"Tội phạm ngày càng trẻ hóa, trẻ em chưa được bảo vệ tốt trên không gian mạng"

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết, nhiều cử tri bày tỏ sự lo lắng về việc trẻ em chưa thực sự được bảo vệ tốt trên môi trường mạng.

Ngày 20/11, thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương - cho biết, nhiều cử tri bày tỏ sự lo lắng về việc trẻ em chưa thực sự được bảo vệ tốt trên môi trường không gian mạng.

Đại biểu Việt Nga trích dẫn Báo cáo số 551 về kết quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023 của Chính phủ có nêu, số vụ tội phạm giao cấu từ 13 đến 16 tuổi tăng 33,61% so với năm 2022.

Đại biểu Việt Nga cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc gia tăng loại tội phạm này bắt nguồn từ việc trẻ em chưa được bảo vệ tốt trên môi trường mạng, nhất là độ tuổi từ 13 đến 16. Bên cạnh đó, vấn đề tội phạm ngày càng trẻ hóa, trong đó có cả tội giết người, bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng. Đại biểu này đề nghị cần đặc biệt coi trọng việc trang bị kiến thức kỹ năng cho cả trẻ em lẫn các bậc cha mẹ trong việc tự bảo vệ mình và bảo vệ con em mình.

  Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu tại hội trường

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu tại hội trường

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Chính phủ đã có Nghị quyết chuyên đề và Chính phủ đã giao trực tiếp cho Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với Bộ Lao động Thương binh & Xã hội và các ngành.

"Chúng tôi đã và đang triển khai các phương án khác nhau nhưng thời gian qua, tình hình chưa giảm, thậm chí là còn tăng. Tôi mong các ngành với chức năng của mình, đặc biệt là trong chương trình hành động quốc gia bảo vệ trẻ em đã ban hành và đã giao nhiệm vụ cụ thể thì cố gắng tiếp tục đẩy mạnh hơn việc này và sẽ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm nếu có", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ.

Hoàn thành lời hứa đề xuất hạ tuổi hưởng bảo trợ xã hội từ 80 xuống 75 tuổi

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định - cho biết, cử tri quan tâm đến kiến nghị xem xét giảm tuổi hưởng trợ cấp xã hội cho người cao tuổi thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay: "Độ tuổi hưởng bảo trợ xã hội hiện nay được quy định tại Luật Người cao tuổi là 80 tuổi. Vừa qua, trong lúc chưa sửa được Luật Người cao tuổi, chúng tôi đã chủ động báo cáo với Thường vụ, báo cáo với Chính phủ và chuyển nội dung này sang Luật Bảo hiểm xã hội. Trước mắt là hạ từ 80 tuổi xuống 75 tuổi và đưa vào tầng bảo hiểm hưu trí xã hội".

"Hiện nay Quốc hội đang xem, như vậy chúng tôi đã hoàn thành được lời hứa của mình, còn việc quyết định cuối cùng là do Quốc hội", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Phấn đấu đến năm 2030, xây dựng 1 triệu căn hộ cho công nhân, lao động

Cũng tại hội trường, đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang - đã kiến nghị cần phải khẩn trương ban hành chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng.

Về chính sách nhà ở với người có công, hộ nghèo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, ở giai đoạn 1, đã triển khai hỗ trợ 80.000 căn nhà, sau đó phát sinh lên gần 500.000 căn.

Ở giai đoạn 2, Quốc hội, Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng với Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng đề xuất vấn đề này. Bộ Lao động Thương binh & Xã hội có trách nhiệm thẩm định hồ sơ. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung mong muốn các Bộ sẽ tích cực phối hợp triển khai để người có công sớm an cư lạc nghiệp.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thông tin, trong chương trình giảm nghèo đa chiều đã bố trí 4.000 tỷ đồng để giải quyết hơn 100.000 nhà ở cho người nghèo thuộc 74 huyện nghèo.

Lý giải về việc triển khai chậm chương trình này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đầu năm 2023, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội đã cùng Bộ Tài chính thống nhất các phương án triển khai. Vì vậy, thực tế từ năm nay mới bắt đầu phân bổ được vốn để triển khai hỗ trợ nhà ở cho người nghèo.

Về 400.000 căn nhà tạm, nhà dột nát trên khắp cả nước, Bộ trưởng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý và thống nhất giao Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng với Chính phủ sẽ phát động phong trào thi đua cả nước "Chung tay cùng người nghèo để xóa nhà tạm".

Cùng với đó, Trung ương cũng thống nhất từ nay đến năm 2030 triển khai xây dựng 1 triệu căn hộ cho công nhân, lao động. Đến năm 2030, người dân sẽ được xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát.

Hải Yến/Phụ nữ Việt Nam

Vợ Bùi Tiến Dũng ‘đòi’ quà nhân ngày 20/11 vì ‘vợ đã dạy chồng những bài học quý giá’

Vợ Bùi Tiến Dũng ‘đòi’ quà nhân ngày 20/11 vì ‘vợ đã dạy chồng những bài học quý giá’

Bùi Tiến Dũng ngơ ngác tưởng vợ ‘đòi quà’ nhầm ngày nhưng cuối cùng lại gật gù khen hay.