộng đồng. Các cơ sở phải tổ chức ngay lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho tất cả học sinh, giáo viên, người lao động của trường.

Các trường hợp F2 cũng được rà soát, xem xét lấy mẫu xét nghiệm nếu thấy F1 có nguy cơ trở thành F0. Những người là F2 được hướng dẫn cách ly tại nhà, nơi lưu trú và chờ kết quả xét nghiệm của F1. Trong khi chờ kết quả, học sinh, giáo viên, người lao động đang có mặt tại trường ở nguyên tại chỗ, thực hiện nghiêm túc 5K.

Thanh Mai

Miến Bắc sắp trải qua đợt rét nhất kể từ đầu mùa, nhiệt độ Hà Nội xuống thấp nhất 15 độ C

Miến Bắc sắp trải qua đợt rét nhất kể từ đầu mùa, nhiệt độ Hà Nội xuống thấp nhất 15 độ C

Một số vùng núi như Sa Pa, Mẫu Sơn được dự báo ghi nhận mức nhiệt thấp nhất 5-8 độ C trong những ngày tới.