So với đàn ông, phụ nữ thường dễ bị mất cân bằng hơn trong cuộc sống. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phụ nữ có nguy cơ mắc trầm cảm, rối loạn lo âu cao hơn nam giới khoảng 40%. Điều này không phải vì phụ nữ yếu đuối hơn mà bởi vì so với nam giới thì phụ nữ hiện đại thường gánh nhiều áp lực trong cuộc sống hơn.
Khi nói đến mối quan hệ của đàn ông và đàn bà trong gia đình, người ta thường dễ nghĩ đến câu “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Thế nhưng, trong thời hiện đại, phụ nữ thường được hình dung như là một người “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Nó là một tuyên ngôn để thể hiện hình ảnh tháo vát, năng động của phụ nữ hiện đại trong tất cả các vai trò từ gia đình cho đến xã hội. Tuy nhiên, cái hình ảnh của đàn ông thì cũng không mấy thay đổi vì đa phần cũng chỉ gắn với “công việc, sự nghiệp”. Và ở trong rất nhiều gia đình, những người phụ nữ thường dễ rơi vào tình trạng kiệt sức.
Có người phụ nữ sau sinh nào mà chưa từng nghe câu “chỉ ở nhà với con thôi” như thể đó là một công việc vô cùng nhẹ nhàng và đơn giản? Trong khi họ đầu tắt, mặt tối với n công việc không tên ở nhà mà không được nghỉ ngơi. Và khi mà họ đi làm trở lại, đó là lúc mà họ phải cân bằng giữa việc đạt thành tựu trong công việc, dạy con tốt, chăm sóc nhà cửa gọn gàng cùng các mối quan hệ nội ngoại hai bên.
Và bản thân phụ nữ thường hay có khuynh hướng hy sinh khi ưu tiên gia đình nhiều hơn chính nhu cầu của họ. Có thể là cần nhịn ăn, nhịn mặc để dành cho con hơn. Có thể là nhường chồng một chút (nhiều lần) để giữ nhà cửa êm ấm. Trong cùng một quỹ thời gian như thế với rất nhiều sự ưu tiên mà bỏ qua chính mình, làm sao mà không tránh khỏi tình trạng kiệt quệ hay đơn giản là cái cảm giác trống rỗng, mất phương hướng. Có nhiều người khi mở mắt dậy là chỉ còn nghĩ đến bao nhiêu nhiệm vụ cần làm như thể một cái máy cho những người xung quanh và không còn niềm vui trong cuộc sống.
Đó là lúc mà họ phải bắt đầu dừng lại để nhìn. Tôi là ai? Mục đích sống của mình là gì? Đây có phải cuộc đời mà mình muốn?
Tôi cũng như bao nhiêu phụ nữ khác, sau khi có con, cuộc sống của tôi cũng đã có nhiều thay đổi. Tôi cũng rơi vào sự kiệt quệ, mất cân bằng, lúc nào cũng thấy mình mệt mỏi, mất năng lượng bởi vì những điều mà tôi yêu thích – muốn làm đã không thể. Khi mệt đến tận cùng, đó là lúc mình bắt đầu phải thay đổi.
Tôi cho phép mình sống chậm lại. Có thể ngừng công việc khiến tôi thấy mệt mỏi. Đưa con đi gửi trẻ. Giữ sự tách biệt trong mối quan hệ với chồng. Tôi dành lại thời gian và năng lượng để yêu thương chính mình. Khi mà mình không yêu mình đủ, làm sao mình có thể tận hiến cho bất kỳ ai?
Mỗi ngày tôi dành thời gian cho việc đạp xe nuôi lại sức khỏe và niềm vui với những cảnh vật ven đường. Đó có thể là cảm giác khi từng làn gió tấp vào người mát lành, là ánh nắng hắt lên khuôn mặt, là những ngọn sóng đang vỗ chạm vào từng ngón chân, là những chú còng đang chui vào lỗ. Từng chút cảnh vật cho tôi được nhìn thấy cuộc sống đang biểu hiện sống động.
Có nhiều phụ nữ còn dành thời gian để học lại điều mà họ từng đam mê nhưng vì con cái họ đã bỏ lỡ nó. Chị bạn tôi thì dành thời gian với việc xây kênh Youtube để chia sẻ kiến thức. Em dâu tôi sau 10 năm ở nhà với 3 đứa trẻ, một ngày nó quyết định đi học lái xe và rồi đi tập gym để cho bản thân có một sự lột xác. Họ cho phép mình có những trải nghiệm mới để vượt qua giới hạn bản thân.
Hành trình tìm lại bản thân nó không phải là một khoảnh khắc hay một giai đoạn trong cuộc đời mà người ta phải luôn học cách kết nối lại với chính mình để tìm thấy sự cân bằng trong cuộc sống. Với việc làm vợ, làm mẹ và n vai trò, tôi nghĩ rằng phụ nữ đôi khi cần phải thoát khỏi cái vai “giỏi việc nước, đảm việc nhà” mà cho phép mình những khoảng thời gian dừng lại chỉ vì mình thôi. Mình được thất bại, được vụng về, được sai sót, được “không vì người khác”, được sống một cuộc đời đa dạng và đầy tự do.
Và khi ấy, mình mới đủ sức yêu thương cuộc đời trọn vẹn.
Nếu mà mệt quá…
Thiên nhiên lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn, khiến chúng tôi dường như quên mình là một phần của văn minh để hòa nhập trọn vẹn với biển và đất trời.