Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu 6 định hướng chính sách quan trọng của Việt Nam với các doanh nghiệp toàn cầu

Kinh tế - xã hội của Việt Nam đã phục hồi trở lại, Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực Việt Nam đang ưu tiên.

Nhận lời mời của Giáo sư Klaus Schwab, Nhà sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), ngày 29/10/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đồng chủ trì Đối thoại Chiến lược quốc gia Việt Nam – WEF lần đầu tiên bằng hình thức trực tuyến, với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác công tư: Động lực then chốt của phục hồi toàn diện và phát triển bền vững, bao trùm và đổi mới sáng tạo”.

Tham dự đối thoại có nhà sáng lập và Chủ tịch điều hành WEF, Giáo sư Klaus Schwab, lãnh đạo các bộ, ngành Việt Nam và gần 70 nhà lãnh đạo toàn cầu.

Đối thoại Chiến lược quốc gia về Việt Nam là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong chương trình của WEF năm 2021, nhằm hỗ trợ các tập đoàn toàn cầu mở rộng đầu tư, kinh doanh, đón đầu các xu thế mới trong bối cảnh kinh tế thế giới đang trên đà phục hồi.

 Giáo sư Klaus Schwab bày tỏ hết sức vui mừng thấy rằng Việt Nam đã triển khai nhanh chóng và quyết liệt chiến lược tiêm ngừa Covid-19. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy những khó khăn do đại dịch gây ra sẽ có thể vượt qua, Việt Nam sẽ tiếp tục vững bước trên con đường trở thành đầu tàu kinh tế của khu vực.

Giáo sư hoàn toàn tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đà phát triển ấn tượng trong những thập kỷ tới. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ về Kế hoạch tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn trước mắt của Việt Nam với các nhà lãnh đạo toàn cầu tại Đối thoại Chiến lược quốc gia Việt Nam – WEF. Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ về Kế hoạch tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn trước mắt của Việt Nam với các nhà lãnh đạo toàn cầu tại Đối thoại Chiến lược quốc gia Việt Nam – WEF. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam đã phục hồi trở lại và có nét khởi sắc trong tháng 10, do đã cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19 và từng bước mở cửa nền kinh tế.

10 tháng đầu năm 2021, vốn FDI đăng ký mới tăng 11,6% và vốn thực hiện đạt trên 15 tỷ USD. Xuất khẩu của Việt Nam tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, tổng cầu phục hồi mạnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trên 18%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng chỉ tăng 1,81%. Điều này cho thấy khó khăn hiện tại chỉ mang tính thời điểm. Các cân đối lớn của kinh tế Việt Nam vẫn là nổi trội, ổn định và vững chắc.

Thủ tướng chia sẻ về Kế hoạch tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn trước mắt của Việt Nam với các nhà lãnh đạo toàn cầu, với 6 định hướng chính sách quan trọng của Việt Nam. 

Thứ nhất là phục hồi chuỗi cung ứng, bảo đảm lưu thông hàng hoá, hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn, thông suốt của doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới. 

Thứ hai là hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thúc đẩy sản xuất kinh doanh nhằm phục hồi tăng trưởng kinh tế và ổn định đời sống xã hội. 

Thứ ba, Việt Nam đang triển khai quyết liệt các chương trình đầu tư quy mô lớn, nhất là các dự án hạ tầng giao thông liên vùng, năng lượng, hạ tầng xanh, hạ tầng số quốc gia…có tác động lan toả, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế. 

Thứ tư là đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. 

Thứ năm là nâng cao chất lượng thể chế đồng bộ, hiện đại, theo chuẩn mực quốc tế, là điều kiện tiên quyết, một trong ba đột phá chiến lược để phát triển đất nước 10 năm tới. 

Định hướng thứ sáu và là yếu tố quan trọng nhất, là nguồn nhân lực, nhằm phát huy tối đa nguồn lực quan trọng nhất là con người Việt Nam với tư cách vừa là chủ thể và là mục tiêu cao nhất của sự phát triển.

Song song với đó, Việt Nam ưu tiên thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực tự chủ của nền kinh tế, phù hợp với những điều chỉnh sau đại dịch Covid-19. Thủ tướng kêu gọi các nhà đầu tư phối hợp thực hiện chủ trương phục hồi sản xuất an toàn tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu chế xuất để đảm bảo đơn hàng, duy trì chuỗi cung ứng.

Người đứng đầu Chính phủ kêu gọi các nhà đầu tư đầu tư vào các lĩnh vực Việt Nam đang ưu tiên và có nhiều ưu đãi đặc biệt, như công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp thông minh, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo; xây dựng kết cấu hạ tầng và các dự án phục vụ an sinh xã hội, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh nghiên cứu – phát triển, đổi mới sáng tạo và đóng góp đưa Việt Nam trở thành một trung tâm trong chuỗi giá trị  khu vực và toàn cầu.

Thủ tướng đề nghị những mô hình như Chương trình đối tác công – tư cho nông nghiệp bền vững, sẽ được nhân rộng sang các lĩnh vực hợp tác có tiềm năng khác. Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam - WEF thành cơ chế thường kỳ giữa lãnh đạo Chính phủ Việt Nam với các doanh nghiệp và chuyên gia của WEF.

Cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài đưa ra nhiều kiến nghị chính sách, nhằm tái hồi phục và kích thích kinh tế, thúc đẩy FDI, cải thiện kết nối vận chuyển hàng hóa nội địa và xuyên biên giới.

Trong đó, các tập đoàn công nghệ lớn hiến kế các chính sách thúc đẩy hợp tác công – tư để phát triển hạ tầng kỹ thuật số, khuyến khích đầu tư cho chuyển đổi số, chiến lược tận dụng công nghệ 4IR để ứng phó và phục hồi sau đại dịch.

Cộng đồng doanh nghiệp hoan nghênh mạnh mẽ việc tăng tốc và thực thi các cam kết trung hòa các bon đến năm 2050 và các quy định liên quan về môi trường của Việt Nam; đề xuất các chính sách thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn,...

Về lĩnh vực năng lượng tái tạo, một doanh nghiệp đề xuất Việt Nam thành lập Diễn đàn Năng lượng tham vấn với sự tham gia của khu vực tư nhân và Chính phủ, để tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này.

Cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu đánh giá cao tiềm năng, khát vọng và các mục tiêu phát triển của Việt Nam, bày tỏ chia sẻ với quyết tâm của Chính phủ và cá nhân Thủ tướng; cam kết đồng hành cùng Việt Nam trên con đường phát triển.

Q.Huy

Người dân TP.HCM không lo thiếu hàng Tết

Người dân TP.HCM không lo thiếu hàng Tết

Ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM khẳng định, năm nay kế hoạch chuẩn bị hàng Tết có muộn hơn, nhưng Sở cam kết sẽ đảm bảo nguồn hàng đủ cung ứng.