Thượng đỉnh Mỹ - Trung Á đầu tiên: Mục tiêu cạnh tranh với Nga, Trung Quốc không dễ thực hiện

Bên lề phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gặp Tổng thống của 5 quốc gia Trung Á gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan.

Ngày 19/9/2023, bên lề phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 78, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gặp Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev của Kazakhstan, Tổng thống Sadyr Japarov của Kyrgyzstan, Tổng thống Emomali Rahmon của Tajikistan, Tổng thống Serdar Berdimuhamedov của Turkmenistan và Tổng thống Shavkat Mirziyoyev của Uzbekistan.

Đây là cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Trung Á đầu tiên nhằm tăng cường ảnh hưởng của Mỹ và cạnh tranh với Trung Quốc và Nga. Kể từ năm 2015, các cuộc gặp định kỳ đã được tổ chức giữa Ngoại trưởng Mỹ và Ngoại trưởng các nước này.

Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp lãnh đạo 5 quốc gia Trung Á
Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp lãnh đạo 5 quốc gia Trung Á

 Quan hệ giữa Mỹ, châu Âu với các nước Trung Á

Sau khi Mỹ rút khỏi Afghanistan, chính quyền Tổng thống Biden đã tìm cách duy trì ảnh hưởng của mình trong khu vực. Năm 2022, Mỹ đã đưa ra “Sáng kiến Phục hồi Kinh tế Trung Á”, cung cấp 25 triệu USD viện trợ cho khu vực để mở rộng các tuyến thương mại, củng cố khu vực tư nhân, đầu tư vào giáo dục và đào tạo. Đầu năm 2023, trong chuyến thăm Kazakhstan và Uzbekistan, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã công bố bổ sung 25 triệu USD nữa. Số tiền này được coi là khoản bồi thường cho các nước Trung Á về những thiệt hại kinh tế do các lệnh trừng phạt chống Nga. 

Việc đưa các quốc gia Trung Á ra khỏi quỹ đạo của Nga là một trong những mục tiêu chính của Mỹ. Tháng 2/2023, trong chuyến thăm Kazakhstan, Ngoại trưởng Blinken cho biết, Mỹ theo dõi chặt chẽ việc các nước Trung Á tuân thủ các lệnh trừng phạt Nga và tìm cách giảm thiểu hậu quả của nó, đồng thời tạo cơ hội mới cho việc tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại, từng bước tách các nước này khỏi vòng ảnh hưởng của Nga. Đại diện Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) Anjali Kaur cũng thừa nhận rằng, Washington đang tìm cách tách Trung Á khỏi nền kinh tế Nga.

Nhà Trắng tuyên bố Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung Á là một “sự kiện lịch sử”, kết quả của nhiều năm hợp tác chặt chẽ dựa trên cam kết chung về chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ. Tại hội nghị, Mỹ hứa giúp đảm bảo an ninh ở Trung Á, đặc biệt là chống khủng bố và tội phạm xuyên biên giới, đồng thời tăng cường hợp tác kinh tế, mở rộng năng lực khu vực tư nhân, khai thác các loại khoáng sản quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng và chuỗi cung ứng. Washington hứa hẹn sẽ giúp thu hút đầu tư và phát triển hành lang xuyên Caspi. Tổng thống Biden cam kết hỗ trợ xã hội dân sự và trao quyền kinh tế cho phụ nữ, cũng như tôn trọng quyền của người khuyết tật. 

Hội nghị đã thảo luận các vấn đề hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, sinh thái, năng lượng và an ninh giữa Mỹ và 5 nước cộng hòa. Ngoài ra, Washington còn cố gắng thuyết phục các nước láng giềng phía Nam của Nga tham gia trừng phạt Moscow. USAID cho biết sẽ triệu tập hội nghị 5+1 cấp bộ trưởng giữa năm nước khu vực Trung Á và Mỹ vào tháng 10 tới để thảo luận về các hành động cụ thể.

Giữa tháng 9/2023, Thượng viện Mỹ cũng đã thảo luận khả năng bãi bỏ Tu chính án Jackson-Vanik với Uzbekistan, Kazakhstan và Tajikistan nhằm tạo điều kiện cho quan hệ thương mại bình thường giữa các nước này với Mỹ. Tu chính án này được Quốc hội Mỹ thông qua năm 1974, nội dung chủ yếu là cấm dành quy chế tối huệ quốc (MFN) trong thương mại giữa Mỹ với các "đối thủ".

Tại hội nghị, Tổng thống Mỹ hứa giúp đảm bảo an ninh ở Trung Á, đồng thời tăng cường hợp tác kinh tế, mở rộng năng lực khu vực tư nhân, khai thác các loại khoáng sản quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng và chuỗi cung ứng. Ảnh: Potus
Tại hội nghị, Tổng thống Mỹ hứa giúp đảm bảo an ninh ở Trung Á, đồng thời tăng cường hợp tác kinh tế, mở rộng năng lực khu vực tư nhân, khai thác các loại khoáng sản quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng và chuỗi cung ứng. Ảnh: Potus

Quan hệ Trung Á với Liên bang Nga

Nga đặc biệt chú ý đến Trung Á kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng Ukraine. Năm 2022, lần đầu tiên trong nhiều năm, Tổng thống Vladimir Putin thăm tất cả 5 quốc gia khu vực này. Cũng lần đầu tiên, hội nghị thượng đỉnh theo hình thức “5+1” giữa Nga và các nước Trung Á được tổ chức vào tháng 10/2022 tại thủ đô Astana, Kazakhstan.

Nhiều người cho rằng sự hợp tác giữa Trung Á và Nga đang suy giảm, nhưng thực tế đang chứng minh điều ngược lại. Năm 2022, kim ngạch thương mại của Nga với các nước Trung Á đã tăng bình quân 20%, đạt 41 tỷ US; trong đó với Kazakhstan tăng 10%, đạt mức kỷ lục 26 tỷ USD, Uzbekistan tăng 23%, đạt gần 10 tỷ USD và dự kiến năm 2023 đạt 12 tỷ USD.

Năm 2022, khối lượng đầu tư giữa Nga và các nước Trung Á vượt quá 3,6 tỷ USD, hơn 10 nghìn doanh nghiệp Nga và liên doanh đã tạo ra hơn 900 nghìn việc làm. Năm 2022, 14,5 tỷ USD từ Liên bang Nga đã đến Uzbekistan và 2,78 tỷ USD đến Kyrgyzstan. 

Tình hình quan hệ giữa Nga với các nước Trung Á còn lại cũng tăng mạnh. Năm 2022, kim ngạch thương mại giữa Nga với Kyrgystan tăng 20%, với Tajikistan tăng 22% và với Turkmenistan tăng 45%. Những con số này có ý nghĩa hết sức to lớn trong bối cảnh Nga bị Mỹ và phương Tây cấm vận toàn diện.

Ngoài ra, Trung Á còn là một trung tâm tài chính. Năm 2022, 770 triệu USD đã được chuyển từ Nga sang Kazakhstan và 17 tỷ USD đến Uzbekistan. 

Nga cung cấp hỗ trợ cho các nước Trung Á trong việc giải quyết các vấn đề phát triển bền vững. Trong giai đoạn từ 2008 đến 2019, kim ngạch lên tới hơn 6 tỷ USD (hơn 4,2 tỷ USD trên cơ sở song phương, khoảng 2 tỷ USD thông qua các tổ chức quốc tế, chủ yếu là Liên hợp quốc).

Quan hệ chính trị, kinh tế, nhân đạo, hợp tác an ninh giữa Nga và các nước Trung Á được hình thành trong lịch sử trên cơ sở là thành viên của Liên Xô cũ và nay là Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (SNG). Điều đó giải thích tại sao, bất chấp áp lực từ Mỹ và phương Tây, lãnh đạo của 5 quốc gia Trung Á vẫn tham gia lễ duyệt binh hàng năm trên Quảng trường Đỏ ở Moscow vào Ngày Chiến thắng Phát xít 9/5.

Quan hệ của Nga với các nước trong khu vực Trung Á được bảo đảm bằng các khung pháp lý vững chắc. Hơn 900 hiệp ước song phương và hiệp định liên chính phủ, 70% trong số đó liên quan đến hợp tác kinh tế, đã được ký kết.

Hiện nay, Nga là nhà đầu tư lớn nhất ở Trung Á với tổng số vốn lên tới 20 tỷ USD, trong đó 47% được đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, 22% vào luyện kim màu, 15% vào viễn thông. 

Kazakhstan và Kyrgyzstan, cùng với Nga, Belarus và Armenia, là thành viên của Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU). Tajikistan và Uzbekistan đang xem xét khả năng gia nhập liên minh này. Về giáo dục, đào tạo, hiện có 172 nghìn sinh viên từ các nước trong khu vực theo học tại các trường đại học Nga, trong đó có 59.000 sinh viên được hưởng học bổng từ ngân sách của Nga.

Bản đồ khu vực Trung Á.
Bản đồ khu vực Trung Á.

 Quan hệ các nước Trung Á với Trung Quốc

Chủ đề quan trọng thứ hai được bàn thảo tại hội nghị thượng đỉnh tại New York là quan hệ Trung Á với Trung Quốc. Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc, chiến lược nhằm tăng cường quan hệ với các nước Trung Á đã được Quốc hội Mỹ thảo luận từ tháng 10/2022, sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine và mở rộng Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).

Quan hệ với Trung Quốc là sự lựa chọn chiến lược của các nước Trung Á. Quan hệ hợp tác này không chỉ nằm trong khuôn khổ SCO được hình thành từ năm 2001 mà tất cả 5 nước Trung Á là thành viên, mà còn trong nhiều lĩnh vực khác.

Kim ngạch thương mại của các nước khu vực Trung Á với Trung Quốc năm 2022 lên tới 70,2 tỷ USD, trong đó 86% là với Kazakhstan, 7% với Uzbekistan và phần còn lại với ba quốc gia khác. Hội nghị thượng đỉnh “Trung Quốc - Trung Á” được tổ chức vào tháng 5/2023 tại Tây An, Trung Quốc góp phần tăng cường thương mại xuyên biên giới và viện trợ không hoàn lại 3,7 tỷ USD cho sự phát triển của khu vực. Nhiều thỏa thuận đầu tư được ký kết riêng với từng nước. So sánh với sự giúp đỡ của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cho các nước Trung Á, sự giúp đỡ của Bắc Kinh lớn hơn rất nhiều.

Mặt khác, Trung Quốc tuyên bố không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khu vực, không áp đặt ý chí của mình, không yêu cầu họ chọn phe và không tìm cách thiết lập phạm vi ảnh hưởng. Hơn nữa, Trung Quốc là nước có nền kinh tế phát triển nhanh, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau thời gian ngắn, lại nằm sát các nước Trung Á, là điều kiện hết sức thuận lợi cho hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và an ninh.

Nhiều nhà phân tích chính trị cho rằng, Mỹ tìm cách giảm bớt ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc ở Trung Á, nhưng không đưa ra các kế hoạch thay thế. Đến nay, viện trợ của Mỹ cho các nước Trung Á vẫn ở mức thấp và không có dự án quy mô lớn nào mà Mỹ muốn triển khai ở khu vực.

Có thể nói, ý tưởng của Mỹ đưa Trung Á ra khỏi quỹ đạo của Nga và Trung Quốc là rất khó nếu không muốn nói là không thể thực hiện được trong tình hình các nước Trung Á có lợi ích to lớn và quan hệ chặt chẽ với Nga và Trung Quốc mà Mỹ không thể thay thế được.

Đại sứ Nguyễn Quang Khai

Cuộc chiến ở Ukraina có thể làm suy yếu ảnh hưởng của Nga đối với các nước Trung Á?

Cuộc chiến ở Ukraina có thể làm suy yếu ảnh hưởng của Nga đối với các nước Trung Á?

Nhiều dấu hiệu cho thấy, ảnh hưởng của nước Nga đối với các quốc gia Trung Á thuộc liên bang Xô Viết trước đây không còn mạnh như trước kể từ khi nước này phát động một cuộc chiến tranh nhằm vào Ukraina.