Thuê nhà không nội thất sẽ giúp tiết kiệm hơn rất nhiều
Đặng Kiên (25 tuổi) đang theo học thạc sĩ luật kinh tế tại Paris, Pháp. Hiện cậu bạn đang thuê 1 căn hộ studio ở Pháp với giá 650 euro/tháng (khoảng 17 triệu đồng) chưa bao gồm CAF. CAF là một tổ chức sẽ hỗ trợ cho sinh viên một khoản tiền thuê nhà hàng tháng, khoản tiền này được gọi là APL, thông thường sẽ được sinh viên gọi tắt là CAF. Cậu bạn đã nộp hồ sơ và nếu được duyệt sẽ nhận khoản hỗ trợ tiền thuê nhà 219 euro/tháng (khoảng 5,7 triệu đồng).
Đặng Kiên |
Được biết cậu bạn đã thuê nhà không nội thất vì một số lý do. Hiện tại nhà cho sinh viên tại châu Âu khá khan hiếm. Thông thường ngân sách sinh viên dành cho khoản mục này không lớn nên tìm nhà thuê dường như trở thành một cuộc tranh đấu. Nhà đầy đủ nội thất với giá thuê sinh viên thường sẽ phổ biến ở vùng ngoại ô Paris. “Bản thân mình là một đứa hướng ngoại, thích khám phá nên việc sống ở bên ngoài trung tâm Paris hơi bất tiện. Thêm nữa, mình khá thích sống một mình, có thể tự do làm mọi thứ mà không sợ ảnh hưởng tới những bạn cùng nhà”.
Cậu bạn đang thuê nhà ở Quận 15, một trong những vị trí đắc địa ở Paris. Những căn hộ studio khác có diện tích tương tự trong trung tâm Paris đầy đủ nội thất, giá thường rơi vào khoảng 800 – 1.000 euro (khoảng 21-26 triệu đồng), thậm chí là còn cao hơn. Tính trung bình chênh lệch giá thuê hàng tháng giữa nhà Đặng Kiên thuê và các căn hộ studio đầy đủ nội thất ở trong Paris sẽ là khoảng 150 euro đổ lên mỗi tháng. Vì chương trình học 1 năm, do vậy mức chênh lệch này sẽ là 1.800 euro/năm (khoảng 47 triệu đồng). “Với số tiền này mình thừa sức có thể mua được nội thất mới theo đúng mong muốn cá nhân. Thậm chí sau này mình có chuyển nhà hay về nước thì vẫn có thể thanh lý”.
Căn nhà lúc Đặng Kiên mới chuyển vào |
Trong câu chuyện decor nhà cửa, Đặng Kiên cho rằng điều cần lưu ý lớn nhất đó là phải tự lượng sức mình, về cả sức người lẫn tài chính. “Đối với mình, bài toán tài chính là đau đầu nhất, phải tính toán làm sao để mua đồ nội thất với một chi phí phù hợp với ngân sách tự đặt ra là 1.000 euro. Đây là con số mà mình đã tham khảo từ một số anh chị du học sinh và làm việc ở bên này. Cuối cùng, mình bị dôi lên khoảng 300 euro nhưng nó vẫn nằm trong khoảng chênh lệch 1.800 euro, trong ngưỡng chấp nhận. Nếu phải bỏ ra quá nhiều tiền để mua nội thất, chưa kể công vận chuyển, lắp ráp, mình thà rằng ở ngoại ô còn hơn”.
Vấn đề thứ 2 là sức người. Chi phí lắp ráp ở Châu Âu tương đối lớn nên hầu như tất cả mọi người, không kể du học sinh hay người đã đi làm đều lựa chọn tự lắp ráp nội thất sau khi được vận chuyển đến nhà. “Mình vẫn nhớ là mình lắp cái khung giường và cái tủ quần áo hết tổng cộng 10 tiếng và còn phải có sự trợ giúp ở một số công đoạn mới có thể hoàn thành”.
“Mình thấy không gian sống, đặc biệt là khi ở nước ngoài vô cùng quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tinh thần. Đi du học tức là mình đã lựa chọn bước chân vào một thế giới mới, môi trường, văn hoá, ngôn ngữ hoàn toàn khác biệt và hơn hết là chỉ có một mình. Sang bên này mình dành thời gian ở trong nhà khá nhiều vì một số yếu tố như là thời tiết mùa đông khá lạnh, bài vở trên trường nhiều, bạn bè lại ít, văn hoá ăn uống đi chơi cũng khác Việt Nam,.. Do vậy căn hộ là một nơi trú ẩn an toàn mà mình cần vào những thời điểm như thế này”, Đặng Kiên chia sẻ về tầm quan trọng của không gian sống.
Không gian sống sau khi Đặng Kiên bày trí nội thất trở nên ấm cúng hơn rất nhiều |
Kinh nghiệm thuê nhà cho du học sinh Pháp
Trong câu chuyện tìm nhà, Đặng Kiên chia sẻ rằng có một số kênh khá phổ biến chẳng hạn như Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Pháp (UEVF) trên Facebook hoặc các website tìm nhà phổ biến ở Pháp như Flatlooker hay Leboncoin.
- Trên UEVF thường là những căn hộ hoặc phòng cho thuê của chủ người Việt, nằm ở bên ngoài trung tâm Paris. “Lúc tìm nhà mình đã từng thấy 1 chị đăng bài tìm người thuê nhà thay thế do chị chuẩn bị chuyển ra khỏi 1 căn hộ studio full nội thất ở trung tâm Paris. Căn hộ đó có giá thuê 1,000 euro/tháng, không hề rẻ chút nào đối với sinh viên đi học. Tuy nhiên, do mình đã quá bất lực tìm nhà, chỉ còn vài tuần trước khi sang Pháp nên mình vẫn nhắn tin xin thuê. Do mình là người có hồ sơ đủ điều kiện thứ 2 nên phải chờ người thứ nhất xem nhà trước. Nếu họ không thuê thì mới tới lượt mình và đương nhiên là sẽ không bao giờ tới lượt mình vì đấy là một căn hộ tốt”.
- Trên Leboncoin có rất nhiều căn hộ cho thuê với đủ loại yêu cầu gần xa nhưng lại có một vấn nạn là cho thuê thật thì ít mà lừa đảo khá nhiều.
- Trên Flatlooker uy tín hơn, nhiều căn hộ cho thuê của chủ Pháp nằm ở trong Paris nhưng lại có những vấn đề khác. Ví dụ như yêu cầu phải có người bảo lãnh hoặc liên quan đến thứ tự nộp hồ sơ. Người bảo lãnh thì thường là người đã đi làm ở Pháp hoặc thông qua agency đại diện. Còn thứ tự nộp hồ sơ thì ai nộp trước sẽ cân nhắc trước. Nếu cả 2 bên thỏa thuận thành công thì sẽ dừng lại ở người đầu tiên. Còn nếu không sẽ theo thứ tự làm việc với người thứ 2, 3, 4 cho đến khi tìm được người thuê phù hợp.
Bên cạnh đó, cũng sẽ có một số khó khăn khác. Chẳng hạn, nhiều chủ người Pháp họ còn không chấp nhận bảo lãnh của bên agency. Tức là bạn bắt buộc phải đang đi làm tại Pháp hoặc có 1 người đang đi làm tại Pháp với lương hàng tháng tối thiểu gấp 3 lần tiền thuê nhà đứng ra bảo lãnh mới được thuê. Đặng Kiên đã chuẩn bị rất nhiều giấy tờ để thuê nhà, bao gồm giấy tờ trúng tuyển, sao kê bảng lương 3 tháng gần nhất của người bảo lãnh, thẻ cư trú của người bảo lãnh, chứng minh tài chính của người thuê nhà (như Đặng Kiên là nộp sổ tiết kiệm ở ngân hàng Việt Nam). Cậu bạn chia sẻ rằng nó còn khó hơn là nộp đơn xin visa đi du học.
Sinh viên thuê nhà sống một mình vì khó tìm người ở chung, đầu tư decor không kém ai
Dù tài chính chưa vững vàng, một số sinh viên vẫn đầu tư cho nhà thuê vì không gian sống ảnh hưởng rất nhiều tới chất lượng cuộc sống nói chung.