Phương án viết sách giáo khoa của Bộ GD-ĐT phá sản

Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể biên soạn bộ sách giáo khoa mới, do không thể tìm đủ tác giả có trình độ để viết sách.

Theo Nghị quyết 88/NQ-QH của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) sẽ chịu trách nhiệm biên soạn một bộ sách giáo khoa (SGK) từ lớp 1 đến lớp 12 cho chương trình giáo dục phổ thông mới. Nhưng phương án này đã bị phá sản.

Bộ GD-ĐT không tìm đủ tác giả viết SGK

Lý do của việc phá sản phương án này, theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, là do bộ đã gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, đặc biệt về nhân sự vì không tìm đủ tác giả viết SGK.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Bộ GD-ĐT đã ban hành kế hoạch biên soạn một bộ SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Bộ GD-ĐT đã đề xuất phương án giao cho Nhà Xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam biên soạn, in và phát hành SGK. Đồng thời, đã tính đến cả phương án tổ chức tuyển chọn một đơn vị tư vấn (NXB) biên soạn bản thảo và biên tập, hoàn thiện bản mẫu một bộ SGK, theo Người lao động.

Tuy nhiên, cả 2 phương án đều không thực hiện được do vướng các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam và Ngân hàng Thế giới. Vì vậy, ông Phùng Xuân Nhạ cho biết bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ thực hiện phương án tuyển chọn tác giả và tổ chức biên soạn một bộ SGK tại Báo cáo số 160 ngày 5-3-2019.

  Theo lộ trình, từ năm học 2020-2021, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ bắt đầu triển khai ở lớp 1; từ năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6.

Theo lộ trình, từ năm học 2020-2021, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ bắt đầu triển khai ở lớp 1; từ năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6.

Theo phương án này, Bộ GD-ĐT đã xây dựng các gói thầu tuyển chọn chủ biên, tác giả và biên tập viên để tổ chức biên soạn SGK. Thế nhưng, phương án tuyển chọn tác giả biên soạn một bộ SGK cũng không thực hiện được do không đủ ứng viên tham gia.

Nguyên nhân chủ yếu là do hầu hết tác giả viết SGK đã ký hợp đồng với một số NXB và bắt đầu tổ chức biên soạn SGK từ đầu năm 2018, khi dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông được công bố trên mạng để xin ý kiến rộng rãi. Các biên tập viên SGK có giấy phép hành nghề cũng đang thuộc biên chế hoặc hợp đồng với các NXB nên không được phép dự tuyển tự do.

Bộ GD-ĐT sau đó đã báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ thực hiện tổ chức việc biên soạn, xuất bản SGK không sử dụng ngân sách nhà nước. Ông Phùng Xuân Nhạ cũng cho hay sẽ tổ chức biên soạn một bộ SGK theo hướng thành lập Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK.

Cuộc chạy đua của các nhà xuất bản

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, để đón đầu chủ trương "Một chương trình, nhiều bộ SGK", đã có vài đơn vị tổ chức biên soạn SGK mới, như nhóm của Công ty CP Đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC), nhóm của TP HCM, nhóm làm sách theo tinh thần của bộ sách "mô hình trường học mới" VNEN, nhóm của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội…

Dù là doanh nghiệp tư nhân, không phải thành viên NXB Giáo dục Việt Nam nhưng hầu hết thành viên của VEPIC là cựu cán bộ, lãnh đạo của NXB Giáo dục Việt Nam đã nghỉ hưu.

Phần lớn tác giả (khoảng 180 người, trong đó có rất nhiều GS, PGS, TS, chuyên gia đầu ngành) ký hợp đồng viết SGK cho VEPIC đang tham gia Ban Phát triển chương trình của Bộ GD-ĐT, thậm chí nhiều tổng chủ biên, chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới đang đứng tên làm chủ biên SGK cho đơn vị này. Từ giữa năm 2018, đơn vị này cho hay đã viết xong SGK của nhiều lớp, sẵn sàng cho chương trình mới.

Cũng chính vì phần lớn tác giả SGK đầu quân viết sách cho công ty này cùng nhiều đơn vị khác nên Bộ GD-ĐT không thể tìm đủ nhân sự cho phương án tổ chức biên soạn một bộ SGK riêng dù Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã cam kết tài trợ một khoản tín dụng ưu đãi trị giá tương đương 77 triệu USD để thực hiện việc triển khai chương trình, SGK mới, trong đó kinh phí dành cho biên soạn và thẩm định một bộ SGK do Bộ GD-ĐT tổ chức thực hiện là hơn 16 triệu USD.

Ráo riết thẩm định SGK lớp 1

168 ứng viên của Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK lớp 1 của Bộ GD-ĐT đã có mặt tại Hà Nội để tham gia chương trình tập huấn kéo dài 3 ngày, từ ngày 4/7. Ông Thái Văn Tài - quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT), Phó trưởng Ban Tổ chức thẩm định SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới - cho hay thời điểm này, các NXB đã chuẩn bị các điều kiện theo quy định để gửi bản thảo SGK về bộ thẩm định. Hiện nay, dự thảo hướng dẫn cụ thể hóa các điều, khoản trong Thông tư 33 về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK…

Theo ông Thái Văn Tài, đây là tài liệu hướng dẫn mang tính chất khung áp dụng cho tất cả bộ SGK từ lớp 1 đến lớp 12. Tài liệu này sẽ được tiếp tục lấy ý kiến của các nhà khoa học, nhà giáo dục uy tín, các thành viên dự kiến của Hội đồng Thẩm định SGK để nghiên cứu thảo luận, từ đó thống nhất được cách hiểu, cách tiếp cận khi đánh giá SGK.

Để có thể có được bộ SGK đúng tiến độ, cách đây khoảng một tuần, Bộ GD-ĐT đã có thông báo rộng rãi nhận hồ sơ thẩm định SGK lớp 1 của các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK từ ngày 1 đến 15/7. Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK tiến hành thẩm định bản mẫu SGK của các nhà xuất bản gửi về Bộ GD-ĐT.

Sau khi tổ chức thẩm định, Bộ GD-ĐT chỉ đạo và hỗ trợ các NXB trong quá trình hoàn thiện bản mẫu SGK, bảo đảm có ít nhất một bộ SGK đầy đủ các môn học, hoạt động giáo dục được phê duyệt, cho phép sử dụng. 

Đã có 2 NXB gửi hồ sơ thẩm định sách lớp 1

Đến thời điểm ngày 4/7, đã có 2 đơn vị gửi hồ sơ thẩm định SGK lớp 1 là NXB Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và NXB Trường ĐH Sư phạm TP HCM.

Thời gian nhận hồ sơ còn kéo dài tới 10 ngày nữa. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải có hướng dẫn cụ thể để đánh giá SGK chung và SGK của từng môn học ở lớp 1.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đặt ra yêu cầu hướng dẫn này phải rõ ràng, tường minh, không trái pháp luật, thuần phong mỹ tục Việt Nam và phải tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có tính phổ quát và thực tiễn cao.

MINH TUẤN (t/h)

theo Tin 24h