Tiếng cầu thang gỗ

Ba tập bản thảo nặng trĩu tay của kiến trúc sư Tạ Mỹ Dương (cả ảnh, khi xuất bản, là ngót nghét nghìn trang). Nhưng trĩu tay chỉ là cảm giác ban đầu, cả mấy chữ kiến trúc sư cũng vậy.

Có một thứ trĩu nặng hơn trong ba tập ấy, không phải trĩu nặng chữ nghĩa mà trĩu nặng ký ức và kỷ niệm. Không hề cố tình văn chương, nhưng muốn hay không, cả mấy tập sách đều là văn chương, dù ông kiến trúc sư đôi khi thấp thoáng hiện ra khi nói về việc xử lý không gian hay những chi tiết kiến trúc đâu đó, thậm chí dành cả một tập quan trọng cho những bài viết liên quan đến nghề nghiệp, thì đấy vẫn là văn chương với những chi tiết đầy tình cảm.

Ba cuốn sách của Tạ Mỹ Dương
Ba cuốn sách của Tạ Mỹ Dương

Cứ đọc đó đây những tản văn của Tạ Mỹ Dương đăng trên mấy tờ báo, thấy nó đẹp, nó được viết ra bởi một trí thức am hiểu cuộc sống, lịch lãm, ăm ắp văn hóa… Nhưng đọc cả tập sách ba cuốn dày như thế này, thì mới biết những đánh giá vừa rồi quả thật không đáng kể. Ông là kiến trúc sư, như đã nói ở trên, với “Âm thanh cầu thang gỗ”, ông là kẻ lãng du với “Đá hát” và là một “Giai phố cổ” Hà Nội với “Bên cạnh rong rêu & mùi hồng bì”.

Rồi gấp cả ba tập sách, thấy chẳng phân chia ra thế được, chỉ còn một người đàn ông trung niên đi nhiều (mà không giang hồ), sắc sảo chi tiết, kể lại vô vàn chuyện đường phố hay chuyện những phận người ngâm ngẩm đắng với một sự ngậm ngùi không giấu giếm, nhưng kể xong thì lại cười một nụ cười thật hiền. Một người sống nhiều hơn những năm tháng đã có của đời mình, sống cả cho những ngày xưa, cho người xưa, “sống cạnh rong rêu” mướt xanh những miền ký ức.

Nhưng vẫn phải nhắc lại chữ trung niên, không phải để nói đúng về tuổi, mà để nói về cách kể chuyện của Tạ Mỹ Dương, không phải lối hoài cổ của người già. Ông sống cuộc sống hiện đại và tận hưởng nó, không phiền muộn thở than thế sự. Cách thức ấy khá hiếm ở những người kể chuyện.

Kiến trúc sư Tạ Mỹ Dương
Kiến trúc sư Tạ Mỹ Dương

Tạ Mỹ Dương lại là người kể chuyện, kể nhiều chuyện, bởi ông đi nhiều. “Đá hát” là một tập du ký đủ cả lang thang Âu, Á, Mỹ, Phi… Ông thường bắt đầu câu chuyện của mình bằng hình ảnh gây ấn tượng đầu tiên, chẳng hạn “cảm hứng Cambridge bắt đầu từ hình ảnh giản dị nhất, một dải khăn màu cam vắt ngang bờ vai dưới mái tóc vàng, măng tô dạ lụng thụng, đôi giày thô nhám và chiếc xe đạp gân guốc có cái giỏ mây phía trước đựng ổ bánh mỳ.

Một nữ sinh viên, hay rất có thể là một giáo sư của Đại học Cambridge thì cũng vậy. Mềm như một dòng sông nhỏ, cái dải khăn màu cam phất phơ bay trên xe đạp để rồi cũng lại dẫn đến một dòng sông…”, rồi cứ thế, “giỏ mây, xe đạp đến những lâu đài trí thức” (tên của tản văn này), ông dẫn người ta đến những ngõ ngách của thành phố Cambridge, nơi thấm đẫm một không khí tôn giáo, những câu chuyện lịch sử đầy hấp dẫn cũng như sự phát triển đô thị ở đây. Một câu chuyện chứa đựng nhiều kiến thức văn hóa, cả rất nhiều ảnh nữa.

Một nét khác biệt hoàn toàn với những cuốn tản văn khác, là tản văn của Tạ Mỹ Dương rất nhiều ảnh. Như với Cambridge, bài viết có đến mươi ảnh kèm chú thích tường tận. Không rườm lời, ông để những bức ảnh kể tiếp những điều định tả. Ngay cả một đoản văn khá là tếu táo về nơi đái bậy trong ngôi nhà nhiều người sống thường bốc lên đặc trưng cái gọi là “mùi lịch sử”, ông cũng có ảnh.

Tuy nhiên, có những đoạn văn chỉ đọc thôi, chẳng cần đến hình “Mỗi lần trở về, tôi lặng lẽ đến bên thành giếng, gục đầu vào nó, lòng nặng trĩu một nỗi buồn. Từ trong sâu thẳm của lòng giếng tôi nghe như có tiếng thì thầm. Những lúc này, tôi tin rằng các vật thể tưởng chừng vô tri vô giác cũng có một cái hồn mà con người có khả năng cảm nhận được. Nó là sự gợi nhớ, là cảm xúc tạo ra từ mỗi vật thể, dù thật bình thường nhưng chứa đựng biết bao nỗi niềm trong đó” (Cái giếng nước - Bên cạnh rong rêu).

Âm thanh cầu thang gỗ, một trong ba cuốn sách mới của Tạ Mỹ Dương
Âm thanh cầu thang gỗ, một trong ba cuốn sách mới của Tạ Mỹ Dương

Những bài viết, chỉ gọi là tản văn chắc không đúng, thôi thì cứ gọi thế, tập hợp trong khoảng 15 năm trở lại đây, chúng là những câu chuyện khác nhau về thành phố, không phải một mà nhiều thành phố trên thế giới. Với một kiến văn đáng nể, mỗi thành phố có một câu chuyện, mỗi vỉa hè có một câu chuyện.

Nhưng thích nhất là nghe ông kể về lịch sử một ngôi nhà, ngôi nhà của ông nhưng cũng sẽ là ngôi nhà của nhiều gia đình như thế trong Hà Nội. Một cuốn biên niên sử gia đình được viết hay tuyệt. Những câu chuyện chỉ là ngăn ngắn, “Lụa Hà Đông”, về những phụ nữ trong gia đình ông, mang dáng dấp một cuốn tiểu thuyết, nếu cứ kéo đủ dài chữ cho từng số phận.

Đọc xong “Bên cạnh rong rêu” thấy lịch sử cả thành phố, với bao đời người từ xưa đến nay với bao lận đận.

Tôi thích cái cách Tạ Mỹ Dương đi và kể, cách ông chiêm nghiệm cuộc sống, từ quán bia hay quán cà phê vỉa hè nào đó. Thích lối nói tự nhiên, rồi viết ra cũng tự nhiên, chân thành mà sâu sắc. Không có một cái Tôi đỏm dáng, một cái Tôi ra vẻ, chỉ là kể, hóm hỉnh một chút, thỉnh thoảng cũng đanh đá một chút, nhưng sau cùng là một niềm yêu sống và một nụ cười nhẹ nhõm…

Đọc, rồi cảm thấy những tiếng gõ nhẹ về ngày xưa, của bất cứ ai, như một tiếng chân trên cầu thang gỗ, nhẹ nhàng nhưng không rón rén, rồi ký ức bất chợt hiện ra, đón mình ở mỗi bậc thang.

Không phải là đi tìm thời gian đã mất, bởi không gì mất cả, tất cả cùng hiện diện trong một cuộc sống nhiều màu sắc nhưng nhân ái, chan hòa!

Minh Vũ

Từ sách đến phim ảnh, 'Mắt Biếc' dường như chưa bao giờ hết hot

Từ sách đến phim ảnh, 'Mắt Biếc' dường như chưa bao giờ hết hot

'Mắt Biếc' vừa tung teaser đầu tiên cho bộ phim tình cảm lãng mạn do đạo diễn Victor Vũ chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.